như một người bạn xưa
Ngày nay, thiền tập đã trở nên khá thông dụng và được phổ biến đến nhiều lãnh vực trong cuộc sống. Chúng ta nghe thấy thiền tập đã được mang vào công sở, trong học đường, vào các bệnh viện… với mục đích làm giảm stress, thêm sức khỏe và mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Và thiền tập cũng còn được áp dụng vào các môn thể thao, ngay cả trong thương trường, để mong làm gia tăng hiệu năng và mang lại kết quả tốt.
Thật ra thiền tập có một tác dụng sâu xa và rộng lớn hơn thế. Nhưng đôi khi vì tập thiền với một sự mong cầu hay mục đích nào đó, mà các thiền sinh lại gặp phải một khó khăn lớn trong sự thực tập của mình. Họ khám phá ra rằng tuy nỗ lực thực tập, nhưng mình vẫn không hề có được một sự an tĩnh nào trong tâm.
Với một thái độ từ ái
Thầy Achahn Brahm có một nhận xét khá thú vị về vấn đề này. Thầy nói rằng sở dĩ chúng ta gặp khó khăn là vì mình không có một thái độ đúng đắn trong thiền tập. Thầy chia sẻ một ví dụ như sau.
Giả sử như có một người quen gọi đến cho bạn nói rằng, “Hôm nay chị có rảnh không, trưa nay mình đi uống cà phê với nhau nhé?” Bạn đáp, “Được, chị định chúng mình sẽ đi đâu?” Người bạn nói, “Chúng ta sẽ đi đến một quán mà tôi ưa thích. Chị sẽ uống cà phê đen nóng giống như tôi, chứ không phải thứ cà phê sửa đá nhiều cholesterol mà chị vẫn thường hay uống. Rồi chúng ta sẽ ăn bánh nướng dâu mà tôi rất ưa, thay vì thứ bánh ngọt mà tôi thấy chị thích ăn. Tụi mình sẽ ngồi ở một góc vắng yên tĩnh theo ý tôi, chứ không phải bên ngoài vỉa hè như chị muốn. Rồi chúng ta sẽ nói chuyện thời sự, chánh trị, chứ không phải ba cái thứ văn chương, thơ phú lẩm cẩm mà tôi vẫn nghe chị hay thích bàn đến. Và mình sẽ ở đó sáu mươi phút, không phải năm mươi phút mà cũng không phải bảy mươi phút. Chỉ đúng một giờ thôi, tại vì tôi biết là mình muốn như vậy thôi.”
Rồi bạn hãy thử so sánh việc ấy với lại thái độ ngồi thiền của mình. “Này Tâm, nghe đây! Bây giờ là tới giờ ta phải ngồi thiền. Ngươi sẽ theo dõi hơi thở, tại vì tôi muốn như vậy, không được làm gì khác theo ý mình. Ngươi phải để ý ở nơi bụng chứ không phải những gì ở bên ngoài kia, tại vì ta muốn như thế. Và ta sẽ ngồi đây đúng một tiếng đồng hồ, không hơn cũng không thiếu một phút.”
Và khi ta có một thái độ ấy với tâm mình, chả trách sao mà tâm ta lại cứ bất an. Nó trốn tránh bằng cách nhớ nghĩ đến những chuyện đâu đâu trong quá khứ, hay dự tính cho những chuyện tương lai mà chẳng bao giờ xảy ra, nó sẽ mơ tưởng xa xôi hay là ngủ gật… làm bất cứ chuyện gì để có thể trốn lánh được ta. Và đó là lý do mà tâm mình khó thể nào an được!
Chắc chắn bạn sẽ trả lời rằng, “Thật ra chiều nay tôi có một cái hẹn khá quan trọng, nhưng không sao hết, để tôi dời lại. Mình sẽ đi uống cà phê với chị!” Tôi tin rằng cả hai sẽ có những giờ phút thật vui thích với nhau, và thời giờ sẽ trôi qua rất nhanh.
Và ta hãy có cùng một thái độ ấy đối với tâm mình trong khi ngồi thiền, hãy đối xử với nó như là một người bạn cũ rất thân. “Này Tâm. Chú có muốn ngồi thiền bây giờ không? Chú muốn để tâm vào cái gì? Ngồi như thế nào? Chú nói cho tôi biết chú muốn ngồi bao lâu cũng được.” Và khi bạn đối xử với tâm mình bằng thái độ ấy, buông xả và từ ái, tâm ta sẽ không đi đâu hết. Nó sẽ trở thành một người bạn thân. Cả hai sẽ cùng có mặt với nhau trong giờ phút này, với những gì đang xảy ra, thật thoải mái, không xô đẩy, không bó buộc. Và bạn sẽ có thể ngồi lâu hơn và được an tĩnh hơn là mình nghĩ.
Hãy mời nhau tách trà
Lời khuyên này của thầy Achahn Brahm về phương cách ngồi thiền nghe cũng hơi có vẽ nghịch lý bạn hả? Thiền tập thì phải dụng công và nỗ lực chứ? Nhưng có lẽ chỉ có một cách để ta biết được sự thật ấy thôi, là hãy thử tự mình khám phá và trãi nghiệm với một thái độ ấy: buông xả và từ ái với những gì đang có mặt.
Dậy thắp hương thất lá,
Quanh bên làn khói tỏa,
Con thỉnh Phật... uống trà.
Trà thất một chung pha,
Con, Phật ở chung nhà,
Làm sao tách riêng được?
Thôi mình uống chung nha.
Phật cười chẳng nói ra,
Con thấm hương đậm đà,
Giờ này ai biết được?
Có con, Phật, chung trà!
Sư Cô Hạnh Chiếu
Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment