Monday, April 19, 2021

hành thiền đơn giản nhất

 hành thiền đơn giản nhất


Làm sao mọi việc có thể đang là hoàn hảo, nếu như nó quá là rối rắm và phức tạp?

    Câu hỏi ấy đi vào trọng tâm vấn đề của tình trạng chúng ta, còn được gọi là luân hồi (samsara.) Đó là một vòng tròn bất tận, một nỗ lực của ta, cố gắng sửa chữa những gì bị hư hỏng — trong ta, cuộc sống của ta, và thế giới chung quanh.

    Nhưng nếu như, không có gì thực sự là hư hỏng thì sao? Nếu như, vấn đề là không có gì là vấn đề cả, nhưng ta lại không biết điều ấy? Nếu như, chính những nỗ lực muốn giải quyết vấn đề của ta, lại chính là nguyên nhân tạo ra vấn đề?

    Không ai biết chiếc bẫy sập này nhốt chúng ta khi nào, nhưng làm sao để ta thoát ra được đây?

Thấy ra những gì đang thấy.

Chúng ta chỉ cần dừng lại thôi. Không cần làm gì hết, chỉ cần thấy ra những gì mình đang thấy. Đó cũng là Bốn Lãnh Vực Quán Niệm mà đức Phật dạy chúng ta. Dừng lại và không làm gì.

    Và đó cũng chính là những gì Đức Phật đã làm.

    Trước hết, đức Phật ngừng những tranh chấp thế gian, vì Ngài thấy rằng chúng không thể nào giải quyết được vấn đề của sanh, già, bệnh, và chết. Rồi Phật đi theo một con đường nỗ lực tâm linh trong thời gian dài, nhưng kết quả cũng không chuyển hoá được gì. Cuối cùng, Phật ngồi lại dưới một gốc cây, và từ bỏ hết mọi nỗ lực, tranh đấu. Ngài ngồi đó và không làm gì cả.

    Phật ngồi yên đó, không làm gì hết, và rồi sự giác ngộ tự hiển lộ ra trong sáng như một vì sao mai. Không còn bị dối lừa bởi những mong cầu thành đạt một điều gì, Phật nhận ra rằng, tất cả chúng sinh vốn dĩ đều đã giác ngộ, như mọi người đang là, và vũ trụ này cũng đang hoàn hảo, như chính nó là. Không có gì để sửa chữa hay giải quyết. Không có gì chúng ta cần phải làm.

    Điều này đơn giản — nhưng không dễ dàng.  Không làm gì, lại là việc khó làm nhất. Toàn sự sinh tồn của chúng ta được đặt trên nền tảng là phải làm cái gì đó. Ta nghĩ rằng, ta phải làm việc gì đó, để đảm bảo sự an lành của mình, để tiến bộ tâm linh, để hoàn thiện bản thân, để sinh tồn. Quan trọng hơn hết, ta sợ rằng nếu như không làm gì, ta sẽ khám phá ra rằng mình không hề tồn tại. Và thật ra, đó cũng là một cái thoáng nhìn về sự giác ngộ.

Không làm gì mà có hết tất cả.

Lẽ dĩ nhiên, không làm gì ở đây khác với việc ngồi lại, thư giản, buông xuôi và không làm gì cả. Nó có nghĩa là dừng lại trên tất cả mọi phương diện. Nó có nghĩa là không nỗ lực hay cố gắng. Nó có nghĩa là không triết lý hay biện luận về sự không cố gắng, cũng không đặt một mục tiêu không cố gắng.

    Tâm ta rất là tinh tế và khôn lanh. Ta phải biết ngồi xuống và từ bỏ hết, cũng như đức Phật đã làm vậy.

    Một khi chúng ta ngừng che đậy nó lại, dù chỉ trong giây lát, là ta có thể thoáng nhìn được nền tảng của thực tại — về chính bản thân ta, về mọi chúng sinh, về mọi hiện tượng.

    Trong đạo Phật, sự thấy biết này được gọi bằng nhiều tên — giác ngộ, phật tánh, tánh biết, đại viên mãn, tâm bình thường, hay chỉ đơn giản là “phật.” Một diễn đạt mà tôi thấy hữu ích nhất là “chân không, diệu hữu.” Nó có nghĩa là, trong một nền tảng thực tại rỗng không – không có một hiện tưởng sai lầm nào – lại có mặt đầy đủ hết tất cả những phẩm chất tốt đẹp: tuệ giác, an lạc, từ bi, tĩnh lặng, giác ngộ.

    Nói một cách khác, một khi chúng ta dừng lại những lăng xăng tạo tác của mình, tất cả đều đang là hoàn hảo.

— Melvin McLeod

Duy Nhiên dịch


free hit counter

No comments: