Sunday, October 27, 2024

ba mũi tên

 mũi tên thứ ba


Đức Phật có một bài kinh ví dụ về hai mũi tên.

Cuộc sống sẽ có những khó khăn, không ai có thể tránh khỏi được những đau đớn, mất mát, những cảm thọ khó chịu, xảy đến cho mình. Đức Phật ví dụ những khổ đau này như là một mũi tên đâm vào thân ta. Nhưng đó chỉ là một cái đau nơi thân (pain).

Mũi tên thứ hai.

Và ta không chỉ bị một mũi tên thôi, mà ta lại tự đâm cho mình thêm một mũi tên thứ hai nữa. Khi tiếp xúc với một cơn đau hay cảm thọ khó chịu nào đó, trong ta sẽ khởi lên những phiền não (afflictions) có sẳn, nằm sâu kín trong tâm. Chúng là những phản ứng buồn lo, đối kháng, than trách… của mình.

    Dukkha có nghĩa là phiền não, khổ đau. Và có một cái khổ gọi là dukkha-dukkha, có nghĩa là cái khổ chồng lên trên cái khổ.  Mình có một khó khăn, một mất mát, một nỗi đau nào đó, thì tự nó đã là khổ rồi, và ta lại cộng thêm vào đó là sự sợ hãi, thù ghét, hay tiếc nuối của mình.

    Ta tự chồng lên trên dukkha thêm một dukkha khác nữa. Cái khổ thứ hai này đôi khi nó to lớn và kéo dài lâu gấp trăm lần cái thứ nhất. Mũi tên thứ hai đâm vào cùng một vết thương ấy thì không phải làm ta đau gấp đôi, mà đôi khi là gấp trăm ngàn lần. Nhưng mũi tên thứ hai ấy là do chính mình tự đâm vào.

Mũi tên thứ ba

Tôi nghĩ còn có một mũi tên thứ ba nữa! Đó là khi ta muốn đi tìm một niềm vui, một sự xao lãng nào khác để thay thế, khỏa lấp cho nỗi đau này. Vì không thấy rõ nguyên nhân của khổ đau, ta đi tìm cầu những hạnh phúc bên ngoài, nhưng chúng chỉ là những thay thế tạm bợ, và mau phai. Cũng như khi ta ngửi được hương thơm của một nén nhang, thì nó cũng đã lụi tàn mất rồi. Và khi trở lại với khổ đau, ta lại tiếp tục ao ước, tìm cầu một hạnh phúc tạm thời khác. Ta xoay vần trong vòng khổ đau mà mình không thoát ra được. Đó là mũi tên thứ ba ta tự đâm vào mình.

    Nếu như ta hiểu rằng, hoàn cảnh xảy ra chỉ là những duyên (conditions) làm điều kiện cho nhân (cause) phiền não trong ta phát khởi, ta sẽ có nhiều cơ hội để chuyển hóa gốc rễ của khổ đau hơn.

Hoa anh đào đã nở

Và nếu như bạn hỏi, ta phải làm gì để chuyển hóa nỗi đau của mình? Tôi nghĩ, có lẽ ta chỉ cần buông xả những mong cầu và thành kiến của mình, để cảm nhận những gì đang có mặt một cách trung thực hơn. Đó không phải là sự chìm đắm hoặc buông xuôi trước khổ đau, mà để ta thấy rõ được những gì đang xảy ra và những phản ứng theo bản năng, để ta biết mình thật sự cần phải làm gì. Mà đôi khi đó cũng có thể là ta không cần phải làm gì hết. Ngay cả tìm cầu một phương pháp tu tập!

    Hãy xếp lại trang kinh, bước ra ngoài và cảm nhận thực tại này một cách trọn vẹn hơn, buông xả những đối kháng, những mong cầu, để thấy rằng sự sống tuy vậy nhưng bao giờ cũng vẫn có những hay đẹp và tốt lành hơn mình nghĩ…

Ngồi mãi trong chùa

Khách không biết

Hoa anh đào đã nở.

          Basho.

Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

free hit counter

2 comments:

Anonymous said...

Mũi tên thứ ba rất khó nhận ra vì đa số chung quanh ta coi nó là việc làm bình thường trước phiền não, nhất là khi khả năng tài chánh cho phép và được khuyến khích. Sau khi ôn lại các phiền não đã xảy ra thì quả là như anh đã viết. Cám ơn anh đã giúp tôi thấy rõ vài vấn đề lâu nay của mình.

Anonymous said...

Rất hay ! Con cảm ơn chú nhắc nhở 🙏