Một bài
học từ chiếc iPad
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại của thông tin mà bất cứ lúc nào ta cũng có thể “kết nối” được với thế giới chung quanh. Những công nghệ mới thúc đẩy chúng ta làm việc gì cũng muốn có kết quả tức thì, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa này, khi kỷ thuật truyền thông nơi đâu và lúc nào cũng có.
Và trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, ta tin rằng nếu như muốn giải quyết vấn đề cho có hiệu quả, hoặc học hỏi thêm những điều mới lạ, mình cần phải có nhiều thông tin. Chúng ta tin rằng, hễ càng nhiều thì càng tốt và càng nhanh thì lại càng có hiệu năng! Nhưng trong khi kết nối được với tất cả, ta lại có thể đánh mất đi sự kết nối lại với chính mình.
Ông Peter Bregman là một CEO của Bregman Partners, một công ty chuyên huấn luyện giới doanh nhân về nghệ thuật tổ chức, làm việc có hiệu năng và cách sống lãnh đạo. Ông Bregman là một người rất bận rộn và lúc nào cũng muốn làm sao cho công việc có hiệu quả hơn, thành tựu được nhiều hơn. Nhưng có lần ông khám phá ra rằng, hiệu năng và sự sáng tạo không nằm ở sự bận rộn, nhanh lẹ, hay hoàn tất được nhiều. Mà ngược lại, trong khi ta không làm gì hết, khi ta là một người “vô tích sự”, chỉ ngồi không và biết có mặt với những khoảng trống trong cuộc sống, mà ta lại khám phá ra được rất nhiều.
Vì sao iPad lại có thể là một vấn đề?
Ông Bregman có chia sẻ lại một kinh nghiệm của mình như sau.
“Chỉ
khoảng hơn một tuần sau khi mua chiếc máy tính bảng iPad, tôi mang ra tiệm trả lại. Vấn đề không phải ở chếc iPad, mà vấn đề là ở nơi tôi.
Tôi rất thích những kỷ thuật công nghệ mới. Chiếc iPad thì rất là đặc biệt so với những sản phẩm trước đó của Apple. Rất đẹp. Rất khéo léo. Rất tinh vi. Rất là biến hóa. Thế là vào 4 giờ chiều ngày chiếc iPad đầu tiên được bán ra, lần đầu tiên trong đời, tôi đứng sắp hàng 2 tiếng đồng hồ chờ đợi mua.
Tôi nhờ người ta cài đặt thiết lập chiếc iPad ngay tại tiệm, vì tôi muốn chắc rằng mình có thể sử dụng được nó ngay tức thì. Và tôi đã dùng nó luôn. Tôi mang nó theo khắp nơi. Nó nhỏ, mỏng và nhẹ, tại sao lại không mang theo chứ?
Nhưng cũng không mất bao lâu tôi đã đối diện được với cái khía cạnh đen tối của cái công cụ rất là hiệu quả này. Lý do là: nó quá tốt!
Nó quá dễ. Quá tiện lợi. Quá nhanh và quá bền. Lẽ dĩ nhiên là nó có những khuyết điểm, nhưng chẳng có gì là đáng kể. Phần lớn, nó có thể làm hết những gì mà tôi cần và muốn. Và cuối cùng thì đó lại chính là một vấn đề.
Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng muốn nằm trên giường xem một đoạn phim nào đó trên chiếc iPad trước khi ngủ. Nhưng điều ấy có nên chăng? Vì xem hết phần này rồi thì mình lại muốn xem thêm phần kế tiếp. Và sau hai giờ, tôi được tiêu khiển nhưng mệt, và thật ra tôi có được gì thêm hơn chăng? Hay tốt hơn là tôi được ngủ đủ bảy tiếng, thay vì là chỉ có năm tiếng thôi?
Cái thông minh và tiện lợi của máy tính bảng là nó là một máy điện toán mà ta có thể sử dụng ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Trên xe buýt. Trong khi đứng chờ thang máy. Trong xe trên đường ra phi trường. Giây phút rảnh nào của ta cũng có thể là một giây phút của iPad.
Thế thì tại sao đó lại là một vấn đề? Dường như tôi có thể làm việc rất tốt và hoàn tất được nhiều việc. Mỗi giây phút, tôi đều có thể sản xuất hay là tiêu dùng có hiệu quả.
Ta đánh mất một điều quan trọng
Nhưng có một cái gì đó bị đánh mất trong những sự bận rộn và có hiệu năng ấy. Đó là sự nhàm chán. Boredom.
Buồn chán là một điều rất quý cho ta, đó một trạng thái tâm rất cần thiết. Khi ta nhàm chán thì tâm ta sẽ đi tìm kiếm, khám phá những gì là mới lạ hơn và hay ho hơn. Và đó cũng là nơi mà sự sáng tạo phát khởi.
Chúng là những giây phút mà chúng ta, thường trong vô thức, sắp đặt lại tư tưởng của mình, hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, nối liền những điểm lại với nhau. Chúng là những giây phút mà ta nói với chính mình. Và ta lắng nghe.
Đánh mất đi những giây phút ấy, thay thế chúng bằng những công việc và hiệu năng, là một điều rất sai lầm. Mà còn tệ hơn thế nữa là không phải chúng ta đánh mất chúng, mà là tự cố ý vất bỏ chúng đi.
Người em trai tôi bảo rằng, “Đó đâu phải là vấn đề của iPad. Đó là vấn đề của anh. Mình đừng có sử dụng nó nhiều quá thôi.” Đúng vậy. Vấn đề là ở nơi tôi. Tôi không thể nào không dùng nếu như có nó ở đó. Và điều không may là nó lúc nào cũng có mặt ở đó.
Có thêm thời gian cho nhau
Nhưng nó dạy cho tôi một bài học về giá trị của sự ở không và nhàm chán. Và bây giờ tôi có ý thức nhiều hơn về sự quý giá của những giây phút dư thừa ấy, thời gian ở giữa những công việc, khi đi bộ và đi xe và đứng chờ, hãy để cho tâm mình thong dong.
Nhưng bây giờ thì chúng tôi có một nghi thức mới, và nó trở thành một phần ưa thích nhất trong ngày của tôi. Tôi đưa cháu đi ngủ khoảng 15 phút sớm hơn. Cháu bò lên giường, và thay vì bắt cháu im lặng nhắm mắt, thì tôi nằm xuống cạnh nó và chúng tôi nói chuyện. Nó kể cho tôi nghe chuyện xảy ra trong ngày hôm ấy, những gì làm nó lo lắng, những gì làm nó thắc mắc hoặc suy nghĩ. Tôi lắng nghe và hỏi thêm. Chúng tôi cười với nhau. Và tâm chúng tôi cứ thong dong…”
Nối
kết lại với chính mình
Bạn biết không, thật ra những thông tin chân thật và kỳ diệu nhất cho cuộc sống này, chúng đang có sẵn ở nơi ta. Nếu như ta biết kết nối lại với chính mình, thay vì là bận rộn tìm kiếm ở chung quanh qua một công cụ nào đó.
Nhiều khi những tuệ giác và câu trả lời mà ta tìm kiếm, chúng có mặt ngay ở những khoảng trống nhàm chán. Khi ta không làm gì hết và chỉ để cho lòng mình được tự nhiên và rộng mở.
Tuệ giác và một hạnh phúc chân thật không thể nào chuyển tải được qua đường internet hay wifi, mà phải bằng một kinh nghiệm trực tiếp với sự sống chung quanh. Chúng ta có thể học hỏi và khám phá được rất nhiều từ những gì đang có mặt trong thân tâm mình.
Và bạn biết không, nối kết lại với chính
mình, đó không phải chỉ là một tuệ giác, mà còn là một tình thương lớn đối với mình và cuộc sống chung quanh.
Nguyễn
Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment