Tác giả Nguyễn Duy Nhiên: “Sống tỉnh thức là tiến trình tự nhiên”
| By Trang Ps
Vừa mới lúc sáng, mình có một cuộc trò chuyện điện thoại kéo dài một tiếng đồng hồ với chú Nhiên Duy Nguyễn , một người sống tâm linh mà mình quý mến và theo dõi đã lâu. Mình vẫn luôn nhớ câu nói của chú: Theo thời gian, điều đó sẽ không cố định như lời nói nó chắc nịch tuyên bố trong khoảnh khắc ấy, cháu hãy nhớ. Đó chính là vô thường. Với trái tim rộng mở và tình yêu thương, chúng ta sẽ đưa ra lựa chọn hợp lý. Và chúng ta sẽ không bao giờ phải cảm thấy hối hận. Chú thật tuyệt vời và đồng điệu với những gì mà tâm hồn cháu "thổn thức".
Một cuộc trò chuyện về các vấn đề cá nhân khác, để rồi, mình an lành với lựa chọn mà mình đã đặt ra. Khi trong ta có một tình yêu đủ lớn, ta sẽ luôn để cho tình yêu ấy dẫn đường.
Dưới đây là bài phỏng vấn tác giả đăng trên báo LUXUO
https://luxuo.vn/culture/tac-gia-nguyen-duy-nhien-song-tinh-thuc-la-tien-trinh-tu-nhien.html
--- oOo ---
Nguyễn Duy Nhiên là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết về chánh niệm, tỉnh giác và tình thương. Những chia sẻ sâu sắc của ông truyền cảm hứng về trải nghiệm quay về bên trong để hiểu biết chính mình, từ đó giúp chúng ta trải nghiệm đời sống tỉnh thức.
Chào tác giả Nguyễn Duy Nhiên! Trong cuộc sống, không phải ai cũng sống tỉnh thức hoặc một lúc nào đó chuyển biến nhận thức để quay vào bên trong mình. Vậy, hành trình tỉnh thức của ông diễn ra trong hoàn cảnh nào? Và liệu, sống tỉnh thức là cần thiết với tất cả con người?
Theo tôi, sống tỉnh thức không phải là điều gì cao xa đối với mình lắm. Trong chúng ta, ai cũng đã vài lần có những trải nghiệm “sống tỉnh thức.” Có khi, nó xảy ra trong khi mình đang ngắm hoàng hôn, biển trời mênh mông, ánh trăng ngoài cửa sổ; hay thi thoảng là chợt cảm thấy an ổn giữa những bận rộn, khi nhìn nụ cười của một em bé… Tôi không muốn nghĩ tỉnh thức là điều gì xa vời. Tỉnh thức đơn giản là có một trải nghiệm rộng mở, trong sáng, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi những thành kiến, phân biệt theo tập quán, thói quen của mình.
Trong cuộc sống đôi lúc tự nhiên, không làm gì, ta chợt có một cảm nhận là ta không chỉ giới hạn trong những buồn vui, thương ghét hằng ngày của mình. Ta rộng lớn hơn thế. Và theo kinh nghiệm của tôi, đôi khi những khổ đau, bất an của cuộc sống, lại có khả năng đánh thức ta dậy rất lớn. Nó khiến mình muốn đi tìm cái gì rộng lớn hơn, chân thật hơn là những đổi thay chung quanh. Mà trong cuộc sống thì ai lại không có những khổ đau.
Đôi khi những khổ đau, bất an của cuộc sống, lại có khả năng đánh thức ta dậy rất lớn. Nó khiến mình muốn đi tìm cái gì rộng lớn hơn, chân thật hơn là những đổi thay chung quanh. Mà trong cuộc sống thì ai lại không có những khổ đau.
Ông có thể định nghĩa súc tích về “người giác ngộ”? Nhiều người thường “thần thánh hóa” người giác ngộ, nhưng có lẽ, người giác ngộ cũng là một con người bình thường với nỗi đau, niềm buồn, chỉ là họ không bị đồng hóa với chúng.
Chữ “giác ngộ” thì kinh điển và to tát quá, tôi không dám bàn đến ở đây. Tôi nhớ trong kinh có kể là khi có người hỏi đức Phật “Ngài là ai?”, Phật đáp rằng Ngài là một người tỉnh thức.
Người tỉnh thức cũng là một người bình thường. Tôi nói “bình thường” ở đây có nghĩa là họ vẫn có cảm xúc, vẫn gặp nghịch duyên, khó khăn trong cuộc sống. Nhưng tâm họ trong sáng và rộng mở. Người tỉnh thức biết rằng họ không phải chỉ là những cảm xúc, phiền não đó, họ rộng lớn hơn thế. Họ có thể có những nỗi đau (pain) nhưng họ không có nỗi khổ (suffering). Nhờ có cái nhìn rộng mở và trong sáng, mà họ ít bị vướng mắc với những gì xảy ra.
Một người sống tỉnh thức liệu có mơ? Giấc ngủ của họ thường là những giấc ngủ không mơ, hoặc hiếm khi có mơ?
Tâm thức của chúng ta, nói chung thì có hai phần. Một phần nổi ở bên trên là ý thức và phần chìm bên dưới gọi là vô thức. Phần vô thức lưu trữ những thông tin, dữ kiện mà ta thu thập trong cuộc sống hằng ngày. Phần lớn là khi ta sống thiếu chánh niệm, thiếu tỉnh giác, thì có những dữ kiện bất an không được xử lý, giải quyết rõ ràng, và chúng bị dồn nén xuống phần vô thức.
Những giấc mơ là những thông tin, dữ kiện này biểu hiện ra trong giấc ngủ, khi phần ý thức không còn hoạt động. Trong giấc mơ, những dữ kiện này ráp nối, xen lẫn, chồng chéo nhau, không theo một thứ tự nào hết, vì vậy mà ta thường có những giấc mơ tưởng chừng như không có nghĩa lý gì hết.
Nếu như ta sống với chánh niệm và tỉnh giác trong cuộc sống hằng ngày, thì ta vẫn có sự an ổn và trong sáng ngay cả trong những giấc mơ. Và những giấc mơ đôi khi cũng tốt và cần thiết, nó giúp ta chuyển hoá những vấn đề nằm sâu trong vô thức của mình, nếu như ta biết sống tỉnh thức.
Những cuốn sách của Nguyễn Duy Nhiên về sống tỉnh thức.
Nhiều người thời này gặp khó khăn trong giấc ngủ. Ông có lời khuyên hữu ích để giúp giấc ngủ trở nên an lành hơn?
Nếu như mình thường xuyên thực tập thư giãn thân tâm trong cuộc sống ban ngày, thì mình dễ có giấc ngủ an lành hơn.
Trong ngày, mỗi khi ta cảm thấy có một cảm xúc mạnh nào đó khởi lên, hãy tập có ý thức và thư giãn cơ thể ngay trong lúc đó. Đừng để nó trở thành những phiền não rơi xuống phần vô thức. Khi ta ý thức những bất an ấy trên lãnh vực cảm giác (body sensation) và thư giãn, trước khi những suy nghĩ, tưởng tượng chen vào, biến chúng trở thành những những câu truyện, thì chúng ít bị rơi vào vô thức hơn. Và nếu như có rơi vào thì năng lượng của chúng cũng giảm đi rất nhiều.
Thân và tâm có liên hệ rất mật thiết với nhau. Thân thư giãn thì tâm mình cũng dễ an. Nếu một ngày ta biết sống tỉnh thức, chậm rãi, buông thư khi có những cảm xúc mạnh, thì tối mình sẽ có giấc ngủ an lành hơn. Ta hãy tập tiếp xúc với những khó khăn ngay khi nó khởi lên, ngay trên bình diện của cảm giác (sensation level), nó sẽ giúp năng lượng tiêu cực ấy được hoá giải dễ dàng hơn. Chúng ta đừng đợi đến tối đi ngủ mới thực tập thư giãn.
Tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng đến thân tâm của chúng ta.
Người sống tỉnh thức có khi nào vẫn bị quay về lối sống chưa tỉnh thức?
Nếu nói sâu hơn một chút thì sống tỉnh thức ở đây gồm có hai yếu tố là chánh niệm và tỉnh giác. Tôi có chia sẻ nhiều về hai yếu tố này qua những bài viết trong sách của mình.
Lẽ dĩ nhiên sẽ có những lúc mình bị thất niệm và thiếu tỉnh giác, nhưng khi mình nhận thấy ra được điều ấy thì ngay lúc đó mình cũng lại là “tỉnh thức” rồi! Trong nhà Thiền cũng thường nói rằng hễ quay lại là bờ!
Sống tỉnh thức không phải là một trạng thái nào đó mà mình đạt đến, rồi lại có lúc bị mất đi. Sống tỉnh thức là một thái độ sống của mình. Vì vậy, ngay cả trong khi ta đang có những trạng thái như là bất an, buồn giận, lo âu mình vẫn có thể sống tỉnh thức được, bằng một thái độ tiếp nhận rộng mở của chánh niệm và tỉnh giác.
Tôi cũng thường chia sẻ những trải nghiệm của mình là sống tỉnh thức không phải là một sự “tu luyện”, mà phải là một thái độ rộng mở tự nhiên. Tu luyện thì dễ có sự mong cầu, muốn đạt được một trạng thái hay điều gì đó, mà thường những điều ấy phát khởi do bởi những ưa thích theo ý riêng, và rất dễ tạo nên những vướng mắc. Còn lối sống tỉnh thức cần một thái độ rộng mở và hồn nhiên hơn, tiếp xúc với sự việc như nó là.
Với một người trẻ đang trải nghiệm thường gặp nhiều khủng hoảng, họ muốn vin vào cái gì đó để giải quyết gánh nặng tinh thần. Ông có lời khuyên nào cho họ?
Tuổi trẻ thì thường có những hoài bão, cộng thêm những áp lực của đời sống, của gia đình. Họ muốn khám phá cuộc sống. Nhưng trong quá trình đó, ta sẽ gặp những trở ngại, khó khăn tất nhiên của cuộc đời. Đôi khi, khổ đau có mặt là do mình bị mắc kẹt hay chấp vào một khuôn mẫu nào đó. Mà thật ra những khó khăn đó cũng chỉ là những bài học cho một lối sống tỉnh thức, giúp ta điều chỉnh lại cái nhìn và thái độ của mình cho rộng mở hơn, bao dung hơn.
“Buông bỏ” là thuộc về thái độ, chứ không phải là thay đổi hay tránh né hoàn cảnh. Có một quyển sách có tựa đề là “Wherever you go, there you are”, nơi mà ta muốn đến đó, cũng vẫn sẽ là bây giờ và ở đây. Mình có thái độ sống như thế nào thì có đi đâu, vào đâu, cũng vậy thôi. Khổ đau phần lớn là do phản ứng của mình, chứ không phải do tự chính ở nơi hoàn cảnh.
Ví dụ như ta có một cây có những cành lá khô héo. Ta có thể tưới nước lên trên những chiếc lá khô đó, hay ta tưới nước và chăm sóc ngay nơi gốc rể của cây? Những “khủng hoảng” đôi khi chỉ là những biểu hiện của một vấn đề sâu xa hơn. Ta có thể tìm nương tựa vào một môi trường nào đó, để an tâm, để đối trị khó khăn, nhưng tôi nghĩ có lẽ cũng sẽ chỉ là tạm thời mà thôi.
Một lối sống tỉnh thức sẽ giúp ích ta rất nhiều trong sự trải nghiệm và khám phá, ngay trong cuộc cuộc sống đang có của chính mình. Nó giúp mình không lặp lại hay vin vào những bài bản xưa cũ, biết sáng tạo và đổi mới. Nó giúp ta thấy ra những vướng mắc sâu kín của mình. Có một sự thật đơn giản là, khi ta thấy nguyên nhân của khổ đau, thì mình cũng thấy luôn con đường để chuyển hoá khổ đau. Và nếu như không thấy rõ, ta có thể chỉ vô tình buông bỏ cái này để rồi lại vướng mắc vào cái kia mà thôi.
Thế giới đã đang trải qua đại dịch Covid-19 và nhiều tai họa khác đang rình rập xảy đến, qua đó, ông có muốn gửi gắm thông điệp gì đến độc giả?
Tình thương là một biểu hiện của lối sống tỉnh thức. Tôi nghĩ cuộc đời này bao giờ cũng cần tình thương.
Tình thương cho người chung quanh và cho chính mình nữa. Những cơn thiên tai, nạn dịch bây giờ giúp chúng ta thấy rõ được điều ấy. Và giữa hoàn cảnh khó khăn này, tôi cũng thấy rõ người ta biết lo và giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Chúng ta chỉ có một trái đất này để gìn giữ và sống chung với nhau thôi. Và nếu như chúng ta không biết chăm lo cho nhau thì ai sẽ lo cho chúng ta đây? Một lối sống tỉnh thức, của tuệ giác, phải được biểu hiện ra bằng tình thương. Và tôi tin rằng tất cả đều có liên hệ mật thiết với nhau, một hành động tốt lành nhỏ của ta sẽ tự nhiên ảnh hưởng đến tất cả.
Cám ơn ông vì những chia sẻ sáng tỏ và ý nghĩa!
Bài: Trang Ps | Ảnh: NVCC
No comments:
Post a Comment