Monday, March 18, 2024

buộc mái chèo vào hoàng hôn

buộc mái chèo vào hoàng hôn

Trời mùa thu dường như có thật nhiều những ngày mưa lang thang. Lá rơi phủ đầy trên con suối nhỏ, cạnh khu rừng mỗi ngày tôi vẫn thường đi qua. Những chiếc lá thu ướt nằm dưới ánh nắng sớm, màu sắc như sáng hơn lên. 
    Thời gian vào lúc chuyển mùa, với những đổi thay đang có mặt chung quanh, thường khiến ta bước chậm lại.
    Mà trong cuộc đời cũng vậy, những thăng trầm, biến đổi cũng thường khiến ta bớt đi những hối hả. Đôi khi những bất ngờ và khó khăn trong cuộc sống, cũng giúp ta dừng lại và ý thức được những tạm bợ và đổi thay của cuộc đời, và có một cái nhìn sâu sắc hơn.
Ngày là ngày và đêm là đêm
Chúng ta bước vào con đường tu học thường với một mong muốn chuyển hóa được những phiền não của mình, và nếu như có thể thay đổi được chút gì cho cuộc sống chung quanh. Nhưng nếu như ta không nhìn thấy được gốc rễ của khổ đau, thì những gì ta làm, cho dù có hay đẹp đến đâu, cũng khó thật sự chuyển hóa được điều gì phải không bạn? Mà nhiều khi còn khiến cho cuộc đời này rắc rối thêm hơn...
    Khi đứng trước một cây khô héo với những chiếc lá vàng úa, nếu ta biết chăm sóc cho gốc rễ của nó, thay vì chỉ tưới nước vào những cành lá, thì cây ấy sẽ dễ được xanh tươi hơn. Tôi nghĩ, điều kiện đầu tiên để chuyển hóa những khổ đau của mình, là ta phải thấy được những gì đang thật sự có mặt.
    Ngày xưa Phật thường đi vào những nơi rừng vắng để tham thiền. Vào những đêm khuya tối trời, mỗi tiếng động, mỗi cành cây khô gẫy, mỗi tàng lá lung lay, mỗi bóng một con thú đều có thể làm phát sinh lên trong ta một sự tưởng tượng, một nỗi khiếp sợ.
     Phật kể, nếu như nỗi sợ ấy phát sinh Ngài sẽ tĩnh lặng quan sát nó cho đến khi nào nỗi sợ ấy qua đi.
"Này Janussoni, lúc ta đang đi, nỗi sợ hãi kinh hoàng lại phát sanh. Biết vậy, ta không dừng bước, không ngồi xuống, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
    "Khi ta đang đứng, nỗi lo sợ cũng phát sanh. Biết vậy, ta không đi, không ngồi, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
    "Này Janussoni, có nhiều đạo sĩ cho rằng ngày và đêm cũng như nhau, Như Lai lại nói: 'Ngày là ngày và đêm vẫn là đêm' ".
Với một thái độ trọn vẹn và ôn hòa
Trong khi những đạo sĩ khác nói với Phật rằng phương cách của họ là quán tưởng rằng ban đêm cũng giống như ban ngày, tuy trong đêm tối họ vẫn cảm thấy như ban ngày, nên không có một nỗi sợ hãi nào hết. 
    Nhưng Phật không đồng ý với điều ấy. Đối với Ngài thì ta chỉ cần quay về và đối diện với thực tại để thấy được gốc rễ của vấn đề, “ngày là ngày và đêm vẫn là đêm.” Phật không tránh né, cũng không tưởng tượng thêm gì khác, Ngài chỉ đơn giản thấy được những gì đang xảy ra như đang-là, và có mặt với nó một cách trọn vẹn.
    Đức Phật đối diện với những nỗi sợ không phải bằng một sự tìm hiểu, phân tích, hay chịu đựng, mà bằng một thái độ ôn hòa, không ghét bỏ. Ngài chuyển hóa chúng với một thái độ tĩnh lặng, trong sáng và bao dung. Khi ta biết quay về để có mặt trọn vẹn, tuy không làm gì hết, mà những khổ đau lại tự nhiên được chuyển hóa.
    Bạn biết không, trên con đường tu học nhiều khi chúng ta vẫn mong tìm một phương pháp mới lạ nào đó để chuyển hóa khổ đau. Nhưng nếu như ta không thấy rõ được sự vận hành và sinh diệt tự nhiên của chúng, thì có lẽ sẽ khó có một phương pháp nào khác lại có thể giúp ta chuyền hóa chúng được. Đôi khi ta cũng giống như các vị đạo sĩ kia, lại vô tình chỉ muốn biến "ngày và đêm cũng như nhau"...
Buộc mái chèo vào hoàng hôn
Bầu trời hoàng hôn của một ngày thu có một vẽ đẹp rất riêng. Có những buổi chiều trên con đường về nhà, tôi nhìn những áng mây pha lẫn màu vàng tím nhuộm thẩm chân trời, thật đẹp. Dường như những sắc màu của mùa thu cũng đang vướng quyện trong áng mây cuối trời trong một không gian hoàng hôn. 
   Tôi nhớ đến một bài thơ của cụ Nguyễn Trãi viết trong một buổi chiều tà, Du Sơn Tự, khi ông lên thăm một ngôi chùa nằm trên núi cao,
    Lên chùa trên núi
Buộc chèo vào hoàng hôn
Lên lễ Phật bước dồn
Mây về giường thiền lạnh
Hoa rụng suối đưa hương
Trời lặn, tiếng vượn gấp
Núi không, bóng trúc trườn
Trong cảnh thật có ý
Định nói, bỗng quên luôn.
Phạm Thảo Nguyên (dịch)
    Tôi thích câu thơ dịch ấy "Buộc chèo vào hoàng hôn."  Chiếc thuyền nhỏ trên sông dưới bóng chiều tà. Không gian trôi chạm nhẹ vào với thời gian. Ta có mặt ngay nơi đây rất tự nhiên mà không thấy một sự cố gắng nào hết. Chiếc mái chèo ngắn gác vào với bầu trời hoàng hôn, yên nghỉ. Không còn gì xao động. Nước sông tĩnh lặng.
    Trên con đường lên núi, mây trôi ngang qua một am thiền trống không, hoa rụng bên bờ suối hương tỏa ngát núi rừng, vạt ánh nắng vàng vắt ngang cuối chân mây, đâu đây tiếng vượn kêu giữa núi vắng không, bóng trúc đổ vươn dài theo ánh hoàng hôn.  Và giữa một hiện hữu trong sáng ta chợt ý thức rằng đâu có gì để thêm bớt, có một lời nào cần để nói nữa đâu...
 Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

