thông điệp trong chai
Ở vịnh Mexico khi tôi còn là một thiếu niên. Một lần bên bờ biển Thái Bình Dương ở California vào tuổi 30. Ở biển Nhật bản, nhưng không nhớ chính xác là khi nào. Ở dòng sông Colorado, hai lần vào tuổi 40. Và biển Địa Trung Hải vào ngày sinh nhật 50 tuổi. Và gần đây nhất là bên chiếc cầu Charles ở thành phố Prague.
Một thông điệp trong chiếc chai có mang một cái gì đó say mê, huyền bí. Nó giống như trong một cuộc thi phép thuật nhỏ nào đó. Và tôi nghĩ, có lẽ nó cũng nói lên một thái độ lạc quan cơ bản trong tôi.
Sẽ có một ngày nào đó…
Tất cả trong các chai đều có ghi tên và địa chỉ của tôi, và một yêu cầu rằng bất cứ ai tìm thấy các tin nhắn này hãy liên hệ với tôi, và cho tôi biết nơi mà họ đã tìm thấy nó. Thậm chí, đôi khi tôi còn bỏ vào đó những bài thơ, và có một lần là một tờ giấy năm đô la.
Tôi thích nghĩ rằng, một phần của tôi đã tiếp xúc được với một ai đó mà mình không hề quen biết, đang đi dạo trên biển, như một lời chào được tung vào trong cái khả năng bí mật của thế giới loài người.
Buồn thay, mặc dù tôi cũng là một người rất mê đi tìm kiếm những vật trên bãi biển, nhưng chưa bao giờ tôi tìm thấy một chiếc chai nào với một thông điệp bên trong. Dù tôi tìm kiếm, hy vọng và cầu mong.
Nhưng, một ngày nào đó... một nơi nào đó, tôi sẽ...
Mà cho dù, tôi không nhận được một hồi âm nào từ những lá thư của mình, nhưng tôi vẫn không tuyệt vọng - những chiếc chai của tôi vẫn đang lênh đênh và có mặt ngoài kia. Hoặc đang nằm trên một bãi biển xa xôi nào đó, chờ đợi để được tìm thấy.
Và sẽ có một ngày nào đó... Một ngày nào đó...
Theo thống kê thì những chiếc chai này được tìm thấy nhiều thập kỷ sau khi chúng được ném ra - cách xa hằng ngàn dặm, ở phía bên kia địa cầu, từ nơi mà chúng được xuất phát. Và cũng có những câu chuyện tình lãng mạn đẹp tuyệt vời của những cặp tình nhân gặp nhau qua một lá thư trong chai, họ yêu nhau, và sống hạnh phúc suốt đời bên nhau.
Người ta ước tính là ít hơn ba phần trăm của những chiếc chai ném ra được tìm thấy lại. Điều này từ các nghiên cứu khoa học về các dòng nước lưu chuyển trong đại dương. Tỷ lệ của chúng trở lại là rất thấp. Vì vậy, tỷ lệ may rủi của một ai đó tìm thấy những tin nhắn của tôi là vô cùng nhỏ bé.
Tuy vậy, lần tới nếu như tôi có dịp ở gần biển, tôi sẽ đặt thêm một chai nữa vào đại dương.
Và sẽ có một ngày nào đó...
Chiếc đĩa mạ vàng trên tàu không gian Voyager I
Những suy nghĩ này của tôi về các lá thư trong chai được khởi động bởi một ví dụ nổi tiếng nhất về một thông điệp được gửi đi vào tháng chín 1977, từ mũi Canaveral, Florida, trên một chiếc tên lửa Titan III.
Thông điệp này đã được ghi trong một chiếc đĩa mạ bằng vàng trên tàu thám hiểm không gian Voyager I. Một thông điệp rất đặc biệt trong một “chiếc chai” duy nhất, mà chúng ta đã ném vào không gian vô hạn.
Chiếc tàu không gian Voyager I vẫn còn đang tiếp tục du hành - rất xa chúng ta - giữa một không gian muôn trùng tinh tú, di chuyển với vận tốc 38,000 dặm/giờ, và vẫn còn gửi các báo cáo về trái đất. Trong 40,000 năm, nó sẽ đến gần trong vòng 1.4 triệu năm ánh sáng của ngôi sao gần nhất chúng ta, Glirese 445.
Cơ hội để có một sinh vật thông minh nào đó tìm thấy hay bắt được chiếc Voyager I là cực kỳ thấp. Và nếu như điều ấy có xảy ra, chưa chắc gì họ có khả năng giải mã được những thông điệp của chúng ta ghi trong chiếc đĩa mạ vàng.
Và có một điều chắc chắn này, là sẽ không có ai trong tất cả chúng ta ở đây còn có mặt để nhận tin trả lời từ họ. Sẽ không ai trong chúng ta đang còn sống bây giờ sẽ biết điều gì xảy ra lúc đó
Trừ khi nó được tìm thấy hoặc va chạm với một cái gì đó, chiếc Voyager I có thể sẽ tiếp tục đi lang thang mãi trong không gian trong hàng tỷ năm tới. Bạn hãy tưởng tượng đi!
Thông điệp của chúng ta trong chai sẽ tiếp tục đi du hành mãi và mãi và có thể đến vô cùng tận, rất lâu sau khi trái đất chúng ta bị tiêu thụ bởi sự nổ tung của mặt trời.
Có lẽ lúc ấy, thông điệp trên tàu Voyager I cũng như là một lời vĩnh biệt của loài người với thế giới ngoài kia “Chúng Tôi Đã Ở Đây” “We Were Here.”
Một lá thư tình
Một điều tuyệt vời là những dữ liệu ghi trên chiếc đĩa mạ vàng cũng có chứa một lá thư tình rất đặc thù.
Cô Suzanne Dodd là một trong những người giúp sửa soạn, làm lập trình cho các dữ liệu ghi trên chiếc đĩa mạ vàng. Cô đã dành hết một ngày gắn vào người Cô các thiết bị giám sát, để ghi lại nhịp tim của mình, sóng não, huyết áp, và các chức năng quan trọng khác, qua hình thức của những tín hiệu kỹ thuật số (digital electrical impulses). Những dữ kiện này là một đại diện, tiêu biểu cho biết thế nào là một con người, có thể cùng đi trên chuyến tàu Voyager ấy.
Những chức năng sống của cô Suzanne được biểu hiện bằng một chuỗi dài của các xung lực, những tín hiệu kỹ thuật số.
Nhưng có điều là, những xung lực, tín hiệu đó không phải là một tiêu chuẩn cho một nền tảng đặc trưng cơ bản.
Bởi vì... Suzanne Dodd đã yêu Charley Kohlhase, giám đốc của Dự án Thông tin, và anh đã ngỏ lời cầu hôn với cô.
Điều đó có nghĩa rằng các dữ kiện được thu thập ấy là của một người phụ nữ trẻ đang say đắm trong tình yêu, và cô ta không còn có thể nghĩ gì khác hơn. Và điều ấy làm sai lệch các dữ liệu. Những tín hiệu đó không phải là một mẫu mực bình thường mà đó là bằng chứng của tình yêu.
Và hai người đã kết hôn với nhau và vẫn còn sống bên nhau cho đến ngày nay.
Và tít thật xa, xa, xa… ngoài kia trong cái không gian vô hạn, các bằng chứng đặc biệt của tình yêu hai người vẫn tiếp tục lao phóng đi mãi xa thật xa.
Một thông điệp không thể diễn đạt
Đôi khi vào giữa đêm, khi tôi đi ra ngoài để ngước nhìn các vì sao, tôi chợt nghĩ về Suzanne và Charley, và chuyện tình của họ. Tôi cảm thấy hạnh phúc về một thông điệp thâm thuý mà con người đã gửi trong một chiếc chai vào vũ trụ.
Trong tất cả những dữ liệu ghi trên chiếc đĩa mạ vàng, có một phần mà người ta không thể diễn đạt hay miêu tả được đó là bằng chứng của tình yêu - chúng chỉ được biểu hiện bằng các tín hiệu của những con số.
Tôi tự hỏi, nếu tìm thấy, “họ” có sẽ hiểu được chăng?
Tôi hy vọng như vậy...
Vâng, tôi hy vọng.
Robert Fulghum
Nguyễn Duy Nhiên dịch
No comments:
Post a Comment