Monday, January 25, 2021

Đừng quan tâm về một cái tôi

Đừng quan tâm về một cái tôi

Trên con đường tu học, giáo lý về vô ngã, no-self, thường gây ra nhiều thắc mắc và khó khăn cho người học Phật. Đôi khi, vì muốn tìm hiểu về vô ngã mà chúng ta lại bị vướng mắc vào những phân tách và suy luận, và chúng dễ đưa ta đến những sự tìm kiếm xa xôi. 
    Bà Elizabeth Mattis Namgyel, một tác giả Phật học và cũng là vị giáo thọ cư sĩ thuộc truyền thống Phật giáo Tây tạng, có chia sẻ kinh nghiệm của bà về vấn đề này.
    Theo bà thì giáo lý vô ngã chỉ có thể hiểu được bằng một sự trải nghiệm và cảm nhận của chính mình trong ngay cuộc sống này, với một tình thương rộng mở. Bà nói, thay vì cố gắng tìm hiểu về có hay không có một “cái ta”, chúng ta chỉ cần buông xả và có tình thương. Rồi ta sẽ hiểu.
Ta sẽ không thể tách rời ra được với "cái ta"
Tôi không nghĩ là bạn cần, hay là có thể, tách rời ra khỏi được với một “cái ta”. Vì muốn tách rời ra thì trước hết ta phải tìm thấy nó. Nhưng vì cái ta ấy luôn luôn thay đổi theo với những kinh nghiệm, những tiếp xúc với “bên ngoài”, nên điều đó sẽ không bao giờ có thể xảy ra được.
    Bạn hãy tưởng đến “cái ta” ấy như là một sự có mặt và phản ứng lại với thế giới chung quanh, bằng một ý thức. Bạn chỉ là một phần của những mối tương quan, liên hệ, trùng trùng điệp điệp. Hiểu như vậy thì ta không phải là một, mà cũng không phải khác biệt với bất cứ một cái gì khác. 
    Bạn không thể nào tách rời nhận thức của mình ra với lại sự sống chung quanh. Vì vậy, bạn không thể nói rằng ta là độc lập và riêng rẽ với những cái khác, mà bạn cũng không thể nào nói rằng mình là một với tất cả được. Vậy thì, làm sao mà bạn có thể “loại trừ” được cái ta đó?
Hãy trải nghiệm trực tiếp và tự nhiên
Điều này chúng ta có thể học được từ những vị thầy lớn như là ngài Long Thọ, Nagarjuna. Bạn có thể học và thực tập cách quán chiếu về vô ngã, điều ấy cũng có thể mang lại những lợi lạc lớn. Nhưng cuối cùng rồi, hiểu được ta thật sự là ai phải là một sự cảm nhận và trải nghiệm trực tiếp, và nó cũng hết sức tự nhiên.
    Khi ta tiếp xúc với thế giới chung quanh, ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm về sự sống, con người của mình, với kẻ khác. Ta vẫn có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những thử thách và lo âu, như là ta vẫn thường làm. Bạn không thể nào tìm thấy có một cái ta riêng rẽ, độc lập và thường hằng, nhưng điều ấy đâu có nghĩa là mọi việc sẽ không còn có thể vận hành được nữa. Cái ta sẽ tự nhiên đáp ứng lại với sự sống.
Chỉ cần rộng mở và biết thương
“Vận hành” có nghĩa là mọi vật đều chuyển động. Và chúng chuyển động là vì chúng không riêng biệt, chúng không hề bất biến và độc lập. Còn nếu như chúng không có một mối tương quan, liên hệ nào – nếu như chúng hiện hữu riêng biệt – thì sẽ không có một sự chuyển động nào hết. Tất cả mọi vật sẽ trở nên bất động và trơ lì ra.
    Vì vậy, bạn cũng đừng lo nghĩ quá về một cái tôi, và chỉ cần đáp ứng lại với cuộc sống chung quanh bằng sự tử tế, với một tình thương. Mà đó cũng là một tình thương lớn cho “cái ta” của chính bạn, vì bạn không còn cảm thấy cần thiết phải xem nó như là một vấn đề.
    Bạn đâu cần gì phải lo nghĩ về một “cái ta” mà mình sẽ không bao giờ có thể tìm thấy được, cho dù có tìm kiếm đến đâu. Vì nó đâu có thật. Hãy vui hưởng sự có mặt của mình trong một thế giới đầy những thú vị bất ngờ, thay vì lo nghĩ về một cái gì đó đơn lẽ, tách biệt mà mình sẽ không bao giờ có thể nào tìm ra được. 
Duy Nhiênfree hit counter

No comments: