bớt sự sợ hãi
Tôi thường kể cho người khác nghe rằng một trong những lý do tôi tu tập là vì “Tôi muốn được trở thành một người vô úy, hoàn toàn không còn sợ hãi nữa.” Mà sự thật là tôi muốn được như vậy. Nhưng tới từng tuổi này trong đời, tôi không còn chắc là mình có thể trở nên hoàn toàn vô úy được không. Bây giờ, được “bớt sợ hãi” thôi, là tôi cũng mừng lắm rồi!
Đừng theo một khuôn mẫu lý tưởng
Một câu chuyện trong nhà thiền mà tôi vẫn còn nhớ trong thời gian mới bắt đầu tu tập là về một vị sư hoàn toàn không biết sợ hãi. Vị sư ấy trụ trì tại một thiền viện ở Nhật vào thời kỳ mà những toán võ sĩ samsurai đi lang thang khắp vùng quê, khủng bố bất cứ ai trên bước đường của họ. Một hôm, nghe tin một nhóm võ sĩ đang sắp sửa tiến vào thành phố nơi thiền viện, tất cả tăng chúng cùng với dân làng đều sợ hãi bỏ trốn hết. Chỉ có vị sư trú trì là ở lại, ngồi yên trong tư thế thiền định nơi thiền đường.
Tên chủ tướng của toán samsurai, nổi giận vì danh tiếng của hắn không đủ để làm vị sư trú trì khiếp đảm trốn chạy. Hắn tung cửa bước vào thiền đường vung lưỡi gươm sáng chói chỉ ngay trước mặt vị sư thách thức: “Ngươi không biết ta chăng,” vị chủ tướng nói, “ta là người có thể đâm lưỡi gươm này xuyên qua thân nhà ngươi, mà không hề chớp mắt.” Vị sư trú trì ngước nhìn ông ta và điềm tĩnh trả lời, “Và thưa ngài, tôi là người có thể để ngài đâm lưỡi gươm ấy xuyên qua người bất cứ lúc nào, mà không hề chớp mắt.”
Tôi nghĩ những vị thầy của tôi kể cho nghe câu truyện ấy vì họ nghĩ nó sẽ khơi dậy một sự phấn khởi trong lòng chúng tôi. Nhưng thật ra tôi cảm thấy mình bị mất niềm tin hơn là được hứng khởi. Vì tôi biết mình còn cách xa mẫu người lý tưởng ấy vời vợi, và cũng không tin là mình sẽ bao giờ có thể đạt được một thái độ hoàn toàn vô úy như vậy.
Sợ hãi là phản ứng tự nhiên
Một trong những điều làm tôi khiếp sợ nhất trong tuổi thơ là sợ rằng mẹ tôi sẽ mất. Mẹ tôi bị chứng bệnh sưng tim khiến mỗi đêm bà không thể nào nằm xuống ngủ yên được. Phổi của bà sẽ bị đầy nước, và bà phải bật ngồi dậy ho sù sụ, cố gắng để thở. Tôi nằm trong giường ở phòng cạnh bên lắng nghe tiếng ho của mẹ tôi. Tiếng ho sù sụ trong đêm là một âm thanh kinh hoàng nhất trong tuổi thơ của tôi. Tiếng ho đêm cho đến ngày nay vẫn còn là một nhược điểm trong hệ thần kinh của tôi. Có “một cái gì đó” trong tôi cảm thấy rất bất an mỗi khi nghe tiếng ho đêm.
Bốn đứa con tôi giờ đã trưởng thành. Thuở bé chúng cũng đã có đầy đủ những chứng bệnh của tuổi nhỏ. Chúng bị đậu mùa, bị lên sởi, và quai bị. Chúng bị té. Chúng bị những vết thương cần phải được khâu lại. Chúng bị gãy tay, chân cần phải chống nạng. Chúng bị mổ hạch ở cổ, trong thời mà y khoa vẫn còn làm điều ấy. Và tôi đã trải qua hết những chuyện ấy mà không sao cả. Nhưng mỗi khi chúng ho vào ban đêm, tôi lại đâm ra hoảng sợ. Bao giờ việc ấy cũng làm cho tôi rất khó chịu. Tôi cứ phải tự nhủ “Nó chỉ bị cảm cúm xoàng thôi!” Thật ra thì sự kiện tóc tai tôi dựng đứng và cảm thấy hoang mang chỉ là một phản ứng tự nhiên mà thôi. Tôi nghĩ mỗi người chúng ta đều có những nỗi sợ riêng khác nhau những khi nghe tiếng ho sù sụ trong đêm khuya.
Nỗi sợ tự nó không phải là vấn đề
Chúng ta có thể chấp nhận nỗi sợ của mình và tập sống với nó. Nếu tôi cảm thấy bất an về những việc vô hại như là tiếng ho của một cơn cảm cúm, tôi vẫn có thể tự nhủ “Đây chỉ là kết quả của những gì mà tôi đã bị điều kiện trước đây.” Những ý tưởng ấy giúp tôi khỏi phải có những hành động vô ích và không cần thiết.
Mới đây có người giải thích cho tôi biết về hệ thống báo động. Nó được bố trí để phát hiện và báo hiệu mỗi khi có một sự di động nào xảy ra trong vùng mà con mắt điện tử kiểm soát. Tôi nghĩ con người chúng ta cũng tương tự như thế. Chúng ta là những chiếc máy báo động biết đi. Những chiếc ăng-ten của ta được bố trí để thu nhận những dấu hiệu nào được xem là một đe dọa cho mình. Khi mọi sự chung quanh suôn sẻ, chúng ta sẽ để cho chúng trôi qua như những bối cảnh của tri giác. Nhưng mỗi người chúng ta sẽ bị kích động để sẵn sàng phản ứng ngay, khi có một sự kiện gì đó mà ta ghi nhận là đe dọa xảy ra. Trong mỗi người chúng ta đều có những nút báo động.
Biết cởi mở và lắng nghe nhau hơn
Và một khi ta hiểu được lý do vì sao người khác có những nỗi sợ hãi kỳ quặc như vậy, ta sẽ cảm thấy thương hại hơn là giận ghét. Thay vì nghĩ “Thật chán vô cùng, tôi phải bị kẹt với người này suốt cuộc đời,” ta lại có thể cảm nhận rằng: “Thật tội nghiệp, người mà tôi thương lại có những nỗi sợ như vậy. Chắc người ấy phải chịu nhiều khổ đau lắm khi mang vác trong tâm những nỗi lo âu ấy.”
Nếu bạn vẫn còn sợ hãi, điều ấy không có gì là xấu hổ hết. Chúng ta có thể làm một người lớn và vẫn còn có những nỗi sợ. Chúng ta chia sẻ những nỗi sợ sâu kín của mình với những người thân thiết nhất – thường thì đó là một vị thầy, một nhà tâm lý trị liệu. Nếu chúng ta thật sự may mắn, người ấy cũng chính là người bạn đời của ta. Những nỗi sợ hãi khi được nói to lên sẽ không bao giờ còn đáng sợ như khi ta giấu kín nó.
Tôi lớn tuổi đủ để tự chính tai mình được nghe tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt nói câu bất hủ: “Chúng ta không có gì để sợ, trừ chính nỗi sợ ấy.” Tôi nghĩ ông nói đúng.
Trich trong “Đơn giản hơn ta nghĩ” – Sylvia Boorstein
Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment