Monday, June 29, 2020

Chúng ta là những việc mình làm

Chúng ta là những việc mình làm

Ngày nay chúng ta thấy chữ karma được dùng nhan nhản khắp nơi. Nhưng điều đáng tiếc là phần lớn nó đã được dùng một cách rất sai lầm. Không hiểu vì lý do gì, trong Anh ngữ chữ karma lại có nghĩa như là "định mệnh" hay là "số phận" (fate, destiny, theo American Heritage Dictionary). Điều này thật là một sự hiểu lầm đáng tiếc, vì trong Phật giáo, karma là một ý niệm rất thâm thúy và có ý nghĩa rất sâu sắc. 

Wednesday, June 24, 2020

cài từng nút một

cài từng nút một

Trong cuộc sống có những khổ đau, hoàn cảnh khó khăn, mà đôi khi ta không thể nào có thể thay đổi hay tránh né gì được. Chúng là một phần của cuộc sống mình. Thật ra, sự tu tập không phải là để chuyển đổi những trạng thái ấy, mà là giúp mở rộng tâm mình ra, để ta có thể cảm nhận được hết tất cả. Và ta có thể khám phá ra rằng, những đổi thay ấy giúp ta buông bỏ những ý niệm của mình, để có thể trực tiếp trải nghiệm hạnh phúc. Điều mình có thể làm là hãy tiếp nhận và sống trọn vẹn với tất cả.
    Bà Darlene Cohen, một tu sĩ thuộc truyền thống Zen, chia sẻ lại những kinh nghiệm này của mình.
Cài từng nút một
“Khi cơ thể tôi mới bắt đầu bị khập khiểng vì chứng bệnh thấp khớp xương (rheumatoid arthritis), tâm tôi hoàn toàn bị chiếm ngự bởi những cơn đau, nỗi sợ hãi, và sự thất vọng không dứt.  Không còn khả năng đi đứng bình thường, không có đủ sức để nhấc ống điện thoại, tôi cay đắng nghĩ lại thời gian qua, mình đã phí biết bao nhiêu thì giờ để cố đi tìm một hạnh phúc lâu dài.  Hơn 7 năm trời, với cả ngàn giờ ngồi thiền, và có lẽ ít nhất cũng là 30 lần đi tĩnh tu, tôi đã ngồi yên trên toạ cụ cố gắng tìm một sự giác ngộ, mà chỉ mong để rồi một ngày nào đó có thể đối diện với một hoàn cảnh như thế này thôi - nhưng tất cả đều là vô ích!
    Nhưng thật ra tôi đã nghĩ sai! Sự tu tập của mình không hề thất bại! Sau vài tháng đối diện với căn bệnh, tôi mới thật sự hiểu được điều ấy!
    Trước hết, mặc dầu tuy phải gánh chịu những cơn đau và sự tàn phá của căn bệnh, nhưng thân tôi vẫn rất an ổn. Mặc dù bị cơn đau tiêu thụ và hoành hành, nhưng trong mỗi giây phút tôi vẫn có thể hoàn toàn buông thả hết trước một thực tại về cơ thể mình. Và tôi khám phá ra rằng, thật ra thực tại này không phải chỉ có cái đau đó mà thôi! Bất cứ một nơi nào tôi nhìn cũng đều có những kinh nghiệm khác ngoài cái đau ấy, chúng đang có mặt và chờ được nhận diện: kia là tay đang cong vào, này là hơi thở ra, có ánh nắng ấm trên mặt, kia là một cảm giác nóng cháy, đây là một sự siết chặt…  Và những kinh nghiệm ấy đều rất mới mẻ và vô cùng kỳ diệu.
Tiếp nhận với một tâm rộng mở
Những năm tháng thiền tập đã giúp tôi có khả năng cởi mở ra được với nhiều loại kinh nghiệm khác nhau, mà không phải tất cả đều là dễ chịu. Giả sử như trong giây phút này tôi ngồi đây và có ý thức về mười việc khác nhau - cảm giác đang ngồi trên ghế, có tiếng xe chạy ngoài đường, nghĩ tới quần áo chưa giặt, tiếng máy lạnh chạy êm êm, một cái đau nhói nơi đầu gối, hơi thở vào mát nơi mũi, hơi thở ra ấm áp - và vì trong đó có một cái đau, nên ý thức về cái đau ấy sẽ lấn áp hết tất cả mọi kinh nghiệm khác.
    Nhưng nếu như tôi ý thức một trăm việc, mười điều vừa kể ấy cộng thêm với những cảm nhận sâu sắc hơn - như là cảm nhận về sự có mặt của những người khác cùng đang ngồi im lặng với nhau, bóng của chiếc đèn treo in trên vách, cảm giác của mái tóc chạm vào vành tai, sự xúc chạm của quần áo trên da người - thì cái đau ấy chỉ là một trong nhiều yếu tố khác trong tâm mình mà thôi. Và cái đau đó, tôi có khả năng đối diện được!
    Với một tâm thức rộng mở, tôi thấy sự sống này rất là giàu có và phong phú. Khi tôi đặt một tách trà xuống bàn với một ý thức rõ rệt, cái cảm nhận về sự tiếp chạm giữa tách trà với mặt bàn trở thành một trải nghiệm kỳ diệu, một hạnh phúc rất trọn vẹn. Rửa chén bây giờ không phải chỉ là để cho có bát sạch, mà còn là một cảm nhận về làn nước nóng ấm áp vuốt ve, xoa dịu những ngón tay đau nhức của tôi. Trong khi xếp quần áo, tôi có thể ngửi được mùi thơm sạch của những chiếc áo mới, và chú tâm trong những cử động gấp xếp đơn sơ, một việc làm tuy đơn giản nhưng rất nhiệm mầu trong đời sống phức tạp của tôi.
Hạnh phúc trong những điều bình thường
Đối với những người sống trong cơn đau thường xuyên như tôi, tiếp xúc được với tuệ giác này là một hạnh phúc lớn. Khi chúng ta không còn gì nữa để nương tựa, ta cần phải thấy ra hạnh phúc và sự an ổn nơi những điều rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Mà thật ra, khi ta nhìn sâu sắc thì chúng không tầm thường như ta nghĩ, chúng là lý do mà ta vẫn còn muốn có mặt trên cuộc đời này!
    Ta thấy sự vô thường cũng rất là kỳ diệu: khi ta thật sự chú ý đến một người hay một vật nào đó, ta sẽ ghi nhận được tính chất đặc thù và cá biệt của nó. Không có gì là giống y như nhau. Khi ta biết buông bỏ đi những ý niệm của mình, thì những trải nghiệm chung quanh ta sẽ không còn là tầm thường nữa. Và cái đẹp ấy không những chỉ biểu hiện trong chiếc lá mùa thu, đóa hoa mùa xuân mà còn trong những lon nước ngọt, trong tách trà, trong chiếc máy microwave… Tất cả đang chờ đợi sự ôm ấp của ta. Giữa một thế giới sinh động đầy dẫy những điều kỳ diệu, tôi cảm thấy mình có đầy sức sống.
    Ba mươi năm sau khi bắt đầu bị vật vả bởi những cơn đau, tôi không bao giờ bước vào một căn phòng nào mà lại không chú ý đến những vật gì có thể mang lại sự dễ chịu, nhẹ nhàng, và có thể giúp nâng đỡ tôi. Không phải chỉ là chiếc ghế dựa, cái gối, mà còn là ánh nắng ấm chiếu vào từ cửa sổ, chậu hoa làm bằng tay để trên bàn, tiếng máy lạnh chạy êm êm - tất cả những gì mang lại niềm vui cho mình. Khi tôi ý thức và tiếp xúc lại với những đồ vật rất thân quen với mình - như là chiếc bàn chãi đánh răng, những chén dĩa, cái muỗng, chiếc xe hơi của tôi - tôi cảm nhận được những sự nâng đỡ rất thiết thực chung quanh mình, và luôn cả cái phong cách dễ thương và đặc thù riêng của mỗi thứ. Và ý thức này vẫn có mặt song song với sự cố gắng chống cự lại nỗi đau của tôi. Nhưng hai con đường ấy không hề cắt ngang hay đối chọi lẫn nhau, cả hai đều cùng nhau có mặt rất linh động.
Mỗi động tác là một lễ nghi
Như mỗi khi thay áo tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hai vai tôi, khuỷ tay, và những ngón tay tôi rất vụng về và bị đau nhức vì những động tác kéo, giản, thắt cột… cần thiết cho mỗi khi mặc vào một chiếc áo. Những y phục được trang bị bằng những loại khoá dán hay băng nhám velcro có thể giải quyết được những vấn đề của tôi, nhưng tôi thì không thể nào chấp nhận được chúng! Tôi chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ là một người ăn mặc "đơn giản" và "thực tế"! Tôi là hạng người mà lúc nào cũng cảm thấy vui sướng trước những chiếc áo đẹp, với những viền áo có nghệ thuật, đường may nổi có thêu hoa, những chiếc áo khoác có vải lót ấm bên trong, những chiếc khăn quàng cổ lụa bay trong gió… Thay vì là sự hấp tấp, vội vàng mỗi khi thay đồ, để rồi đâm ra bực dọc vì phải vất vả mang vớ, xỏ giày, cài nút áo… tôi biến chúng trở thành những lễ nghi hằng ngày.  Mỗi buổi sáng tôi sắp đặt sẵn những đồ mình sẽ mặc trên một chiếc ghế dài.  Tôi ngồi dưới ánh nắng ấm của buổi sáng mai, và mang vào từ cái một, chú ý đến nhiệt độ thay đổi ấm áp trên từng phần của cơ thể khi mặc chúng vào người, thưởng thức những viền may, những nét đẹp, những đường thêu trên áo…
    Bây giờ thì mỗi cử động của tôi là một lễ nghi. Nếu chúng ta không thể nhanh nhẹn và hiệu quả như xưa, nếu một việc làm đơn giản như là mặc vào một chiếc áo cũng đòi hỏi sự chú ý và tập trung trọn vẹn của mình, thì chúng ta cũng nên biết tìm thấy sự an lạc trong những hành động tầm thường ấy. Ngày xưa, tôi không bao giờ biết làm việc gì phải chỉ là cho chính việc ấy thôi, mà đó cũng là tinh hoa của thiền tập. Thời gian ấy, tôi chỉ biết mãi mê đeo đuổi theo một ý niệm xa xôi nào đó về sự giác ngộ.
    Nhưng bây giờ thì khác!  Tôi có mặt và sống với những cảm xúc rất linh động trong giây phút hiện tại, thấy rõ rằng mỗi giây phút là một nguồn hạnh phúc và niềm an ủi rất sâu xa của chính tôi. Bây giờ, tôi chỉ thích có mặt ở nơi này mà thôi. Tôi không còn xem hoàn cảnh của mình, và những gì xảy ra cho tôi, là một điều gì đặc biệt hay là bi đát nữa. Mỗi ngày là một cuộc sống mới! Mỗi ngày tôi mặc áo bằng cách thực tập cài từng chiếc nút một.”
Nguyễn Duy Nhiên
free hit counter

Thursday, June 18, 2020

Hiện tại có gì là nhiệm mầu? Bài 3

Hiện tại có gì là nhiệm mầu? Bài 3


(Tiếp theo...)
Đừng tìm kiếm những hạnh phúc không vững bền.
Không có một nơi nào đức Phật lại chủ trương thực tập chánh niệm với mục đích để ta có thể vui hưởng làn nước xà phòng ấm, hoặc thấy được một bình trà bằng đồng sáng chói...  Mà ngược lại, Ngài còn gọi đó là mê vọng (vipallasa) khi ta chấp những gì là không thường và cho đó là có giá trị và tốt đẹp.
   Nhưng những cảm nhận ở cảm giác có thể là vui thích được không? Có chứ! Nhưng sự vui thích ấy không phải là một nguồn hạnh phúc bất tận nhưng chúng ta vẫn hằng tưởng. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường chấp vào những cảm giác tốt đẹp, cho rằng chúng vững bền và tương đối lâu dài. Trong khi thật ra chúng chỉ là những rung động không bền và tan rã vừa khi mới hình thành. Cũng giống như loại kẹo bông gòn nó tan ra ngay trước khi ta kịp cắn răng vào, những thú vui ấy không bền vững đủ để duy trì cho ta một niềm hạnh phúc.

Hiện tại có gì là nhiệm mầu? Bài 2

Hiện tại có gì là nhiệm mầu? Bài 2

    (Tiếp theo...)
Giây phút hiện tại làm bằng những gì?
Ta cần tháo mở ra được cái nút thắc Gordian Knot. Và tại sao chúng ta lại không chịu khó kiên nhẫn tháo mở nó bằng cách gỡ ra từng sợi một? Một nhà khoa học trước nhất có thể sẽ phân tách chất liệu của nó, và đối với chúng ta đó chính là giây phút hiện tại này.
    Vì vậy, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi: giây phút hiện tại này được làm thành bởi những yếu tố gì? Trong phật giáo có một hệ thống tâm lý học gọi là Vi Diệu Pháp, Abhidhamma. Theo Vi Diệu Pháp thì những kinh nghiệm hằng ngày của ta có thể được chia cắt ra thành những đơn vị rất nhỏ gọi là sát-na tâm (mind-moments). Chúng là những đơn vị nhỏ nhất của tâm thức, là những vi lượng (quarks) của thế giới tâm thức.

Hiện tại có gì là nhiệm mầu? Bài 1

Hiện tại có gì là nhiệm mầu? Bài 1

"Giữ chánh niệm". "Sống trong giây phút hiện tại". "Chú ý đơn thuần". Trên con đường tu học, chắc chúng ta đều có nghe về những lời khuyên này. Và nếu bạn có kinh nghiệm về thực tập thiền quán, những câu ấy là một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta từ sáng đến khuya, rằng ta có thể tìm thấy tất cả những gì là chân thật ngay trong giờ phút hiện tại này.
    Nhưng rồi có một ngày, bạn ngồi thiền, cố gắng theo dõi hơi thở lên xuống nơi bụng, hay một tư tưởng, hoặc một cơn đau, và thấy tất cả sao dường như rất buồn thảm. Đột nhiên có một câu hỏi khởi lên trong tâm, "Cái giây phút hiện tại này có gì là nhiệm mầu đâu?"

Monday, June 15, 2020

Là gì mà cũng không là gì

Ta hãy xem xét một hồ nước. Nó là gì? Điều gì làm “nó” là một hồ nước?
    Nước mưa rơi xuống; nước bốc hơi và thấm xuống lòng đất; nhiều dòng suối chảy vào, và một dòng suối chảy ra. Những thực vật và động vật trong hồ biến đổi luôn, chúng có là một phần của hồ nước không? Còn những con chim, cầm thú, đến đi thì sao? Hay hồ chỉ gồm có khối nước nơi đó? Nếu vậy, thì những con cá thở đem nước vào mang của chúng thì sao? Nước ra vào những mang cá của chúng?
    “Hồ” chỉ là một ý niệm. Không có một hồ nước thật sự nào để ta nắm bắt hay xác định được.
    Hồ là một khái niệm.
    Ta cũng có thể nói như vậy đối với con mèo, đám mây, vì sao, về chính bạn, Thượng đế… bất cứ một điều gì.
    Nhưng dù vậy, bạn cũng không thể nào chính đáng mà nói rằng không có hồ, không có con mèo, không có đám mây…
    Khi ta xem xét bất cứ một điều gì, ta sẽ thấy rằng nó không phải là một cái gì mà cũng không phải là không là gì hết.
Steve Hagen
nguyễn duy nhiên dịch
free hit counter

Thursday, June 11, 2020

Bài học của sa mạc

Bài học của sa mạc

Tôi nghe kể về các nhà tu ở miền Trung Đông ngày xưa, họ thường bỏ thành phố và đi vào sa mạc để tĩnh tu. Trong sa mạc, mọi sinh vật dường như bắt buộc phải tự chọn cho mình một lối sống thật đơn giản. Và trong không gian mênh mông và tĩnh mịch ấy, các tu sĩ tiếp xúc được với những hạnh phúc đơn sơ, bình thường, nhưng họ cảm thấy thật trọn vẹn.
    Sa mạc có thể dạy cho ta rất nhiều về ý nghĩa của cuộc sống, về một thái độ buông bỏ để có thể bước tới.

Sunday, June 7, 2020

biết dùng cây dù của bạn

biết dùng cây dù của bạn

Có nhiều cách khác nhau để đối phó với những cảm xúc mạnh của mình. Đôi khi rút lui khỏi hoàn cảnh ấy lại là một giải pháp hữu hiệu nhất. Chúng ta bước lùi lại và chờ sự việc lắng dịu xuống.
Ta chỉ có thể có trách nhiệm với chính mình
Ta cũng nên nhớ rằng, có nhiều sự việc hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của ta. Hiểu được điều ấy rất là hữu ích. Một trong những vị thầy của tôi đã dạy tôi một số điều trong những năm đầu tu học, mà chúng vẫn còn rất có giá trị cho đến ngày hôm nay. Chúng đã giúp tôi tránh được những khổ đau không cần thiết. Ngài nói rằng, "Ta không thể nào có trách nhiệm về tâm ý của người khác được. Ta chỉ có thể có trách niệm về tâm ý của chính mình mà thôi."

Thursday, June 4, 2020

bức tranh trên cát

bức tranh trên cát


Sáng nay tôi tìm thấy một quyển sách có một tựa đề rất lạ, tình cờ giở đọc vài trang, trong ấy có một câu truyện khá thú vị. Có một anh chàng rất yêu nghệ thuật, nhất là tranh vẽ. Một ngày nọ anh đứng trên một bờ đá, nhìn xuống phía dưới là bãi biển cát trắng. Xa xa, anh thấy có một người đàn ông đang cắm cúi vẽ một bức tranh trên cát. Người ấy vẽ hình của một gương mặt, nhưng với một cái nhìn lập thể, như là nó được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau, cùng một lúc. Giống như là một bức tranh của Picasso!

Tuesday, June 2, 2020

buông bỏ

buông bỏ

"Buông bỏ" là một thành ngữ vô cùng sáo rỗng, đã được sử dụng quá nhiều trong kỷ nguyên của thời đại mới. Nó bị lợi dụng và lạm dụng mỗi ngày. Nhưng tuy vậy, danh từ ấy diễn tả một thái độ nội tâm rất dũng mãnh, đáng cho ta tìm hiểu dù có là sáo rỗng hay không!
Buông bỏ cũng là một thái độ của tâm
Buông bỏ có nghĩa y như vậy, là bảo ta thôi bám víu vào bất cứ một sự việc gì - cho dù đó là một ý tưởng, một vật, một sự kiện, một thời điểm, một quan niệm, hoặc một tham muốn nào đó. Buông bỏ là một quyết định có ý thức, với thái độ chấp nhận hòa nhập hoàn toàn vào dòng sông của hiện tại, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
    Buông bỏ có nghĩa là thôi ép buộc, thôi chống cự hoặc tranh đấu, để đổi lấy một cái gì tốt đẹp hơn và trọn vẹn hơn. Nó phát khởi từ một thái độ cho phép mọi việc có mặt như chúng là, mà không bị mắc kẹt vào bản chất dính như keo của lòng tham muốn, của sự thương ghét. Hành động ấy cũng tương tự như là ta mở rộng bàn tay ra, buông bỏ một vật gì mà mình hằng mê mệt nắm giữ.

Monday, June 1, 2020

A Little Good News Today

A Little Good News Today by Anne Murray (1983)

I rolled out this morning
Kids had the mornin' news show on
Bryant Gumbel was talkin' 'bout the fighting in Lebanon
Some senator was squawkin' 'bout the bad economy
It's gonna get worse you see, we need a change in policy