Friday, February 28, 2020

tình thương trong bao giấy

tình thương trong bao giấy

Cái thùng cạc-tông bên ngoài có ghi hàng chữ “Đồ Quan Trọng”. Trong lúc ngồi viết đây, tôi có thể nhìn thấy nó đang được để rất trang trọng ở một từng kệ trên cao, trong phòng làm việc của tôi.
    Tôi thích nhìn được nó mỗi khi mình ngẩng đầu lên. Trong thùng ấy có chứa đựng những món đồ lặt vặt, những kỷ niệm còn sống sót sau những lần dọn dẹp, vứt bỏ những gì không cần thiết, mà rất thường xảy đến với tôi. Cái thùng ấy được mang theo với tôi mỗi khi tôi dọn sang nhà mới, di chuyển từ nhà kho này sang nhà kho khác, chưa bao giờ bị thất lạc. Nếu có một tên ăn trộm nào nhìn vào thùng ấy, hắn sẽ chẳng thấy có gì để lấy – chẳng có gì đáng giá đến một đồng xu.  Nhưng nếu chẳng may căn nhà tôi bị cháy, thì vật đầu tiên mà tôi ôm chạy sẽ là cái thùng ấy.
    Một trong những đồ vật bên trong thùng là một bao giấy nhỏ, paper bag. Thứ bao giấy dùng đựng đồ ăn trưa.  Bao giấy được dán kín ở phía trên bằng băng keo, đồ kẹp giấy, staples, nhưng bạn có thể nhìn thấy được những gì ở bên trong qua đường rách ở bên hông.
    Tôi giữ gìn bao giấy này có lẽ cũng hơn mười bốn năm rồi. Thật ra thì nó là của đứa con gái tôi, Molly. Từ khi nó bắt đầu đi học, cô nàng rất thích được tham gia vào việc sửa soạn đem đồ ăn trưa cho chính mình, cho đứa em gái nhỏ của nó, và cho tôi mỗi buổi sáng. Trong mỗi bao ăn trưa của tôi có một miếng sandwich, trái táo, tiền mua sữa, và đôi khi là một lá thư hay những vật “đặc biệt”.
    Một buổi sáng nọ, trong lúc tôi sửa sọan ra khỏi nhà thì Molly đưa cho tôi hai bao ăn trưa. Một bao đựng thức ăn thường ngày. Còn bao kia được dán kín bằng băng keo, kẹp giấy và staples. “Sao hôm nay Ba lại có tới hai bao lận”. “Bao kia là để cho cái khác,” nó đáp. “Con đựng gì trong đó vậy?”. “Có vài món đồ - Ba nhớ đem theo với ba”. Muốn khỏi bị lôi thôi, tôi bỏ cả hai bao vào cặp táp, hôn Molly rồi vội vã đi làm.
    Trưa đến, trong lúc ngồi ăn, tôi xé toang bao giấy của Molly đưa và đổ những đồ bên trong ra xem. Hai cây kẹp tóc, ba hòn sỏi, một con quái vật làm bằng cao su, một cục gôm, một vỏ sò nhỏ, hai viên kẹo chocolate, và mười ba xu.
    Tôi mỉm cười. Thật dễ thương! Tôi đứng dậy vội vã sửa soạn cho nửa ngày bận rộn còn lại. Tôi dọn sạch bàn, đùa tất cả những thứ ấy vào giỏ rác – đồ ăn dư thừa, những món lặt vặt của Molly, tất cả. Chẳng có gì cần thiết để cho tôi giữ lại cả.
    Buổi chiều hôm ấy Molly đến bên cạnh tôi, trong khi tôi đang ngồi đọc báo. “Cái bao giấy của con đâu rồi ba?” “Bao nào?” Tôi hỏi. “Ba nhớ không, cái bao mà con đưa Ba hồi sáng đó.” “Ba để lại trong sở Ba rồi, tại sao vậy?” Tôi thắc mắc! “Bởi con quên bỏ lá thơ này trong bao ấy,” nó đáp. “Tại sao vậy?” “Những đồ vật trong ấy là của con, Ba, những đồ con thích nhất – con nghĩ là Ba thích chơi với nó nên con cho Ba mượn, nhưng bây giờ con muốn lấy lại.  Ba không làm mất của con phải không Ba?” Molly đứng đấy mà nước mắt rưng rưng.
    “Không, Ba đâu có, Ba chỉ để quên trong sở thôi mà,” tôi nói láo. “Ngày mai Ba nhớ đem về nha Ba!” “Lẽ dĩ nhiên – con đừng có lo”. Molly ôm choàng lấy cổ tôi lộ vẽ vui mừng. Tôi từ từ mở mảnh giấy mà Molly định bỏ vào bao giấy trước khi trao cho tôi:  “Con thương Ba rất nhiều.”
    Chết rồi!
    Tôi nhìn vào mặt của đứa con tôi thật lâu.
    Phải rồi, Molly nói đúng – cái bao giấy ấy vô cùng quan trọng. Molly đã trao cho tôi cả kho tàng của nó. Tất cả những gì một đứa bé bảy tuổi có được. Tình yêu chứa đựng trong một bao giấy tầm thường. Vậy mà tôi chẳng hề thấy. Chẳng những không thấy mà còn liệng nó vào sọt rác, bởi vì “chẳng có cần thiết cho tôi cả.” Trời ơi!
    Đây chẳng phải là lần đầu hay lần cuối cùng mà tôi có cảm tưởng rằng hiệu lực làm cha của tôi sắp đến lúc hết hạn.
    Con đường trở lại sở làm sao lại dài đến thế! Nhưng chẳng biết làm gì hơn. Nên tôi đi. Cuộc hành hương của một lương tâm cắn rứt.
    Tôi may mắn đến trước người dọn dẹp, tôi cầm giỏ rác và đổ hết tất cả những gì trong ấy ra lên bàn. Trong lúc tôi đang lui cui tìm kiếm thì người phu dọn dẹp bước vào. “Bộ ông làm mất cái gì hả?” “Vâng, đầu óc của tôi” “Ừ, chắc đâu đó trong đống rác ấy. Ông cần tôi phụ kiếm giùm không?” Tôi ngại ngùng, nhưng rồi kể hết cho ông ta nghe.
    Nghe xong ông không hề cười. Ông nhìn tôi lộ vẽ thông cảm “Tôi cũng có con như ông vậy.” Thế là cả hai chúng tôi lục lọi trong đống rác và tìm lại được những báu vật ấy. Tôi nhìn ông ta mỉm cười và ông ta cũng mỉm cười. Trong những tình huống như vầy, không bao giờ ta bị lẻ loi cả. Không bao giờ!
    Sau khi rửa con quái vật cao su sạch hết mù-tạc, và xịt hết nước hoa lên trên tất cả để làm phai đi mùi hành, tôi cẩn thận vuốt lại bao giấy nhầu nhò, bỏ những báu vật vào trong ấy và hân hoan đi về nhà. Chiều hôm sau tôi trao lại cho Molly, nó chẳng hỏi gì, tôi cũng chẳng phải giải thích gì. Bao giấy thì nhăn nhó, rách rưới nhưng những vật trong ấy thì vẫn còn nguyên, điều đó mới là quan trọng. Sau buổi cơm chiều tôi bảo Molly kể cho tôi nghe về những đồ vật trong bao, nó lấy từng món ra và sắp thành một hàng dài trên bàn ăn.
    Phải lâu lắm Molly mới kể xong tất cả.  Mỗi vật đều có một câu truyện, một kỷ niệm, một tưởng tượng, hoặc một ước mơ. Molly chỉ cho tôi một vài món đồ nó nhận được từ một bà tiên, hai viên kẹo chocolate là của tôi cho, và nó giữ cho đến khi nào nó thật là cần đến. Trong suốt câu truyện tôi chỉ nói được vài câu “Vậy hả!”.  Và thật vậy, tôi thật sự được mở mắt mình ra.
    Tôi ngạc nhiên khi Molly lại đưa bao giấy ấy cho tôi vài ngày sau đó. Cũng cái bao rách rưới, nhàu nhò ấy. Bên trong cũng bấy nhiêu thứ. Tôi có cảm tưởng mình đã được tha thứ. Và tin tưởng. Và thương yêu. Và tôi cảm thấy thoải mái hơn khi mang danh hiệu một người cha.
    Trong vài tháng trời, thỉnh thoảng đều đặn tôi lại được Molly cho được giữ bao giấy ấy. Nhưng tôi không bao giờ hiểu được lý do tại sao tôi lại được giữ vào một ngày này mà không phải một ngày khác. Tôi bắt đầu nghĩ rằng, có lẽ nó là một phần thưởng cho người Cha, và tôi cố làm sao cho tốt hơn buổi tối hôm trước, với hy vọng rằng sáng mai tôi sẽ được giao cho giữ bao giấy ấy.
    Thời gian trôi, Molly dần dần để ý đến những sự vật khác…. nó tìm thấy những kho tàng khác quý giá hơn…. Không còn thích chơi trò trẻ con đó nữa… trưởng thành. Hay gì gì đó. Còn tôi? Tôi bị bỏ lại, cầm giữ cái bao giấy ấy. Một buổi sáng nọ, Molly đưa cho tôi và nó không bao giờ đòi lại nữa. Và tới giờ nầy tôi vẫn còn giữ nơi đây.
    Đôi khi tôi ngồi nghĩ lại những lúc sống ở đời, mà mình vô tình, đã quên không biết tới tình thương mà kẻ khác đã trao cho mình. Tôi nhớ trong nhà Thiền có nói rằng “Cũng giống như đang đứng giữa giòng sông mà ta lại chết khát.
    Bởi vậy cho nên, bao giấy cũ mèm ấy nằm đó trong thùng cạc-tông với những đồ vật “quan trọng” khác. Để lại, khi đứa con tôi nói “Đây – đây là những gì con có. Lấy đi – nó là của ba đó.  Những gì con có con cho ba hết”
    Tôi lỡ đánh lạc mất một lần. Nhưng cái bao giấy cũ, nhàu nhò và rách rưới ấy bây giờ thì nó là của tôi rồi.
Robert Fulghum
Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
free hit counter

No comments: