Vị thiền sư và chiếc chụp đèn
Ông Joseph Goldstein kể, có lần trong một khóa tu ở Trung tâm Insight Meditation Society, ông đi kinh hành bên ngoài tòa nhà chính. Trong khi đi, ông liếc nhìn
lên cửa sổ tầng trên và thấy vị Thầy của mình đang đứng đó quan sát ông. Khi
thấy Thầy mình đứng nhìn, ông thẳng người lên và bắt đầu đi thật chậm, cố gắng
tỏ ra mình có chánh niệm trong mỗi bước chân, vì biết rằng vị Thầy đang quan
sát.
Hình ảnh của vị Thầy đang đứng nhìn đã kích động siêu ngã (Freud's superego) của ông Joseph, ông cảm thấy khá lúng túng và ý thức về những hành động của mình. Ông cố tình bước đi thật chậm, tới lui trong khoảng nửa giờ, cố gắng hết sức để tỏ ra là mình đang rất có chánh niệm.
Cuối cùng, ông cũng lấy can đảm nhìn lên cửa sổ lần nữa. Vị Thầy của ông vẫn
đứng yên ở đó, không hề xê dịch. Ông Joseph nhìn lại kỹ hơn, và nhận ra bóng
bên cửa sổ đó không phải là vị Thầy của mình, mà đó là một cái chụp đèn. Ông
bật cười một mình rồi thư giãn.
Ông Joseph đã miên mật thực tập để mong được sự tán thành và khen ngợi của một
chiếc chụp đèn. Ông kết luận, “Chúng ta tự tạo ra đủ mọi thứ rắc rối, khổ đau
cho chính mình!”. Nhiều lúc, khi gặp khó khăn, ta
hãy thư giãn và mỉm cười với nó, thay vì là trách móc hay khó khăn với mình
quá.
Một trong những cách tốt nhất để xử lý những lời tự chỉ trích, phê bình tiêu
cực của mình là có tâm từ với chính bản thân.
Có tâm từ với chính mình có nghĩa là ta ý thức rằng, chúng ta không cần phải
hoàn hảo, điều đó không cần thiết. Ta không cần cầu toàn, vì hiểu rằng ai cũng
có những sai lầm. Ta nhận ra được những yếu kém của mình, những điểm dễ tổn
thương trong ta, chúng ta dám chấp nhận và ôm chúng với một thái độ bao dung
và hiểu biết.
Một trong những bí quyết của hạnh phúc trong cuộc sống là nhận ra rằng, ta
không thể hoàn hảo ở bất cứ chuyện gì.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, việc tự phê bình và trách móc là một điều cần
thiết để giúp ta sửa đổi và tiến bộ. Nhưng nhiều khi thái độ đó lại có thể
phản tác dụng. Đó có thể là áp lực tiêu cực của một siêu ngã, như đã trình bày. Chúng ta hãy có thái độ bao dung và hiểu biết, để có thể
giải tỏa những áp lực không cần thiết của một siêu ngã, và những cảm xúc tiêu cực trong ta.
Xưa vậy, nay cũng vậy,
Ngồi im, bị người chê,
Nói nhiều, bị người chê,
Nói vừa phải, bị chê.
Làm người không bị chê,
Thật khó tìm ở đời.
(Kinh Pháp Cú 227)
Ở Ấn độ có một làng nổi tiếng với nghề dệt vải rất đẹp, cầu kỳ và công phu.
Nhưng lúc nào họ cũng cố tình để lại trên tấm vải một sai sót nhỏ nào đó. Họ
nói rằng, không có ai hay không có gì là hoàn hảo hay toàn vẹn hết, chỉ có
Thượng Đế mà thôi.
Trích trong “Nước Bùn Vẫn Trong”
Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment