biết dùng cây dù của bạn
Có nhiều cách khác nhau để đối phó với những cảm xúc mạnh của mình. Đôi khi rút lui khỏi hoàn cảnh ấy lại là một giải pháp hữu hiệu nhất. Chúng ta bước lùi lại và chờ sự việc lắng dịu xuống.
Ta chỉ có thể có trách nhiệm với chính mình
Mặc dù chúng ta có thể cố gắng truyền thông rõ ràng và khéo léo, hoặc có lòng từ bi và cố gắng để xoa dịu những khổ đau của người khác, nhưng cuối cùng rồi thì ta cũng không bao giờ có thể kiểm soát được hành động của họ, phản ứng của họ. Biết được sự thật ấy rồi, ta sẽ buông bỏ dễ dàng hơn. Khi tâm được tĩnh lặng, ta sẽ có thể đối diện với những hoàn cảnh bất như ý hoặc khó chịu mà vẫn ít bị dao động. Ta biết đáp lại thay vì chỉ phản ứng theo thói quen của mình.
Nhưng bạn nên nhớ rằng, cũng có những tình cảnh đòi hỏi ta phải có một sự đáp ứng mạnh mẽ và cứng rắn. Không phải lúc nào ta cũng phải thụ động và chấp nhận mọi hoàn cảnh khó xử. Đôi khi ta phải biết sử dụng cây dù của mình!
Biết sử dụng cây dù của mình
Sharon Salzberg, vừa là một người bạn cũng vừa là một đồng nghiệp của tôi, đã có một kinh nghiệm đáng sợ mấy năm trước đây, khi chúng tôi mới bắt đầu theo học thiền ở Ấn độ. Chị ta cùng với một người bạn đi vào Calcutta để viếng thăm một vị thầy của chúng tôi, bà Dipa Ma. Khi họ ra về, cả hai mướn một chiếc xe do người kéo để đi đến một ga xe lửa gần đó.
Khi chiếc xe kéo băng theo một ngỏ tắt, ngang qua một hẻm nhỏ tối thui, bổng nhiên có một kẻ lạ mặt nhào lên xe một cách thô bạo và cố lôi Sharon xuống xe. Giây phút ấy vô cùng kinh hoàng. Người bạn của Sharon cuối cùng có thể xoay xở và xô tên ấy ra khỏi xe, và cả hai thoát đến trạm xe lửa bình an vô sự.
Khi họ về đến Bodh Gaya, nơi tất cả chúng tôi đang cư ngụ, Sharon kể lại cho vị thầy của chúng tôi, ngài Munindra-ji, về việc vừa xảy ra. Ông lắng nghe thật chăm chú, theo dõi mọi chi tiết. Đến khi hết câu chuyện ngài Munindra nói, "Này Sharon! Với tất cả lòng từ bi của cô, đáng lẽ cô phải cầm lấy cây dù của mình và dùng hết sức của mình, đập cho tên ấy vào đầu vài cái thật mạnh!"
Có nhiều khi đó là những gì chúng ta cần phải làm. Nhưng lấy cây dù đập xuống đầu người đàn ông ấy thì chẳng có gì là khó khăn hết. Cái khó là làm sao có thể hành động với trọn tâm từ bi của mình. Tu tập là ở chỗ đó.
Là một Quyết định Ba la mật
Tính chất cương quyết và cứng rắn đó, biết sử dụng cây dù khi mọi phương pháp khác đều thất bại, ta cũng có thể đem áp dụng vào thiền tập, nhưng nó phải được sử dụng một cách cẩn trọng và chính xác. Khi có một điều bất thiện trong tâm cứ trở đi trở lại, chúng ta hãy tìm một chốn vững vàng trong tâm mình, và từ nơi đó giữ một thái độ cương quyết không để bị nó chi phối. Thái độ đó cũng giống như là khi ta sử dụng cây dù của mình - một lưỡi gươm trí tuệ - và nói rằng, "Đủ rồi" hoặc "Không phải lúc này."
Hành động cứng rắn này trong tâm không phải là để trốn tránh hoặc xua đuổi những gì khó chịu mà ta không muốn kinh nghiệm. Vì nếu chúng ta làm, ta phải làm với một tâm từ ái chứ không phải bằng một sự ghét bỏ. Đây cũng là chỗ mà người ta thường hay lầm lẫn, họ sử dụng lưỡi gươm của phẫn nộ thay vì là lưỡi gươm của trí tuệ. Trí tuệ bảo rằng, "Tâm thức này hoặc cảm xúc này là bất thiện. Tôi đã nhìn thấy nó biết bao nhiêu lần rồi. Bây giờ tôi buông bỏ nó."
Chúng ta lúc nào cũng cần phải có một sự quân bình đúng đắn thì những phương tiện thiện xảo của ta mới có thể thật sự là thiện xảo. Thường thì người ta hay phán xét và kết án những việc làm của mình và của người khác, vì vậy mà họ cần phải tập một thái độ chấp nhận, mềm dịu, và để cho sự việc được như-là.
Nhưng một điều quan trọng là ta phải tự khám phá ra được sự vững vàng và cương quyết trong ta, một dũng sĩ trong tâm, để ta có thể dùng năng lực đó cắt xuyên qua những tâm thức bất thiện, bằng một phương pháp thích hợp và đầy từ ái.
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên dịch
No comments:
Post a Comment