Monday, June 29, 2020

Chúng ta là những việc mình làm

Chúng ta là những việc mình làm

Ngày nay chúng ta thấy chữ karma được dùng nhan nhản khắp nơi. Nhưng điều đáng tiếc là phần lớn nó đã được dùng một cách rất sai lầm. Không hiểu vì lý do gì, trong Anh ngữ chữ karma lại có nghĩa như là "định mệnh" hay là "số phận" (fate, destiny, theo American Heritage Dictionary). Điều này thật là một sự hiểu lầm đáng tiếc, vì trong Phật giáo, karma là một ý niệm rất thâm thúy và có ý nghĩa rất sâu sắc. 
Tác ý, hành động và kết quả
Chữ karma đơn giản có nghĩa là "hành động", nó có gốc ở động từ kr có nghĩa là "làm" hay "tạo tác."  Trong chữ này ta thấy có ba ý khác biệt, nhưng một điều rất đặc biệt là cả ba đều cùng là những giai đoạn không thể tách rời của chung một tiến trình. 
Chúng ta có thể nghĩ rằng, (1) quyết định làm một điều gì là một việc, (2) hành động để thực hiện điều ấy là một việc khác, và (3) kết quả của hành động ấy lại là một việc khác nữa.  Nhưng theo quan điểm của đạo Phật thì cả ba việc ấy chỉ là những phần khác nhau của một cái chung, toàn vẹn.  Tác ý (intention) là phần dẫn đầu của karma, nó điều khiển những hành vi của thân, khẩu và ý, để rồi chúng tạo tác và tích luỹ những nghiệp quả, vào phần cuối của karma.
Nói một cách khác, mỗi hành động được bắt đầu bằng một "việc làm" do một sự quyết định, và kết quả là một sự "tạo tác" mà trong đó một cá tính, nhân cách đặc biệt được tạo dựng lên.  Vì vậy ta có thể nói rằng, karma là mối quan hệ giữa những việc ta chọn làm và sự tạo tác nên con người của ta từ những việc làm ấy.
Hành động cũng chính là kết quả
Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này qua những chữ dùng để diễn tả hành động, mà cùng một lúc vừa là động từ và cũng vừa là danh từ, ví dụ như cụm từ sankharam abhisankharoti trong Kinh Tương Ưng (Samyutta Nikaya 12.51). Trong Anh ngữ, chúng ta có thể dịch cụm từ ấy ra thành nhiều cách khác nhau, như là "one forms formations", “one constructs constructions”, “one creates creations,” hoặc là “one fabricates fabrications.”
    Chắc bạn cũng đã hiểu ý tôi muốn nói.  Khi một hành động nào đó khởi lên, nó bao gồm cả hai việc: hành động tạo tác một cái gì và luôn cùng với kết quả của sự tạo tác ấyTrong kinh có dùng hình ảnh về một người thợ gốm ngồi nơi chiếc bàn xoay của mình.  Người thợ gốm dùng đất sét để tạo nắn những vật dụng tùy theo ý muốn, và khi món đồ gốm được tách rời ra khỏi chiếc bàn xoay và mang vào lò nun, nó trở thành một hiện vật lâu bền của hành động ấy.
Và cá tính, nhân cách, cái ngã của mình cũng tương tự như thế, dưới quan điểm của đạo Phật, chúng được xem như là những di tích hoá thạch của karma, những chứng tích huân tập lại từ một chuỗi quá trình tác ý và hành động của ta trong quá khứ.
Thái độ quan trọng hơn việc làm
Phần lớn lối suy nghĩ của Tây phương hay chú tâm về sự hướng ngoại.  Chúng ta quen có quan niệm rằng, sự chọn lựa của mình là để đáp ứng lại với hoàn cảnh chung quanh, và hành động của ta có khả năng thay đổi được tình trạng ấy. Và theo lối suy nghĩ này thì chúng ta đặt nặng sự quan trọng vào hành động của mình: nó có đạt được nhiều hiệu quả không, có mang lại sự thay đổi mà ta mong muốn không?  Nhưng ngược lại, trong đạo Phật thì chúng ta lại chú trọng về các phương diện nội tại của hành động mình hơn.
    Đối với đạo Phật thì những câu hỏi quan trọng sẽ là "Những quyết định này sẽ có ảnh hưởng gì đến sự tốt lành của chính mình?" và "Hành động của ta sẽ chuyển hóa chính ta như thế nào?"  Với cái nhìn của đạo Phật thì những gì ta làm (what we do) không quan trọng lắm so với cái thái độ, phương cách mà ta làm (how we do).
Điểm chính yếu trong karma là chúng ta tự nhồi nắn mình như thế nào, và chúng ta bị uốn nắn bởi những hành động của chính mình ra sao.
Chúng ta là những việc mình làm
Thật ra, cái tôi của chúng ta rất dễ bị uốn nắn.  Nó cũng như một miếng đất sét dẻo đang được nhồi nắn trong mỗi giây, mỗi phút qua tác ý của mình.
    Cũng như các nhà khoa học ngày nay khám phá ra rằng, không phải chỉ có bộ óc (the brain) tạo nên tâm ý (the mind), mà bây giờ đây, tâm ý cũng cấu tạo nên bộ óc nữa. Mấy ngàn năm về trước, đức Phật cũng đã có nói về một quá trình liên lập (interdependent), phụ thuộc lẫn nhau: tác ý của ta bị điều kiện bởi tâm tánh của mình, và ngược lại tâm tánh cũng bị điều kiện bởi tác ý.
    Ví dụ, trong giây phút có một cơn giận khởi lên, cho dù ta có biểu lộ ra bằng hành động, lời nói, hay dằn nén lại trong tâm, ta cũng đang tự tập cho mình trở nên nóng tánh hơn bằng cách nhồi nắn trong ta một tánh khí của cái giận.  Một người có thiên hướng nổi giận sẽ lại càng lúc càng dễ dàng bùng nổ hơn trước bất cứ một sự khiêu khích nào.  Nhưng trong một giây phút của thương yêu và tha thứ, một nhân cách từ ái được tạo nắn trong ta, và tâm tánh ta sẽ được tăng trưởng thêm chút thiên hướng của thương yêu.  Vì vậy, thái độ phản ứng của ta đối với một kinh nghiệm nào, bằng cơn giận hay lòng từ ái, không những chỉ ảnh hưởng đến chung quanh, mà còn dần dà nhồi nắn lại con người của chính ta nữa.
Chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự thật về chính mình qua những việc chúng ta làm.  Chúng ta thừa hưởng karma của mình trong quá khứ, qua hình thái của một cái tôi – hay chính xác hơn là một nhóm khuynh hướng – và cái quá khứ ấy sẽ định hướng và quyết định cho tác ý của ta trong giây phút hiện tại.
Và trong mỗi giây mỗi phút, chúng ta cũng đang nắm giữ karma của tương lai trong tay mình, khi ta chọn lựa phản ứng như thế nào đối với những gì đang có mặt trong giờ phút này.  Phản ứng này của ta, có thể là thiện hoặc bất thiện, sẽ quyết định cho những gì ta sẽ thọ lãnh về sau trong dòng tâm thức của mình.
Có mặt với thực tại để chuyển hóa
Và một yếu tố chính yếu ảnh hưởng đến sự tốt lành trong phản ứng của ta, trong mọi hoàn cảnh, chính là năng lượng chánh niệm, tỉnh giác của mình trong giây phút ấy.  Nếu chúng ta không có mặt, những quyết định tiềm tàng trong vô thức sẽ hoạt động để giúp ta ứng phó với những gì đang xảy ra, mặc dù chúng có thể sai trật, vì dựa trên lối hành xử của quá khứ, hoặc do những phản ứng còn bị điều kiện. 
Và ngược lại, nếu như chúng ta biết mở rộng cái thấy của mình ra, bằng năng lượng của chánh niệm và tỉnh giác, ta sẽ nới rộng ra thêm phạm trù của những phản ứng của mình hơn. Mặc dù có thiên hướng sân hận, nhưng ta vẫn có thể chọn cho mình một lối hành xử từ ái. Đây cũng là nền tảng của sự giải thoát và tự do của chính ta giữa một cuộc sống còn bị điều kiện rất nặng nề.
Vì thế cho nên, karma không phải là một cái gì ở bên ngoài xảy đến cho ta, như người Tây phương thường hay nghĩ.  Thật ra nó là một cái gì rất gần gũi và, mặc dù tôi hơi ngại phải dùng chữ này, nó rất là cá nhân.  Như theo lời dạy của đức Phật, “Chúng ta là chủ nhân của hành động của mình, là người thừa tự của hành động mình; ta sanh ra từ hành động của mình, chúng là quyến thuộc, là nơi nương tựa của ta.  Chính hành động đã phân chia chúng ta ra làm bậc cao thượng hoặc thấp hèn"  (Majjhima Nikaya 135) ▼
Andrew Olendzki
Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch

free hit counter

2 comments:

Anonymous said...

Cám ơn anh NDN đã chia sẻ một bài pháp rất hữu ích, và khi xem thì đọc giả cũng có thể tưởng tượng như đang nghe nghe một bài pháp thoại với đề tài "Nghiệp là gì dưới cái nhìn của đạo Phật".

Đề tài rất đơn sơ, nhưng đọc thì rất "thấm". Tu rất đơn giản phải không anh NDN? mình chỉ cần mang chánh niệm về với hiện tình và thực tập ngay trong lúc đó để có từ ái, hài hòa trong hành động của mình thì làm sao chúng ta không có hạnh phúc, an lạc.

Cám ơn anh đã dành thời giờ viết, dịch, những bài pháp giúp ích cho đại chúng trên con đường tu tập. Chúc anh có một ngày tràn đầy an lạc.

Anonymous said...

We are what we do. We are what we think. We are what we eat....Thêm một lần nữa được nhắc nhở với bài dịch súc tích, trong sáng, rõ ràng và dễ hiểu của anh Nguyễn Duy Nhiên. Tôi như có thể thấy được nét dịu dàng và tấm lòng từ ái của anh khi ngồi nơi bàn viết dịch bài pháp này.
Cám ơn anh. Tôi cũng đang cố gắng để tu sửa tâm ý mình hàng ngày. Tâm dẫn đầu các pháp. Và, trang nhà Phật pháp của anh cũng là một trong những tôi tìm về nương tựa. Hôm nay chủ nhật. Nơi tôi ở nắng đang đẹp quá. Và, tôi đang mỉm cười -Kim Cúc