Cây hồng táo
Mở đầu tác phẩm Ana Karenin, văn hào Leo Tolstoy viết, "Những gia đình hạnh phúc thì đều giống như nhau, nhưng trong mỗi gia đình khổ đau thì không có khổ đau nào giống với khổ đau nào hết." Có lẽ trong cuộc đời, ông đã chứng kiến quá nhiều tình cảnh khổ đau mà hạnh phúc thì chừng như quá giới hạn. Nhưng tôi cũng muốn viết lại là, "Trong cuộc đời này những khổ đau có thể giống như nhau, nhưng mỗi hạnh phúc đều rất đặc biệt và kỳ diệu theo một lối riêng của nó."
Trời thu đẹp là nhờ có trăm ngàn chiếc lá biết phơi bày màu sắc chân thật của chúng. Những màu sắc rực rỡ ấy lúc nào cũng có mặt, chứ không phải chỉ chờ đến mùa thu, nhưng chỉ vì chúng bị che khuất bởi màu xanh của mùa hè mà thôi. Những ngày lộng gió, màu sắc bay trong không trung, màu sắc trải đường đi, màu sắc phủ mặt hồ, màu sắc trôi trong đáy tách trà thơm.
Từ xa, nhìn vào một khu rừng thu, ta thấy những chiếc lá đủ màu sắc như một vườn cây đầy trái chín. Ta hãy bước ra ngoài một sáng mùa thu, sau một cơn mưa sớm, nắng lên tan sương mù, có tiếng lá rơi trên lá, màu sắc trên màu sắc, những chiếc lá thơm trên cây, rụng chín đầy dưới đất.
Thế giới của thiên nhiên là một sự sống kỳ diệu đầy màu sắc. Mỗi tờ lá là một vẻ đẹp thiên nhiên rất công phu và nhiệm mầu, không thể so sánh được. Nhưng cuộc đời, nhiều khi ta cứ ngỡ chúng chỉ có mỗi một màu xanh tầm thường mà thôi! Nếu như ta biết quay trở về và nhìn với một cái thấy rộng mở.
Cây Hồng Táo
Lúc đó Phật chợt nhớ lại ngày xưa khi còn nhỏ là một thái tử, có một lần được theo Vua cha ra ngoài thành, đến một miền đồng quê. Trong khi Vua cha đang quan sát người khác làm việc, thái tử tìm đến dưới gốc một cây hồng táo ngồi lặng yên. Bỗng nhiên, khi đó tâm Ngài trở nên rất tĩnh lặng. Thái tử cảm thấy bên trong mình tự nhiên có một niềm hỷ lạc rất sâu sắc.
Niềm vui ấy không hề xuất phát từ bất cứ một nguyên nhân nào ở bên ngoài. Nó có mặt ngay bên trong, với một tâm hồn tĩnh lặng. Nhưng trên con đường tìm kiếm, tu tập khổ hạnh, Phật đã vô tình đánh mất đi cái hạnh phúc ban đầu đó. Một hạnh phúc rất đơn sơ, nhưng sâu sắc và rất thực. Nó không đòi hỏi ta phải nắm bắt hoặc né tránh một điều gì trên cuộc đời này.
Ta không cần phải có một cái gì, đạt được một điều gì, trở thành một người nào, hoặc né tránh một việc gì hết. Những điều ấy có thể mang đến cho ta một niềm hạnh phúc tạm thời, nhưng không thể là chân thật. Chúng cũng như một nén hương tàn. Khi ta thắp lên một nén hương, khi mình đang ngửi được mùi thơm ấy, thì phần hương đó cũng đã cháy tàn rồi.
Và ý thức ấy bắt buộc ta phải quay nhìn lại chính mình trong giờ phút này, buông bỏ hết những mong cầu, để thấy rõ những gì đang có mặt trong thực tại! Biết được rằng, chân hạnh phúc không hề tùy thuộc vào những gì ta có, hay phải qua một sự rèn luyện khổ công nào, mà chỉ cần một thái độ buông bỏ với cái thấy trong sáng. Ý thức được điều ấy là một sự giải thoát rất lớn.
Buông xả và trong sáng
Thật ra muốn buông bỏ, chúng ta cũng không cần phải làm gì khó nhọc lắm đâu. Ôm giữ và mang vác thì phải cần đến sự tính toán và tạo tác này nọ, chứ buông thả ra thì càng ít dụng công bao nhiêu lại càng hiệu quả bấy nhiêu.
Bà Sharon Salzberg, có kể vài năm trước trong lúc đang đứng trong chiếc thang máy ở một khách sạn tại thành phố New York, bà chợt ý thức rằng mình vẫn còn đang mang vác chiếc hành lý rất nặng trên vai. "Và tôi chợt nghĩ", bà nói, "tại sao mình lại không đặt chiếc hành lý nặng này xuống đi, và để cho chiếc thang máy tự nó mang lên chứ?"
Bà Sharon nói, tuy phương pháp bà dạy học trò mình là thực tập có ý thức về hơi thở, nhưng điều bà luôn nhấn mạnh là chúng ta bao giờ cũng có thể trở về với thực tại, dù bất cứ đang ở trong hoàn cảnh hay tình trạng nào. Và giây phút bắt đầu mới ấy chính là sự buông bỏ với một tâm từ, biết chấp nhận và tha thứ. Buông bỏ cũng có nghĩa là tiếp xúc với thực tại này với một tâm rộng mở, để cho sự việc được trong sáng tự nhiên.
Trích trong “Một chia sẻ về sống đẹp"
No comments:
Post a Comment