Ánh trăng trong trang kinh xưa
Xa thành phố, ánh trăng miền quê sáng một cách kỳ diệu, như mở ra từ một trang kinh xưa. Dường như cuộc đời của đức Phật cũng có một liên quan mật thiết với ánh trăng. Đi trên con đường quê nhỏ, tôi chợt cảm thấy ý nghĩa của cuộc sống gần gũi và bình dị hơn những gì mình nghĩ.
Ông Krisnamurti nói, một đứa bé từ khi được người lớn dạy cho biết về một đóa hoa, nó sẽ không bao giờ còn có thể thật sự nhìn thấy đóa hoa nữa. Vì những cái “biết” của ta có thể làm ngăn ngại cho cái thấy chân thật của mình rất nhiều. Và nếu như ta nghĩ mình đã “biết” ánh trăng rồi, thì có lẽ ta sẽ không còn thật sự nhìn “thấy” ánh trăng được nữa…
Nhưng làm sao để ta có thể nhìn thấy lại được ánh trăng nguyên sơ? Trong nhà thiền chúng ta thường nghe nói về chánh niệm, như là một sự thực tập giúp ta tiếp xúc với thực tại, nhìn thấy được những gì đang thật sự có mặt trong giây phút này. Theo tôi nghĩ, chánh niệm là biết buông xả và trở về có mặt trọn vẹn với những gì đang có mặt, với một tâm không mong cầu.
Bạn có thấy được một ánh trăng trong những trang kinh xưa? Có một đêm sau thời ngồi thiền, tôi thấy một vầng trăng thật sáng nằm yên sau những cành lá bên ngoài khung cửa sổ, nhớ đến câu thơ của Huyền Không:
Tọa Thiền đâu thấy bơ vơ
Lang thang từ thuở bao giờ hay chăng?
Đêm rằm ta hỏi ánh trăng
Ngàn năm về trước đã tằng chiếu ai?
Trăng đêm nay cũng cùng là một ánh trăng đã từng chiếu cho ai đó dưới gốc cây bồ đề hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, chưa bao giờ đổi thay. Tôi bước đến bên cửa sổ, nhìn xuống một vườn sân vắng nằm yên lặng tràn ngập dưới ánh trăng:
Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y y bất cải cựu thiền quyên.
Nguyễn Du
Trăng khuya tràn ngập vườn xưa vắng
Nguyên sơ trăng vẫn sáng như thuở nào.
Với một cái thấy không có sự tìm cầu nào khác, nhìn ánh trăng ấy bạn có thấy nó vẫn là nguyên vẹn một màu nguyên sơ như thuở nào…
Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment