Monday, November 27, 2023

Cho dù chỉ một lần

cho dù chỉ một lần

Trong cuộc sống, tất cả mọi sự việc đều có một liên hệ mật thiết với nhau. Đức Phật có dùng một ví dụ để diễn tả sự tương quan này. 
    Khi nước trong đại dương theo thủy triều dâng lên, thì nước trong các con sông cũng sẽ dâng lên theo. Và khi nước sông dâng lên, nước trong các hồ lớn, kinh rạch cũng sẽ dâng lên. 
    Khi nước trong biển theo thủy triều hạ xuống, nước trong trăm con sông cũng sẽ hạ thấp theo, và nước trong hồ, kinh, rạch cũng thế. Khi một cái này khởi lên, sẽ khiến một cái kia có liên hệ với nó phát khởi lên theo.
    Bất cứ một sự kiện nào đang có mặt, chắc chắn cũng đang bị điều kiện bởi một cái khác. “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không.” Cái này như thế này là vì cái kia như thế kia. Vấn đề như thế kia, là bởi vì ta như thế này. Và nếu ta không như thế này nữa, thì có lẽ vấn đề cũng sẽ không còn như thế kia.
Ta cũng là yếu tố cho sự chuyển hóa
Đôi khi sự chuyển hóa chỉ cần một yếu tố thôi, đó là chính ta. Ta có thể thay đổi được tình trạng bởi vì ta cũng là nhân duyên, điều kiện cho tình trạng ấy có mặt. Và nếu như ta không tiếp tục đóng góp cho tình trạng ấy nữa thì sự việc cũng sẽ phải thay đổi thôi. 
    Ví dụ như một cây mọc lên tươi tốt thì cũng phải cần có đầy đủ mặt trời, nắng mưa, có mây, có phân bón, người trồng... nếu thiếu một trong những yếu tố đó thì cây khó có thể trở nên xanh tươi được. Trong khổ đau cũng vậy, nếu ta không làm điều kiện đóng góp cho sự có mặt của nó nữa, thiếu một nhân duyên thôi, tình trạng cũng có thể sẽ dần dà được thay đổi, phải không bạn?
   Cái thấy đó đưa ta đến một thái độ chấp nhận và bao dung. Chấp nhận không có nghĩa là làm ngơ trước những gì đang xảy ra, hoặc hy vọng rằng một ngày nào đó những khổ đau sẽ giản dị biến mất. Nhưng nó có nghĩa là thay vì lăng xăng để tìm cách giải quyết vấn đề theo ý riêng của mình, ta có thể trở về với tĩnh lặng để nhận thấy rõ được gốc rễ của nó, để không còn đóng góp thêm vào nữa.
    Bạn biết không, trên con đường tu học tôi nghĩ phương cách giải quyết không quan trọng bằng một cái thấy chân thật. Một cái thấy chân thật và một tâm tĩnh lặng giúp ta tự nhiên chỉnh sửa lại vấn đề, thay vì là tạo tác thêm. Và với một cái thấy ấy, bao dung và rộng mở, tuy không làm gì hết nhưng ta cũng đang làm được rất nhiều.
Cho dù chỉ một lần.
Cuộc sống là một chuỗi tiếp nối nhau, mà mỗi giây phút là một sự chuyển hóa. Trong giây phút này ta tiếp nhận những quả trái của quá khứ, chúng biểu hiện ra bằng những kinh nghiệm trong giờ phút hiện tại, và rồi trở thành hạt giống của tương lai.
    Khi tiếp xúc với một quả trái khổ đau nào đó, nếu như ta biết quay về với khả năng tỉnh giác và biết thương yêu của mình, ta có thể làm giảm bớt đi năng lượng của hạt giống xấu ấy, để nó khỏi tiếp tục đi vào tương lai. Và sự chuyển hóa ấy có thể bắt đầu ngay trong giờ phút này.
    Mà ta có một khả năng tỉnh giác và biết thương yêu ấy để quay về không bạn hả? Trong kinh dạy rằng, mặc dù trong quá khứ có thể ta đã có những hành động bất thiện, nhưng ta vẫn biết rằng sự trong sáng, tĩnh lặng mới chính là thực tánh của mình, chứ không phải là những tâm tham, sân. Và chỉ cần tiếp xúc được với nó một lần thôi, thì giây phút ấy của ta cũng là một giây phút tỉnh giác.
Trong kinh Phật Thuyết Như Vầy, Itivuttaka, có bài kệ
Nếu có người biểu lộ từ tâm,
Với một tâm trong sáng
Cho dù chỉ một lần!— đối với các hữu tình,
Vị ấy là bậc Thiện,
If one shows kindness
with a clear mind—
Even once!—for living creatures
By that one becomes wholesome.
(Itivuttaka 1.27)
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

3 comments:

Anonymous said...

Dạ cảm ơn thầy, bài viết rất lợi ích thiết thực. Con đã chia sẻ cho một số bạn, mong thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc này được truyền tải rộng.

Thinh Tran said...

Bài viết rất ý nghĩa, cám ơn và chúc anh luôn an lạc thân tâm

Thuong Duong said...

Sadhu