Wednesday, February 12, 2020

Về với bây giờ và ở đây

Về với bây giờ và ở đây

Bạn không cần học nhiều kinh Phật cũng biết rằng, chúng ta tiếp xúc với cuộc sống chung quanh qua sáu cánh cửa giác quan, như là mắt, tai, mũi, lưởi, thân và ý.  Mỗi cánh cửa giác quan tiếp xúc với những đối tượng khác nhau và làm phát sinh lên một cái biết, danh từ chuyên môn gọi là thứcconsciousness.  Và mỗi thức ấy giúp ta nhận diện được sự vật qua những đường lối khác nhau.
    Thật ra bạn chỉ cần thử kinh nghiệm đi bạn sẽ thấy ngay. Như là ta có một cái biết về thấy, nhản thức, và một cái biết về nghe, nhỉ thức. Thấy và nghe là hai việc làm khác nhau, mỗi chức năng sử dụng những bộ phận khác nhau trong cơ thể, và ảnh hưởng đến những phần riêng biệt trong bộ óc của ta.
Một cái biết biểu hiện qua nhiều cách
Và nếu ta cứ tiếp tục qua lại tiếp xúc với hai chức năng này, ta sẽ trực tiếp biết được rất rõ những gì đang có mặt và xảy ra chung quanh mình, ngay trong giờ phút này.  Giây phút này tiếp sang giây phút kế, ta nhìn thấy rồi lắng nghe, lắng nghe rồi lại nhìn thấy, ta tiếp nhận được những dữ kiện xảy ra chung quanh mình qua hai giác quan của mắt và tai.
    Và đối với những thức khác, như là cái biết về mùi hương (tỷ thức), vị nếm (thiệt thức), và xúc chạm (thân thức), cũng xảy ra giống như vậy. Mỗi cái biết bao gồm một trạng thái nhận thức khác nhau, nó tiếp nhận một số dữ kiện đặc biệt chung quanh mình, và thông dịch ra thành một thứ ngôn ngữ và kinh nghiệm riêng của nó.
    Thật ra tâm thức chỉ có một, có nghĩa tất cả chỉ là một cái biết mà thôi. Nhưng cái biết này lại được biểu hiện ra nhiều cách khác nhau như là những giác quan (sense organs) tương ứng với lại những đối tượng nào thích hợp với nó, ví dụ ta biết được âm thanh qua tai, biết được hình sắc qua mắt chẳng hạn… Trong thuật ngữ nhà Phật thì những biểu hiện khác nhau này được gọi là kāma-guna, năm dòng kinh nghiệm cảm giác, the five strands of sense experience, và đối với một hành giả thực hành thiền quán thì sự biểu hiện của chúng là một dòng kinh nghiệm biến đổi liên tục.
Cái biết qua trải nghiệm và qua sự suy nghĩ
Nhưng vấn đề là ở chỗ này: Năm giác quan này chỉ có thể tiếp xúc được với những gì đang có mặt và xảy ra trong giây phút hiện tại này mà thôi.
    Về phương diện sinh lý, mỗi giác quan được kết nối với những dây thần kinh chuyên biệt trong thân ta, và chúng chỉ đáp ứng với những kích thích cụ thể ngay trong lúc này, bây giờ và ở đây. Ta không thể nào nghe được một tiếng chuông chưa được thỉnh lên, hoặc là trực tiếp kinh nghiệm được một sự xúc chạm nào đó đã xảy ra nhiều năm về trước. Và nếu như việc đó có xảy ra, khi ta hồi nhớ lại kinh nghiệm trong quá khứ hoặc mơ tưởng về tương lai, là chúng ta đang sử dụng đến thức thứ sáu của mình, tức ý thức, mental consciousness.  Mỗi khi tâm ta tiếp xúc với một đối tượng của tâm ý, mental objects – chúng bao gồm tất cả những điều như là ký ức, ý nghĩ, dự án, toan tính…  – thì ý thức sẽ khởi lên.  Thường thì chúng ta hay gọi chung thức thứ sáu này là “suy nghĩ”, nhưng đó chỉ là một cách gọi tổng quát mà thôi.
    Kinh nghiệm của ý thức thì cũng tương tự với năm giác quan kia ở điểm là nó xảy ra trong giây phút hiện tại. Nhưng có một điều khác biệt quan trọng là cái nội dung của một kinh nghiệm ý thức lại vượt rất xa ra ngoài khỏi giây phút hiện tại này, nó có thể là những gì nằm sâu trong quá khứ hoặc ở một tương lai xa xôi nào đó. Những ý nghĩ mà bạn đang có bây giờ chỉ có thể là về những việc gì bạn đã làm ngày hôm qua hoặc dự định sẽ làm trong ngày mai.
    Ý thức, mental consciousness, không hoạt động giống như năm thức giác quan kia, five sense consciousness. Ta có thể hình dung ra trong tâm một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ, và có thể là ta thấy được rất rõ điều ấy trong “con mắt tâm” của mình. Nhưng cái thấy đó rất khác với lại khi ta nhìn thấy một đối tượng nào đó đang có mặt ngay trước mắt mình, trong giây phút này.
Ý thức có thể là một chiếc bẫy sập
Khả năng nhớ về quá khứ và nghĩ đến tương lai này của ta rất là hữu ích, nó giúp ta có thể học hỏi được rất nhiều, biết lập kế hoạch cho ngày mai, và giải quyết các vấn đề hữu hiệu hơn. Nhưng ngược lại, nó cũng mang đến cho ta một bất lợi khá lớn. Chúng ta có thể hoàn toàn sống trong lãnh vực ý thức này mà không có tiếp xúc nhiều với những giác quan của mình.
    Dĩ nhiên là ta cần phải tiếp xúc với các giác quan của mình để đi đứng, sinh hoạt giữa một thế giới vật lý chung quanh, nhưng ta lại thường không sử dụng chúng để giữ sự quân bình trong tâm, cũng như giúp cho tâm thức ta được tăng trưởng. Thời đại ngày nay con người không còn phải sống giữa một thiên nhiên hiểm trở, luôn biến đổi và nhiều bất ngờ. Thế giới của chúng ta ngày nay tương đối an ổn và đầy sự nhân tạo, vì vậy mà ta cũng trở nên hoàn toàn trông cậy vào lãnh vực ý thức của mình hơn, và không cần nhiều đến những kinh nghiệm của các giác quan nữa.
    Nhưng nhiều khi nó lại trở thành một cái bẫy sập cho ta. Giả sử như nếu ta bị kẹt trong những ý nghĩ đen tối, buồn lo về một tương lai sắp đến, và không thoát ra được thì sao? Hoặc là ta cứ tưởng nhớ mãi về một quá khứ đau buồn nào đó? Và nếu tâm ta như một quả lắc đong đưa, cứ hết về quá khứ rồi lại tới tương lai, mà ta không thể nào dừng lại hay thoát ra được? Và rồi đến một lúc ta cảm thấy mình bị hoàn toàn kềm chế bởi thói quen trong tâm, cứ suy nghĩ, nhớ tưởng mãi về những tình cảnh nào đó, mà thường kết quả là mang lại cho mình nhiều khổ đau.
Cánh cửa đưa ta về với bây giờ và ở đây
May mắn thay, đức Phật có đưa ra một giải pháp là sự thực tập có phương pháp bằng cách chú ý đến những giác quan của mình. Ví dụ như trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, lãnh vực đầu tiên của chánh niệm là về thân, hướng dẫn hành giả trở về và hoàn toàn có mặt, tiếp xúc với cơ thể của mình. Ta có ý thức rõ ràng về những cảm giác ở nơi thân – nó có thể là cảm giác của hơi thở ra vào, của bước chân ta đang đi, hay bất cứ một tư thế, hoặc cử động nào khác của ta. Tuy nghe rất là đơn giản, nhưng ảnh hưởng của nó thì vô cùng mầu nhiệm và lớn lao.
    Và sở dĩ điều này có hiệu quả là vì trong mỗi giây lát, tâm ta chỉ có thể ý thức được mỗi một điều mà thôi. Nếu đó là một tư tưởng thì sẽ không có một ý thức của giác quan. Và trong giây phút ý thức của một giác quan, tư tưởng sẽ không có mặt. Đơn giản là vậy. Bước đầu thực tập, thì có lẽ những ý thức về tư tưởng sẽ khởi lên nhiều hơn là những ý thức của giác quan. Nhưng sau một thời gian, khi sự thực tập được vững vàng hơn, ta có thể sẽ có được hai ba giây lát liên tiếp nhau của những ý thức trực tiếp về giác quan của mình, mà không hề bị gián đoạn bởi sự “suy nghĩ” về chúng.
    Và đối với những ai có thói quen suy nghĩ nhiều quá, thì đây là một kinh nghiệm an lạc và một giải thoát rất lớn cho họ. Và đó cũng là một bước đầu rất thiết yếu trên con đường phát triển tuệ giác.
Bằng cái biết trực tiếp và trọn vẹn
Đức Phật có cho một ảnh dụ về tâm ta như một bình nước. Nếu nó chỉ đầy có phân nửa thôi thì Mara, tức Ma vương, sẽ len lỏi vào và tìm cách quấy rối ta bằng đủ mọi cách. Và việc này sẽ xảy ra nếu như phân nửa ta trực tiếp cảm nhận những giác quan của mình, và còn phân nửa còn lại ta suy nghĩ về chúng.
    Mara là một hình ảnh đại diện cho những điều bất thiện trong tâm mà ta không nhận biết, chúng là những tập quán, nội kết, thói quen trong tâm thức, có khuynh hướng thúc đẩy, khơi dậy những câu chuyện buồn lo, những ý nghĩ lăng xăng trong đầu ta. Nhưng nếu như bình nước tâm của ta được đầy đến miệng thì Mara không thể nào xen vào được. Đó là khi ta hoàn toàn trực tiếp ý thức được những trải nghiệm về những cảm giác của mình, thay vì là những nghĩ suy, giải thích của mình về chúng.
    Bằng cách trải nghiệm trực tiếp, làm đầy những giác quan, ta khiến cho tâm mình được trống rỗng. Và khi tâm mình được an tĩnh thì hạnh phúc sẽ có mặt, và con đường tuệ giác của ta đi cũng sẽ bắt đầu rộng mở.
— Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
Andrew Olendzki – Here and Now

free hit counter

1 comment:

Huong Trang said...

Bài viết quá ý nghĩa ạ! Cảm ơn tác giả rất nhiều.