Sunday, October 6, 2024

An yên không chỉ là sự thư giãn

 An yên không chỉ là sự thư giãn


Thiếu yếu tố chuyển hóa toàn vẹn

Thời nay, nhiều người đề cập đến những ảnh hưởng tốt đẹp của thiền tập trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh những thành tựu tích cực của thiền tập đối với sức khỏe. Thiền tập đã được áp dụng như một kỹ thuật giải tỏa căng thẳng, điều trị nhiều vấn đề sức khỏe như lo lắng, tăng huyết áp và mất ngủ…

    Tuy nhiên, thực chất đó cũng chỉ là những kết quả, ảnh hưởng bên ngoài của thiền tập, được xác định dựa trên những dữ kiện biểu hiện nơi cơ thể và sử dụng các công cụ y học để ghi nhận, như là nhịp tim chậm, mức tiêu thụ oxy thấp và huyết áp giảm.

    Nhưng điều quan trọng là việc gì xảy ra trong tâm thức của người ấy? Điều này không được các nhà nghiên cứu quan tâm. Vì những nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa này chỉ tập trung vào phần cơ thể, chứ không đề cập gì đến quá trình chuyển hóa toàn diện của cả thân và tâm.

Tự tại là thái độ chứ không phải trạng thái

Những nghiên cứu y khoa này dễ khiến ta tập trung quá nhiều vào sự an ổn và thư giãn nơi thân, mà quên đi yếu tố tự tại và an lạc trong tâm mình. Điều này có thể khiến ta hiểu sai mục đích của thiền tập, lầm tưởng rằng nó chỉ để đạt đến trạng thái thư giãn và nhẹ nhàng.

    Thật ra, khi ta thư giãn, tâm ta cảm thấy bình an và nhẹ nhàng là hiệu ứng tự nhiên, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của thiền tập. Mục tiêu chân thật của nó là giúp ta chuyển hóa những phiền não, khám phá lại được thân tâm của chính mình - đó mới là điều quan trọng nhất.

    Tôi có một người bạn đi du lịch đến những vùng biển và núi tuyệt đẹp. Sống giữa thiên nhiên thơ mộng đó, bạn ấy nhắn tin cho tôi rằng: “Đâu cần gì tu học, ở những nơi này cũng cảm thấy có an vui rồi”. Nhưng một hạnh phúc còn nương tựa vào điều kiện bên ngoài, thì vẫn sẽ còn gặp nhiều dao động, phải không bạn?

    Thư giãn chỉ là sự nghỉ ngơi tạm thời giữa những căng thẳng và khó khăn của cuộc sống. Còn sự bình yên nội tâm không chỉ đơn thuần là thư giãn, mà là một sự có mặt trọn vẹn trong hiện tại, thấy rõ những gì đang xảy ra với thái độ chấp nhận và hiểu biết.

    Tự tại không đồng nghĩa với tránh né hoặc tìm kiếm một trạng thái an lạc nào đó, mà là nhìn ra được những phiền não và cố chấp trong tâm bằng tuệ giác và tâm từ.

    Thầy Viên Minh nói: “Tự do là ung dung trong ràng buộc, Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau. Tự do không phải là không còn ràng buộc, mà là có thể sống ung dung trong những ràng buộc ấy. Ta vẫn có tự do trong bất cứ một không gian giới hạn hay hoàn cảnh, mối quan hệ trói buộc nào. Hạnh phúc không phải là sự vắng mặt của khổ đau, mà là có thể có hạnh phúc, an ổn ngay giữa những khổ đau.

    Ta không cần tranh đấu hay rèn luyện để vượt qua những ràng buộc, khổ đau, mà chỉ cần biết buông xả và tiếp nhận. Và thái độ không trốn tránh ấy của ta chính là sự ung dung và tự tại.

    Tự do và hạnh phúc là thái độ, cách hành xử của mình, chứ không phải là một trạng thái đặc biệt nào hết.

Mưa ơi cứ mưa đi

Trong nhà Thiền có kể một câu chuyện.

    Một hôm, một vị tu sĩ đi khất thực thì trời nổi cơn dông, một cơn mưa to kéo đến. Vị tu sĩ ghé qua một nhà bên đường xin tá túc, chờ cho cơn mưa tạnh. Nhà ấy là của một ông trưởng giả giàu có, ông ta hoan hỷ thỉnh vị tu sĩ vào và nói:

    Nhà của tôi có lửa ấm, đồ ăn lúc nào cũng đầy đủ, giường chiếu sẵn sàng. Tôi xin mời ngài vào. Tôi không ngại gì mưa gió hết, mưa ơi cứ mưa đi!

    Vị tu sĩ nghe đáp:

    Thưa ngài, tôi thì không có một nơi nào ấm áp, thực phẩm thì không có gì là chắc chắn, nơi trú ngụ thì cũng không biết sẽ là nơi đâu. Nhưng mà tôi cũng vậy, nếu như trời có phải mưa, thì mưa ơi cứ mưa đi!’”.

    Lẽ dĩ nhiên, không phải vị tu sĩ ấy cầu cho mưa rơi. Nhưng nếu như cuộc đời có những nắng mưa, thì ta cũng mở lòng ra và tiếp nhận những ngày mưa nắng ấy thôi.

Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên


Tuesday, October 1, 2024

Vị thiền sư và chiếc chụp đèn

 Vị thiền sư và chiếc chụp đèn


Ông Joseph Goldstein kể, có lần trong một khóa tu ở Trung tâm Insight Meditation Society, ông đi kinh hành bên ngoài tòa nhà chính. Trong khi đi, ông liếc nhìn lên cửa sổ tầng trên và thấy vị Thầy của mình đang đứng đó quan sát ông. Khi thấy Thầy mình đứng nhìn, ông thẳng người lên và bắt đầu đi thật chậm, cố gắng tỏ ra mình có chánh niệm trong mỗi bước chân, vì biết rằng vị Thầy đang quan sát.

    Hình ảnh của vị Thầy đang đứng nhìn đã kích động siêu ngã (Freud's superego) của ông Joseph, ông cảm thấy khá lúng túng và ý thức về những hành động của mình. Ông cố tình bước đi thật chậm, tới lui trong khoảng nửa giờ, cố gắng hết sức để tỏ ra là mình đang rất có chánh niệm.

Friday, September 27, 2024

Giới Thiệu Sách Mới: Nước Bùn Vẫn Trong

 Giới Thiệu Sách: Nước Bùn Vẫn Trong




Quyển sách này được ghi lại từ một buổi chia sẻ gồm có bốn bài nói chuyện. Quyển sách được chia ra làm bốn phần như sau:

Saturday, September 14, 2024

đâu chỉ của mình trăng thôi

đâu chỉ của mình trăng thôi


Có những khổ đau trong cuộc sống bởi do ta tự đặt ra những khuôn mẫu cứng nhắc, rồi đóng khung và nhốt kín hạnh phúc của mình. Và ta loay hoay trong khổ đau để mong tìm một giải pháp. Mà nếu như tự mình nhốt mình lại, thì cũng chỉ tự mình mới có thể cho phép mình thoát ra được thôi.

Tháo gở bằng cái thấy như thực

Để thoát khỏi ràng buộc, chúng ta phải nhận diện và hiểu rõ những gì đang trói buộc mình. Nhiều khi, những ràng buộc này không phải do hoàn cảnh bên ngoài, mà do sự cố chấp hoặc phản ứng của chính chúng ta với những gì đang xảy ra. Tuy nhiên, chính nhờ những khó khăn ấy, chúng ta có thể nhận diện khổ đau ngay từ gốc rễ của nó.

    Thiền sư Lâm Tế viết, "Chúng ta không thể nào giải quyết được những vấn đề của quá khứ, trừ khi qua sự liên hệ với hoàn cảnh hiện tại. Lúc cần thay đồ thì ta mặc áo vào, đến khi cần lên đường thì ta bước ra đi. Có vậy thôi!"  Ta chỉ có thể giải quyết được những vấn đề của quá khứ, hoặc chăm sóc cho các dự án ở tương lai, qua sự ứng xử của mình trong khoảnh khắc hiện tại.

Tuesday, September 10, 2024

ngồi giữa trời thu, ta nhớ thu

 ngồi giữa trời thu, ta nhớ thu


Ngày nay chúng ta thường nghe nói nhiều về vấn đề sống trong hiện tại, có mặt trong bây giờ và ở đây. Nhưng bạn nghĩ thế nào là sống trong hiện tại? Nhà thơ Basho viết,

      Ở Kyoto

      Nghe tiếng chim cuốc gọi

      Tôi nhớ Kyoto

    Bạn có thấy vô lý không! Nhà thơ Basho đang ngồi giữa Kyoto nghe một tiếng kêu của loài chim bản xứ, ông lại chợt thấy nhớ Kyoto? Nhưng đó lại là một điều rất thật.

Saturday, August 31, 2024

Để cho tự nhiên chuyển hóa cái tự nhiên

 để cho tự nhiên chuyển hóa cái tự nhiên


Khi tìm hiểu một vấn đề khó khăn, một phiền não nào đó, các nhà phân tâm học thường có khuynh hướng đi tìm một lý do trong quá khứ, xem tại sao bây giờ người ấy lại có những cảm xúc như vậy. Nhưng trong đạo Phật thì quá khứ đã qua rồi, chỉ có những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại này mới quan trọng.

    Ta đang cảm thấy như thế nào, trong thân tâm của mình, trong giờ phút này? Đó đang là những gì? Hãy cảm nhận trọn vẹn mà không cần phân tách hay phê phán gì hết. Chúng là những biểu hiện, những phản ứng của ta với một sự sống đang thực sự có mặt. Hãy để cho tất cả được soi chiếu dưới ánh sáng của chánh niệm và tỉnh giác.

Saturday, August 24, 2024

Không phải tất cả đều là mộng ảo

 Không phải tất cả đều là mộng ảo


Khi chúng ta học hoặc nghe trong kinh điển dạy rằng, hãy xem thế giới này như là một ảo ảnh hoặc một giấc mơ, chúng ta thường rất dễ mắc phải một sai lầm. Chúng ta nghĩ rằng điều này có nghĩa là cuộc sống này không có gì là thực, không có gì là quan trọng, cuộc sống này không có ý nghĩa gì hết. Sự sai lầm này có thể khiến chúng ta cảm thấy chán nản, và đôi khi còn là tuyệt vọng nữa.

Ảo ảnh không phải là ảo giác.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy ra sự sai lầm của lối suy nghĩ này, khi đơn giản hiểu được thế nào là bản chất của ảo tưởng và giấc mơ. Ảo tưởng (illusion) không phải là ảo giác (hallucination). Ảo giác (hallucination) là trải nghiệm về một điều gì mà nó không hiện hữu, không có thật ở đó. Còn Ảo tưởng (illusion) là sự nhận thức sai lầm về một việc gì đang thực sự có mặt, thay vào bằng một điều gì đó không thực.

Tuesday, August 20, 2024

Nhạc: Lắng Đọng


Bài nhạc Lắng Đọng. Ý lấy cảm hứng từ quyển "Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại" của Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên.

Lời: Hạnh Phạm

Nhạc: Huy Trần

Trình bày: Lê Tuyền


Sunday, August 18, 2024

dừng lại là cơ hội trở về

dừng lại là cơ hội trở về

Trong cuộc sống sẽ có những giây phút chờ đợi, bắt ta phải dừng lại, không làm gì hết. Nhưng chúng không phải là những thời gian vô ích, mà thật ra đó có thể là món quà quý giá mà cuộc sống thỉnh thoảng dâng tặng cho mình, nếu như ta biết cách tiếp nhận chúng.
    Bà Jan Chozen Bays, một giáo thọ của dòng thiền Nhật bản, có chia sẻ về một món quà quý giá mà sự dừng lại trong cuộc sống vội vã này có thể dâng tặng cho chúng ta.
Một cơ hội trở về với chính mình
"Trong đời sống, mỗi khi chúng ta bị bắt buộc phải dừng lại và chờ đợi, ví dụ như khi bị kẹt xe trên đường, ta thường có khuynh hướng muốn làm một cái gì đó để lãng tránh cái cảm giác chờ đợi khó chịu ấy. Ta mở iPhone, gọi điện thoại, xem email, hay ngồi đó bực mình. Nhưng nếu như ta có một ý thức sáng tỏ về những giây phút chờ đợi ấy, chúng sẽ trở thành những cơ hội thực tập giúp mang lại sự tỉnh thức cho mình trong cuộc sống hằng ngày.