Sunday, October 6, 2024

An yên không chỉ là sự thư giãn

 An yên không chỉ là sự thư giãn


Thiếu yếu tố chuyển hóa toàn vẹn

Thời nay, nhiều người đề cập đến những ảnh hưởng tốt đẹp của thiền tập trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh những thành tựu tích cực của thiền tập đối với sức khỏe. Thiền tập đã được áp dụng như một kỹ thuật giải tỏa căng thẳng, điều trị nhiều vấn đề sức khỏe như lo lắng, tăng huyết áp và mất ngủ…

    Tuy nhiên, thực chất đó cũng chỉ là những kết quả, ảnh hưởng bên ngoài của thiền tập, được xác định dựa trên những dữ kiện biểu hiện nơi cơ thể và sử dụng các công cụ y học để ghi nhận, như là nhịp tim chậm, mức tiêu thụ oxy thấp và huyết áp giảm.

    Nhưng điều quan trọng là việc gì xảy ra trong tâm thức của người ấy? Điều này không được các nhà nghiên cứu quan tâm. Vì những nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa này chỉ tập trung vào phần cơ thể, chứ không đề cập gì đến quá trình chuyển hóa toàn diện của cả thân và tâm.

Tự tại là thái độ chứ không phải trạng thái

Những nghiên cứu y khoa này dễ khiến ta tập trung quá nhiều vào sự an ổn và thư giãn nơi thân, mà quên đi yếu tố tự tại và an lạc trong tâm mình. Điều này có thể khiến ta hiểu sai mục đích của thiền tập, lầm tưởng rằng nó chỉ để đạt đến trạng thái thư giãn và nhẹ nhàng.

    Thật ra, khi ta thư giãn, tâm ta cảm thấy bình an và nhẹ nhàng là hiệu ứng tự nhiên, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của thiền tập. Mục tiêu chân thật của nó là giúp ta chuyển hóa những phiền não, khám phá lại được thân tâm của chính mình - đó mới là điều quan trọng nhất.

    Tôi có một người bạn đi du lịch đến những vùng biển và núi tuyệt đẹp. Sống giữa thiên nhiên thơ mộng đó, bạn ấy nhắn tin cho tôi rằng: “Đâu cần gì tu học, ở những nơi này cũng cảm thấy có an vui rồi”. Nhưng một hạnh phúc còn nương tựa vào điều kiện bên ngoài, thì vẫn sẽ còn gặp nhiều dao động, phải không bạn?

    Thư giãn chỉ là sự nghỉ ngơi tạm thời giữa những căng thẳng và khó khăn của cuộc sống. Còn sự bình yên nội tâm không chỉ đơn thuần là thư giãn, mà là một sự có mặt trọn vẹn trong hiện tại, thấy rõ những gì đang xảy ra với thái độ chấp nhận và hiểu biết.

    Tự tại không đồng nghĩa với tránh né hoặc tìm kiếm một trạng thái an lạc nào đó, mà là nhìn ra được những phiền não và cố chấp trong tâm bằng tuệ giác và tâm từ.

    Thầy Viên Minh nói: “Tự do là ung dung trong ràng buộc, Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau. Tự do không phải là không còn ràng buộc, mà là có thể sống ung dung trong những ràng buộc ấy. Ta vẫn có tự do trong bất cứ một không gian giới hạn hay hoàn cảnh, mối quan hệ trói buộc nào. Hạnh phúc không phải là sự vắng mặt của khổ đau, mà là có thể có hạnh phúc, an ổn ngay giữa những khổ đau.

    Ta không cần tranh đấu hay rèn luyện để vượt qua những ràng buộc, khổ đau, mà chỉ cần biết buông xả và tiếp nhận. Và thái độ không trốn tránh ấy của ta chính là sự ung dung và tự tại.

    Tự do và hạnh phúc là thái độ, cách hành xử của mình, chứ không phải là một trạng thái đặc biệt nào hết.

Mưa ơi cứ mưa đi

Trong nhà Thiền có kể một câu chuyện.

    Một hôm, một vị tu sĩ đi khất thực thì trời nổi cơn dông, một cơn mưa to kéo đến. Vị tu sĩ ghé qua một nhà bên đường xin tá túc, chờ cho cơn mưa tạnh. Nhà ấy là của một ông trưởng giả giàu có, ông ta hoan hỷ thỉnh vị tu sĩ vào và nói:

    Nhà của tôi có lửa ấm, đồ ăn lúc nào cũng đầy đủ, giường chiếu sẵn sàng. Tôi xin mời ngài vào. Tôi không ngại gì mưa gió hết, mưa ơi cứ mưa đi!

    Vị tu sĩ nghe đáp:

    Thưa ngài, tôi thì không có một nơi nào ấm áp, thực phẩm thì không có gì là chắc chắn, nơi trú ngụ thì cũng không biết sẽ là nơi đâu. Nhưng mà tôi cũng vậy, nếu như trời có phải mưa, thì mưa ơi cứ mưa đi!’”.

    Lẽ dĩ nhiên, không phải vị tu sĩ ấy cầu cho mưa rơi. Nhưng nếu như cuộc đời có những nắng mưa, thì ta cũng mở lòng ra và tiếp nhận những ngày mưa nắng ấy thôi.

Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên


No comments: