Monday, December 20, 2021

Vâng, Ông già Noel là có thật!

 Vâng, Ông già Noel là có thật!


Trong suốt nhiều thập niên qua, vào mỗi cuối năm dương lịch, các tờ báo ở Mỹ thường cho đăng lại một lá thư trả lời cho một cô bé 8 tuổi tên là Virginia, gởi cho tờ The New York Sun vào năm 1897. Trong thư cô bé hỏi: “Santa Claus có thật không?”  Và lá thư trả lời ấy đã được rất nhiều người biết đến, mỗi năm thường được các tờ báo in lại với tựa đề, “Yes, Virginia, there is a Santa Claus.”

    Lá thư trả lời của tờ The New York Sun viết cách nay đã hơn 100 năm, nhưng mỗi lần đọc lại tôi thấy vẫn còn mới tinh, sự thật ấy vẫn không hề thay đổi. Tôi nghĩ những lời chia sẻ ấy không phải chỉ nói về một ông Noel, mà có lẽ còn cho hết tất cả những điều kỳ diệu khác đang có mặt trong cuộc sống.

    Xin được chia sẻ với các bạn, tất cả những Virginia ở mọi lứa tuổi.

Monday, December 13, 2021

biết nhiều chưa phải là hiểu sâu

 biết nhiều chưa phải là hiểu sâu


Cách đây vài năm ông Nicholas Carr có viết một quyển sách nói về ảnh hưởng của Internet đối với sự phát triển bộ óc của chúng ta. Quyển sách có tựa đề “Sự nông cạn: Internet đang làm gì với bộ óc chúng ta” (The shallows: What the Internet is doing to our brain.).

Gián đoạn và xao lãng

Ông Nicholas Carr viết, “Bạn hãy tưởng tượng mình vừa đang đọc một quyển sách và cũng lại vừa cố gắng giải đáp một ô đố chữ (word puzzle), và đó là việc xảy ra mỗi khi chúng ta sử dụng internet.” 

    Theo ông thì mạng internet là một môi trường tạo nên những sự gián đoạn, ngắt quảng, phân tâm đối với ta.  Ông chia sẻ, “Tôi ngồi xuống đọc một quyển sách, hoặc một bài viết dài nào đó, và sau khi đọc được chừng vài trang, đầu óc tôi bắt đầu muốn làm những gì nó vẫn thường làm mỗi khi lên internet: kiểm tra email, nhấp vào các đường links, vào google tìm kiếm, nhảy từ trang này sang trang khác…”

Thursday, December 9, 2021

Tấm màn thác nước

 Tấm màn thác nước


Nếu bạn có dịp đến Nhật và ghé qua thăm tu viện Eiheiji, trước khi vào bạn sẽ thấy một chiếc cầu nhỏ tên là Hanshaku-kyo, có nghĩa là cây cầu Nửa Thìa. Ngày xưa khi thiền sư Đạo Nguyên dùng muỗng múc nước từ dòng sông này, ông chỉ lấy phân nửa mà thôi, phần còn lại ông trả cho dòng sông mà không phải đổ đi. Vì vậy mà cây cầu này có tên là Hanshaku-kyo, “Nửa Thìa.”

    Thật khó mà hiểu lý do vì sao ngài Đạo Nguyên lại trả nửa phần nước ông đã múc trở lại với dòng sông. Việc làm đó nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Khi chúng ta cảm nhận được mình là một với dòng sông, tự nhiên chúng ta sẽ hành động y như ngài Đạo Nguyên. Thực tánh của ta là như vậy. Nhưng nếu thực tánh của ta bị những ý niệm như là tiết kiệm, hiệu quả xen vào làm che mờ, thì hành động của ngài Đạo Nguyên hoàn toàn vô nghĩa.