free hit counter

Friday, March 8, 2024

Buông xả để bay cao


Con đường của sự buông xả là con đường biết tiếp nhận, biết nói vâng đối với cuộc sống. Trước hết, ta ý thức rằng ta đã tiến đến ngay sát bờ mé của mình, tất cả những gì trong ta đều đang chống lại, đang nói không, và chính ngay ở điểm đó ta thực tập mềm dịu.  Lúc đó là một cơ hội để ta thực tập tâm từ đối với chính mình, nó sẽ mang lại cho ta một thái độ vui tươi và cởi mở - biết vui đùa như một con chim trước một cơn gió lớn.

Monday, March 4, 2024

Đúng theo vị trí tự nhiên

 Đúng theo vị trí tự nhiên


Ngài Ajahn Chah có một chia sẻ khá thú vị về sự tự nhiên.

“Một cái cây mọc trong rừng là tự nhiên. Nhưng khi ta đốn xuống đem về xây nhà, ta còn gọi cây đó là ‘tự nhiên’ không? Và khi ta dùng gỗ ấy để xây nhà cho người ta ở, thì nó lại có nhiều giá trị cho chúng ta hơn. Như một con chó chạy đây đó tìm kiếm thức ăn, khi ta thảy cho nó một món gì, chúng nhào lại dành giựt với nhau. Điều đó ta cho là tự nhiên phải không! Nhưng ta có muốn tự nhiên như thế không?

Thursday, February 29, 2024

Trải nghiệm những gì có mặt trong tâm




Opposite states of mind are not in discord.

Những tâm hành tự chúng không nghịch nhau.


Not working toward the opposite mind state.

Ta không nắm bắt hay loại bỏ một tâm hành nào.

Just leave the mind alone with awareness.

Chỉ cần có chánh niệm và tỉnh giác.


Monday, February 26, 2024

Thay đổi bằng việc tầm thường

 Thay đổi bằng việc tầm thường


Theo tôi nghĩ, sự thực hành chữa lành bản thân trọn vẹn chỉ xảy ra trong đời sống bình thường, và qua mối quan hệ hàng ngày của chúng ta với người chung quanh, chứ không phải bằng những khóa tu miên mật nhiều ngày, hoặc theo những kế hoạch hay bài bản sẳn có nào đó.

Bắt đầu từ những điều đơn giản

Con Đường chuyển hóa không phải là một lý tưởng hay một điều gì cao xa mà chúng ta phải nỗ lực để theo đuổi. Nó bao gồm những việc tầm thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Chúng giúp ta tự thấy ra chính mình để chuyển hóa, qua những sự lựa chọn, hành động và mối quan hệ của mình với cuộc sống chung quanh. Và sự chuyển hóa ấy có mặt trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống.

    Sự thay đổi lớn chỉ xảy ra khi chúng ta bắt đầu với những điều nhỏ nhặt, tầm thường, và có thể thực hành được. Bạn hãy thử trải nghiệm những bước chuyển hóa này trong một môi trường nhỏ, qua những gì gần gủi nhất với mình. 

Thursday, February 22, 2024

Trâu Qua Cửa Sổ


­Bức tranh này Hakuin vẽ từ công án thứ 38 trong Vô Môn Quan. Một con trâu nhảy qua khung cửa sổ nhỏ bé, đầu sừng, thân, bốn chân đều vượt qua hết. Nhưng chỉ kẹt lại cái đuôi không qua được. Tại sao vậy?  Con Trâu qua được hết mà chỉ còn có chút xíu cái đuôi đó thôi mà không qua được. Và cả thân đầu chân gì đều bị mắc kẹt lại, cũng tại cái đuôi đó! ­

Trong cuộc sống, nhiều khi điều đơn giản nhất lại là việc khó làm nhất, một lời tha thứ lại là lời khó nói nhất. Cái nhỏ nhất đôi khi lại là điều mình khó xả bỏ nhất, vì nó có chứa hết cả cái tôi của mình.


Monday, February 19, 2024

Ta thật sự muốn gì?

Ta thật sự muốn gì?


Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân khổ đau trong cuộc đời là vì ta muốn sự việc xảy ra theo sự mong cầu của mình. Hễ việc hợp theo ý thì ta cảm thấy hạnh phúc, thấy đời đẹp, và ngược lại thì ta thấy phiền muộn, bi quan.

    Nhưng có điều là nhiều khi chúng ta cũng không biết là mình thật sự muốn gì nữa! Hôm nay có thể là như vầy, và rồi ngày mai ta lại có những mong muốn khác. Nhiều khi cái mà ta tưởng là mình muốn đó, cũng chưa chắc thật sự là cái mà ta mong cầu. Khi có được nó rồi, tâm hồn ta vẫn cảm thấy thiếu thốn, trống trải!

Thursday, February 15, 2024

Đừng tiếp tục lặp lại phiền não


      • Thí nghiệm về năm con khỉ. 
      • Chuyển hóa trên bình diện ý thức. 
      • Lắng nghe và cảm nhận.
      • Cảm nhận trọn vẹn tiến trình. 


Monday, February 12, 2024

Bài kinh Thương Yêu: con đường toàn vẹn

 Bài kinh Thương Yêu: con đường toàn vẹn


Trong vài năm gần đây, tôi đã chọn sử dụng Kinh Thương Yêu, Metta Sutta, lời Phật dạy về sự tử tế, lòng thương yêu không phân biệt, làm căn bản thực tập. Tôi ưa thích bài Kinh Thương Yêu này vì tôi nghĩ rằng nó biểu hiện trọn vẹn cho con đường mà Đức Phật đã dạy.

    Bài kinh mở đầu bằng một câu đầy hy vọng và nhiều cảm hứng như sau,“Đây là những điều nên được thực hành bởi những ai có hạnh tốt lành và thấy rõ con đường đi đến an lạc.” Và tiếp theo, Phật chỉ dẫn cho ta về cách sống tử tế, an tĩnh tâm ý và phát huy tuệ giác.

Monday, February 5, 2024

Tôi không tìm an lạc nữa





Sáng thứ hai, tôi hứa sẽ không tìm an lạc nữa
Cứ để lá bay, mây trôi, hoa rụng giữa bốn mùa
Nắng thì ấm, trời sẽ lạnh những ngày mưa
Bụi có vướng cũng không cần xoa phủi
Cứ nhìn và cảm nhận thôi,
mà chẳng mong chờ gì khác, như những ngày xưa

Tuesday, January 30, 2024

Công thức của Hạnh Phúc và Khổ đau


·        Công Thức của Khổ đau:

S = P x R

Suffering (Khổ) = Pain (Đau) X Resistance (Kháng cự).

Ví dụ, từ 0 đến 100, ta cảm nhận cái đau (pain) là 75

Nếu như sự Kháng cự (Resistance) của ta là 10, thì cái Khổ (Suffering) là 750

Còn như sự Kháng cự (Resistance) của ta là 50, thì cái Khổ (Suffering) sẽ là 3,750

Và nếu như sự Kháng cự (Resistance) của ta là 0, thì cái Khổ (Suffering) sẽ là 0

·        Công thức của Hạnh phúc

H = P / W

Happiness (Hạnh Phúc) = Pleasure (Niềm vui) / Wanting (Ham muốn).

Ví dụ, từ 0 đến 100, ta có một niềm vui (Pleasure) là 30

Nếu như sự ham muốn (W) của ta là 60, thì hạnh phúc (H) của ta là 50%

Nếu như sự ham muốn (W) của ta là 30, thì hạnh phúc (H) của ta là 100%

Và như sự ham muốn (W) của ta là 0, thì hạnh phúc (H) của ta sẽ là vô tận.

 

Wednesday, January 24, 2024

tìm dấu chân trên cát

 tìm dấu chân trên cát


Căn phòng lạnh. Tôi bước xuống nhà mở thêm chút sưởi và pha một tách trà cho ấm. Trăng sáng ngoài cửa sổ. Đêm nay lạnh nên bầu trời thật trong và li ti những vì tinh tú, không một chút mây. 

    Trời cũng đã khuya, tôi đi thu dọn lại mấy quyển sách còn đọc dở dang, đặt lại trên kệ cho yên một ngày, sắp xếp lại những cây viết trên bàn cho gọn.

Thursday, January 18, 2024

Thấy ra để làm gì?



1. Đâu là pháp tánh như chân như thật, chỉ thực chứng chứ không thể can thiệp được.

2. Đâu là pháp duyên khởi tương đối, để tuỳ duyên đối trị hay ứng xử cho đúng tốt.

3. Đâu là ảo để buông.