Monday, April 27, 2020

Hoa rơi vì nắm bắt

Hoa rơi vì nắm bắt

Thiền sư Ajhan Chah thường nói với những học trò của mình rằng, "Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm của đức Phật dạy là như vầy: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự chấm dứt của khổ, và ngay bây giờ và ở đây là nơi mà ta chứng nghiệm được những điều ấy." Con đường giải thoát mầu nhiệm và đơn giản vậy thôi, ta không cần phải tìm cầu ở một nơi xa xôi nào khác.
Hiện tại không thể nắm bắt
Ngày nay chúng ta thường nghe nói mình phải biết sống trong hiện tại. Một nhà thơ của La Mã, Horace, dùng chữ "Carpe diem" có nghĩa là "Seize the day", nắm bắt ngày hôm nay, như là một phương cách sống hạnh phúc. Nhưng thật ra điều ấy cũng không được hoàn toàn chính xác lắm. Vì hiện tại đâu thể nào nắm bắt được, mà thật ra chúng ta chỉ cần buông bỏ những tìm cầu, thì tự nhiên mình sẽ trở về với hiện tại mà thôi.

Thursday, April 23, 2020

hòa điệu

hòa điu


Trong khi tôi vừa quẹo vào bãi đậu xe của bệnh viện, trên bầu trời chợt có hàng trăm con vịt trời bay ngang qua. 
    Chúng bay thật cao, tôi không hề nghe tiếng kêu gọi đàn của chúng. Ðiều đầu tiên tôi nhận thấy là rõ ràng chúng biết chúng đang đi về đâu. Chúng bay về hướng Tây Bắc, và nhiều đến nỗi đội hình của chúng kéo dài đến tận phía Ðông, khi ánh sáng bình minh của tháng mười một rạng rỡ phía chân trời.
    Nhìn con vịt trời đầu tiên bay ngang qua, cảm xúc vì vẻ đẹp quý phái của chúng, tôi lấy giấy bút trong xe ra, vội vã ghi lại đội hình của chúng bằng cái nhìn và nét vẽ vụng về của tôi. Vài nét bút vội vàng cũng là đủ... chút nữa thôi chúng sẽ biến mất khỏi bầu trời.
    Hàng trăm con vịt trời bay theo đội hình chữ V, nhưng có nhiều con khác bay theo một sự sắp xếp phức tạp hơn. Ðường bay của chúng hạ xuống thấp rồi lại cất lên cao trong một sự hòa điệu rất duyên dáng, giống như một tấm vải lụa uốn mình trong gió. 
    Rõ ràng là những con vịt trời có truyền thông với nhau. Vì hình như mỗi con đều biết rõ vị trí của nó, thuộc nơi đâu và phải ở nơi nào trong đội hình phức tạp và biến đổi thường xuyên ấy.
Toàn vẹn trong sự bất toàn
Tôi cảm thấy mình rất may mắn được chứng kiến hình ảnh ấy. Giây phút này là một món quà rất quý báu. 
    Tôi đã được phép nhìn thấy và được chia sẻ một cái gì tôi biết rất là quan trọng, không phải là lúc nào ai cũng có được. Một phần là sự hoang dã của chúng, một phần là sự hòa điệu, trật tự và vẻ đẹp mà chúng biểu hiện.
    Trong khi đứng nhìn hành trình ấy, kinh nghiệm thông thường của tôi về thời gian chợt như dừng hẳn lại. Cách sắp xếp của những con vịt trời, mà các nhà khoa học gia thường gọi là "hỗn loạn", cũng giống như sự hình thành của những khối mây hoặc hình dáng của cây cối. Nơi đó có một trật tự. Bên trong tuy tàng chứa một sự vô trật tự, nhưng cũng lại là một cách rất có trật tự.
    Ðối với tôi thì hình ảnh đó là một món quà tặng rất kỳ diệu và nhiệm mầu. Ngày hôm nay, trong khi đi đến sở làm, thiên nhiên đã biểu lộ cho tôi thấy tính tự nhiên của vạn vật, trong một lãnh vực nhỏ bé. Nhắc cho tôi nhớ rằng cái biết của con người không có là bao, và chúng ta lại ít khi nào biết tán thưởng sự hòa hợp trong vạn vật, hoặc là có thể nhận diện được chúng.
Hãy giữ gìn sự hoà điệu chung quanh ta, và trong ta
Chiều nay, về nhà mở đọc tờ báo hằng ngày, tôi nhận thấy cái hậu quả tàn khốc của việc đốn cây, khai thác những khu rừng già trên vùng cao nguyên ở miền nam Phi Luật Tân. Hậu quả ấy đã hiển lộ khi trận bão dữ đi ngang qua vào cuối năm 1991, khi vùng đất trơ trọi, không còn khả năng giữ nước lại, đã để mặc cho một khối lượng nước lớn gấp bốn lần bình thường, đổ tràn ngập xuống vùng đồng bằng, làm chết đuối hàng ngàn người dân nghèo. 
    Bạn đừng bao giờ nói rằng: "Tại nó xảy ra như vậy!" Vấn đề là nhiều khi chúng ta không dám chấp nhận trách nhiệm của mình ở trong đó. Khinh thường sự hòa hợp của thiên nhiên là một sự liều lĩnh lớn!
    Tính chất hòa điệu của thiên nhiên bao giờ cũng có mặt ở chung quanh ta và trong ta. Ý thức được việc ấy sẽ mang lại cho ta một hạnh phúc lớn. Nhưng thường thì ta chỉ biết tán thưởng khi nó không còn nữa, hoặc chỉ là trong ký ức mà thôi. 
    Như cơ thể ta chẳng hạn, nếu mọi việc đều bình thường, ta sẽ không bao giờ để ý đến. Không nhức đầu, ít khi nào là một vấn đề để ta chú tâm. Những khả năng như đi, đứng, nhìn, nghe, suy nghĩ... thường thì chúng ít cần đến sự săn sóc của ta, vì vậy chúng thường bị nhòa lẫn vào trong một sự sống tự động, máy móc và vô ý thức.
    Chỉ có sự đau đớn, sợ hãi hoặc mất mát mới có thể đánh thức ta dậy, và mang ta trở về với thực tại. Nhưng đến chừng ấy thì không dễ gì ta còn có thể nhận thấy được sự hòa hợp nữa! Không khéo ta còn lại bị lôi cuốn theo sự động loạn, nó như một dòng suối chảy xiết, như một thác nước đổ, một chặn đường gian nan trong dòng sông của cuộc sống. Cũng như một người nào đó nói: "Bạn không biết trân quý những gì mình đang có, trừ khi bạn đã đánh mất nó đi."
    Khi tôi bước xuống xe, trong lòng tôi cúi đầu cảm tạ những người khách lữ hành trên cao ấy, vì đã mang lại cho vùng trời của một bệnh viện văn minh và hiện đại này, một liều thuốc tươi mát của miền thiên nhiên hoang dã.
Jon Kabat-Zinn
Duy Nhiên dịch

free hit counter

Monday, April 20, 2020

sống trong hiện tại và cho hiện tại

sống trong hiện tại và cho hiện tại

Thiền sư Đạo Nguyên lúc còn đang đi tầm đạo ở Trung Hoa, một hôm ghé qua một ngôi chùa. Lúc ấy vào giữa mùa hè, trời nóng như trong một lò lửa. Ông gặp một vị sư già đang lom khom làm việc ngoài sân, phơi nấm dưới ánh nắng như thiêu đốt. Thấy vậy, Đạo Nguyên đến gần hỏi: “Tại sao thầy lại làm việc chi cho cực khổ vậy? Thầy đã lớn tuổi rồi, chắc cũng là một bậc tôn túc trong chùa, sao thầy không nhờ các chú sa di trẻ làm giúp thầy. Thầy đâu cần phải làm việc đâu? Vả lại, trời hôm nay nóng như thế này, sao thầy không dời lại một ngày khác?”

Thursday, April 16, 2020

Cây hồng táo

Cây hồng táo

Mở đầu tác phẩm Ana Karenin, văn hào Leo Tolstoy viết, "Những gia đình hạnh phúc thì đều giống như nhau, nhưng trong mỗi gia đình khổ đau thì không có khổ đau nào giống với khổ đau nào hết." Có lẽ trong cuộc đời, ông đã chứng kiến quá nhiều tình cảnh khổ đau mà hạnh phúc thì chừng như quá giới hạn. Nhưng tôi cũng muốn viết lại là, "Trong cuộc đời này những khổ đau có thể giống như nhau, nhưng mỗi hạnh phúc đều rất đặc biệt và kỳ diệu theo một lối riêng của nó."

Thursday, April 9, 2020

an tĩnh trước cơn giận

an tĩnh trước cơn giận

Trong chương Sakka của Tương Ưng Bộ kinh, Samyutta Nikaya (11.4), đức Phật có dạy bằng cách kể những dụ ngôn, như ngài vẫn thường làm. Và lời dạy trong bài kinh này vẫn còn rất xác đáng và thích ứng với thế giới ngày nay, như đã đối với ngàn năm trước ở một Ấn độ xa xưa.
    Dụ ngôn này đề cập đến vấn đề một người mạnh nên làm gì khi bị hạ nhục, tấn công hoặc khiêu khích bởi một người yếu kém hơn mình. Tôi nghĩ lời dạy này cũng có thể ứng dụng được trong những trường hợp khi ta đứng trước sự đe dọa của những kẻ bất lương.