Hiện tại có gì là nhiệm mầu? Bài 2
(Tiếp theo...)
Giây phút hiện tại làm bằng những gì?
Ta cần tháo mở ra được cái nút thắc Gordian Knot. Và tại sao chúng ta lại không chịu khó kiên nhẫn tháo mở nó bằng cách gỡ ra từng sợi một? Một nhà khoa học trước nhất có thể sẽ phân tách chất liệu của nó, và đối với chúng ta đó chính là giây phút hiện tại này.
Vì vậy, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi: giây phút hiện tại này được làm thành bởi những yếu tố gì? Trong phật giáo có một hệ thống tâm lý học gọi là Vi Diệu Pháp, Abhidhamma. Theo Vi Diệu Pháp thì những kinh nghiệm hằng ngày của ta có thể được chia cắt ra thành những đơn vị rất nhỏ gọi là sát-na tâm (mind-moments). Chúng là những đơn vị nhỏ nhất của tâm thức, là những vi lượng (quarks) của thế giới tâm thức.
Mỗi sát-na tâm gồm có hai phần: tâm thức và một đối tượng. Có nghĩa nó không phải là một cái bàn, một đóa hoa, mà chỉ là một đối tượng của tâm thức. Tâm thức lúc nào cũng luôn có ý thức về một cái gì. Khi có một mảng trời xanh hiện vào vùng tâm thức của mình, một tia chớp của nhản-thức nhận thấy được màu sắc ấy. Khi có một mùi hương nào thoáng qua theo làn gió, một chớp của tỷ-thức nhận được mùi thơm ấy. Chỉ có tâm thức và đối tượng, và chỉ là vậy thôi. Cuộc sống của ta chỉ là một chuỗi tâm thức, mà ta liên tục ý thức được sắc màu, mùi, vị, âm thanh và những cảm giác tiếp nối nhau không ngừng nghỉ. Ngoài tiến trình này ra, không còn gì khác nữa xảy ra.
Chỉ là kinh nghiệm của sáu loại đối tượng.
Như vậy thì còn những đối tượng ấy, tự chúng là gì? Chúng có tất cả là sáu loại: âm thanh, màu sắc, mùi, vị, xúc chạm và đối tượng tâm thức. Tâm thức của ta tiếp xúc với những đối tượng này qua những "cánh cửa" giác quan khác nhau. Ví dụ, ta tiếp xúc với màu sắc qua cánh cửa của đôi mắt. Những đối tượng tâm thức thì được tiếp xúc trực tiếp qua cánh cửa của tâm thức. Chúng gồm có cả tư tưởng, ý niệm, cảm xúc và tình cảm.
Tất cả những gì chúng ta nhận biết chỉ có thể nằm trong sáu đối tượng này mà thôi. Cho dù cuộc sống của ta có phiêu lưu, mạo hiểm hoặc táo bạo đến đâu, ta vẫn không thể nào có một kinh nghiệm gì khác hơn ngoài sáu hình tướng ấy. Và vì tâm và đối tượng tâm thức là những đơn vị cơ bản nhất của sự sống, cho nên không còn gì khác hơn có thể có mặt trong giây phút hiện tại này.
Hiểu được điều ấy rồi, ta có thể đặt câu hỏi kế tiếp là: những thành phần ấy tự chúng có là thú vị và đáng thích không? Chúng ta thường nghĩ rằng hình ảnh, mùi vị và âm thanh... có thể rất là kỳ diệu. Và theo cảm nhận thông thường thì chúng thật sự là vậy. Ta thích thưởng thức một mùi vị trà thơm hoặc một cảnh hoàng hôn đỏ buông xuống trên đồi núi. Nhưng niềm vui ấy có pha lẫn với một chút gì ảo tưởng. Sở dĩ chúng ta cho rằng những cảm xúc của giác quan vui sướng là vì ta chưa nhìn thấy được cái thực tánh của chúng.
Hoàng hôn đẹp cũng chỉ là một ý niệm
Ta hãy lấy một ví dụ của mặt trời hoàng hôn: Việc gì xảy ra khi ta nhìn thấy nó? Thật ra thì ta không hề thấy nó! Khi mắt ta tiếp xúc với một sắc tướng, chúng ta chỉ thấy màu sắc, chứ không phải là một vật có không gian ba chiều. Thật ra, màu sắc ấy, cùng với tâm thức nhận biết nó, diệt mất đi ngay trong cùng một sát-na ấy, nhưng ta không hề ý thức được điều đó. Tại sao thế? Bởi vì cái ảo tưởng của ta làm mờ nhạt đi cái biên giới giữa hai sát-na ấy, và khiến chúng ta có cảm tưởng như đó là một kinh nghiệm liên tục, nối liền.
Sau khi màu sắc được tiếp nhận, sát-na tâm thức kế tiếp gợi lại hình ảnh ấy từ ký ức và đặt tên cho đó là "hoàng hôn." Cả tiến trình ấy chỉ xảy ra trong một giây chớp nhoáng. Tuy vậy, khi ta vừa đặt tên cho nó thì hình ảnh ban đầu cũng đã qua mất rồi. "Hoàng hôn" là một ý niệm của tâm thức, chứ không phải do đôi mắt của mình. Và rồi chúng ta lại đi nhận sản phẩm được tạo dựng bởi tâm thức này như là một thực tại cố định. Nếu như không có chánh niệm, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấy được sự chuyển biến rất nhanh lẹ này, cũng giống như khi ta cố gắng tách biệt hai khung ảnh trong một cuốn phim đang chiếu trên màn ảnh vậy.
Khám phá này mang lại cho ta một sự thất vọng, cũng như khi ta biết ra rằng chuỗi ngọc quý giá mà mình đang mang là một loại đồ giả. Đức Phật dạy, chư hành vô thường (Sabbe sankhara anicca). Tất cả mọi hình tướng đều thay đổi, và vì vậy mà chúng sẽ mang đến cho ta sự thất vọng, ngay cả những gì mà ta thấy dường như rất là tuyệt vời. Mà đức Phật cũng không hề chú thích hoặc nói nhỏ thêm rằng, "Này! Nhưng cũng có một vài hình tướng rất là nhiệm mầu."
Tại sao ta vẫn cần phải có mặt trong hiện tại?
Và bây giờ, nếu như tất cả những hình tướng đều rồi sẽ mang lại sự bất toại nguyện, thì những gì làm nên giây phút hiện tại này cũng sẽ như vậy. Nhưng rồi ta cũng có thể đặt thêm một câu hỏi tiếp, là nếu như giây phút hiện tại này không nhiệm mầu, thì ta có mặt với nó để làm gì?
Ta cũng nên nhớ rằng có sự khác biệt giữa "Giây phút hiện tại này thật nhiệm mầu" và "Nó thật nhiệm mầu khi ta có mặt trong giây phút hiện tại này". Đây không phải là một lối chơi chữ. Câu thứ nhất, "Giây phút hiện tại này thật nhiệm mầu", có ý nói rằng, những cảm giác thuần tuý xảy ra trong giây phút hiện tại tự chúng có chút tính chất kỳ diệu. Và, câu thứ nhì, "Nó thật nhiệm mầu khi ta có mặt trong giây phút hiện tại", nói rằng, khi ta có mặt trong giây phút hiện tại, là ta có khả năng thoát ra khỏi những phiền não do sự nắm bắt vào những cảm giác ấy.
Để thấy rõ được nguyên nhân khổ đau
Thật ra, đức Phật có trình bày rất rõ về lý do chúng ta cần thực tập chánh niệm: để nhận diện và loại trừ đi cái nguyên nhân của khổ đau. Nguyên nhân ấy chính là sự tham ái. Khi nguyên nhân ấy vắng mặt thì khổ đau sẽ không thể sinh lên.
Và chừng ấy, trong kinh viết, ta sẽ kinh nghiệm được một loại hạnh phúc mà không có chút tì vết gì của sự lo âu. Nhưng không phải bởi vì hình sắc và âm thanh chung quanh ta chúng đột nhiên trở nên trường cửu, kỳ diệu, và là của ta. Mà thật ra, những cảm nhận ấy tạm thời chấm dứt, và tâm thức ta tiếp xúc được với một đối tượng rất siêu việt gọi là "niết bàn," một yếu tố không còn bị điều kiện chi phối. Và mặc dù đó là một đối tượng của tâm thức, nhưng niết bàn, trạng thái an lạc cao tột nhất, không hề là một hành (formation). Nó là vô hành và không sinh diệt. Vì vậy giây phút hiện tại nhiệm mầu là vì chỉ có trong chính giây phút này, ta mới có thể chứng nghiệm được niết bàn – hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi khổ đau.
Cynthia Thatcher
Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
No comments:
Post a Comment