Thursday, September 1, 2022

làm cánh đồng thức dậy.

làm cánh đồng thức dậy.

Trong tạng kinh bằng tiếng Phạn, có một bài kinh tựa là KarmashatakaBách Nghiệp kinh, kể một câu truyện như sau.
    Một lần trong lúc đi khất thực, đức Phật có gặp một đứa bé Bà la môn. Cậu bé thấy có một gia chủ cúng dường, đặt một chiếc bánh ngọt laddu vào trong bình bát của Phật. Cậu ta rất thèm miếng bánh này và nhất định muốn xin lấy của Phật. Cậu hét to lên “Này ông Gautama! Đưa cho tôi miếng bánh đó!”
    Đức Phật đồng ý với một điều kiện: “Này cháu, nếu như cháu nói ‘Tôi không cần chiếc bánh đó’ thì Ta sẽ đưa cho cháu.” Cậu bé nghe vậy bèn lặp lại, “Này ông Gautama, tôi không cần chiếc bánh ấy.” Và đức Phật, đúng như lời hứa của mình, đặt miếng bánh vào tay của cậu bé.
    Các Thầy đi theo chứng kiến sự trao đổi này, thắc mắc hỏi Phật vì sao Ngài lại bắt đứa bé lặp lại là “Tôi không cần chiếc bánh ấy”, điều ấy có ích lợi gì? Phật giải thích rằng, vì trong nhiều kiếp quá khứ, đứa bé ấy đã sống chìm đắm trong những tham ái, lúc nào cũng muốn có thêm và thêm nữa.
    Vì vậy Phật đã dùng chiếc bánh ấy như là một phương tiện nhắc nhở, để giúp cho cậu bé biết dừng lại, gieo một hạt giống nhỏ, biết buông bỏ, vào trong tâm thức của nó.
Một nhân tố cho sự chuyển hoá.
Đức Phật nhắc nhở chúng ta rằng, những việc làm tuy đơn sơ, một hạt giống tuy nhỏ, nhưng cũng có thể là một nhân tố có năng lượng chuyển hoá rất lớn. Với một tâm từ, Phật giúp cho đứa bé có dịp dừng lại, và cắt ngang những phản ứng theo tham ái của mình. Và có thể rồi một ngày, nó sẽ thấy ra được một cơ hội giải thoát.
    Đức Phật không hề trách móc hay phê phán gì về việc làm của đứa bé ấy. Với một tình thương rộng lớn, Phật thấy rõ được bản chất của tham ái, nguyên nhân của khổ đau, và Ngài chỉ muốn giúp cho sự chuyển hoá của cậu ta.
    Những hạt giống tốt lành này, tuy nhỏ bé, nhưng khi chín mùi cũng có thể trở thành những quả trái thiện, giúp ta nhận ra được những phản ứng theo thói quen, tập quán, do nghiệp quả của mình, để có được một cuộc sống tốt lành hơn.
    Trong kinh, Phật cũng khuyên chúng ta đừng bao giờ khinh thường hay bỏ qua những việc nhỏ. Một vị Vương tử còn bé, tuy mới có 3, 4 tháng nhưng cũng có Vương tính của một Đức Vua. Một con rắn độc tuy nhỏ bằng chiếc đũa, nhưng nó có thể giết người trong chốt lát. Một đốm lửa hồng có thể làm thiêu rụi một khu rừng hay một thành phố lớn. Một nhà tu trẻ có thể đạt tới quả vị giác ngộ hoàn toàn, vì mọi người đều có Phật tánh bên trong.
Trong tâm lý học đời thường, thì một người chỉ cần bắt đầu bằng cách thay đổi những nhận thức và suy nghĩ của mình, và nó sẽ ảnh hưởng đến những thói quen và hành động của ta. Chúng ta đừng xem thường những việc làm nhỏ, tuy chúng đơn giản và tầm thường, nhưng cũng có năng lượng đổi thay cuộc sống rất lớn.
    Vì vậy, ta cũng chỉ cần tập rộng mở, tha thứ, thương yêu, bắt đầu bằng những việc nhỏ. Và không cần phải mong cầu một sự chuyển hoá nào hết. Chúng rồi cũng sẽ xảy ra tự nhiên thôi.
    Một cây sồi xanh to cao lớn chỉ bắt đầu từ một hạt dẻ. Một trái tim rộng mở, an vui, cũng được nuôi dưỡng và biểu hiện bằng những lời nói, việc làm bình thường của mình. Một cánh đồng ngập tràn ánh nắng, cũng làm bằng những cánh bướm nhỏ bé thôi…
A field of sunlight
butterflies only
fluttering in this field
of sunlight
              Basho
Con bướm bay
Làm cánh đồng thức dậy
Trời đầy nắng.
       Thái Bá Tân dịch
    Hãy thận trọng và trong sáng trong những việc làm nhỏ của mình, vì thật ra cuộc sống ta chỉ làm bằng những việc nhỏ bình thường ấy thôi.
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
free hit counter

No comments: