Bạn có đổi ý về sự tu tập?
Một tờ báo Phật học Hoa kỳ có nêu câu hỏi này đến với một số vị thầy dạy thiền, cũng như những hành giả có kinh nghiệm tu học về đạo Phật: Có điều nào trong đạo Phật mà ngày nay bạn đã thay đổi ý nghĩ của mình về nó không, và tại sao? What in Buddhism have you changed your mind about, and why? Xin chia sẻ một số những câu trả lời của các vị ấy.
--- oOo ---
Ông Jack Kornfield là một vị giáo thọ và cũng là sáng lập viên của trung tâm thiền tập Spirit Rock Meditation Center.

Và một vấn đề nữa là tôi vẫn thường nghĩ rằng chúng ta chỉ cần ngồi thiền là đủ. Chỉ cần ngồi thiền thôi ta sẽ có thể thay đổi hết tất cả mọi việc trong cuộc đời mình một cách trọn vẹn và tốt đẹp. Có thể đối với một số nhỏ thì là như vậy, nhưng nói chung thì việc ấy không hề xảy ra. Đối với đa số chúng ta, thiền tập chỉ là một phần của vòng tròn mạn-đà-la giác ngộ, mà trong đó còn bao gồm cả một ý thức về mình, về những mối tương quan của ta với người chung quanh, về chánh ngữ, cũng như một lối sống chân chánh.
Tôi cũng thường nghĩ rằng sự tu tập thiền quán sâu sắc và hiệu quả chỉ có thể xảy ra ở các thiền viện bên Á châu, hơn là ở Hoa kỳ. Muốn thực tập một cách chân chánh và tận gốc, ta phải đi sang Thái lan, Miến điện hoặc là Ấn độ hay Tây tạng. Đa số những người như chúng tôi, đã có dịp tu tập ở Á châu, vẫn thường nghĩ vậy, và có lẽ một số người vẫn còn nghĩ như thế. Bây giờ, khi trở lại Á châu, tôi nhận thấy ở những nơi ấy, Thái lan, Miến điện hoặc là Ấn độ hay Tây tạng, họ có một sự thực tập rất sâu sắc. Và sự thực tập sâu sắc ấy cũng đang có mặt ngay ở nơi đây. Tôi tự nghĩ "Thì ra đó cũng chỉ là một ảo tưởng mình đã có mà thôi!"
Ông John Tarrant là người hướng dẫn Pacific Zen Institute, chú trọng về thiền công án và nghệ thuật. Ông cũng là tác giả của những quyển sách về thiền công án.
Tôi nghĩ đó là một câu hỏi rất hay. Câu trả lời chính xác nhất mà tôi có thể có là tôi không có một cái tâm, a mind, hay một ý nghĩ nào, để thay đổi hết. Tôi đã thay đổi ý nghĩ của mình về vấn đề là chúng ta có một ý nghĩ.
Ông Surya Das là một vị lạt ma Hoa kỳ tu theo truyền thống Phật giáo Tây tạng. Ông cũng là tác giả của nhiều quyển sách về đạo Phật bán rất chạy trên khắp thế giới.
Một điều mà tôi đã đổi ý là về quan niệm cho rằng ngồi thiền tốt cho tất cả mọi người, hay nó là một điều chính yếu trong Phật Pháp, Buddha Dharma. Kinh nghiệm của tôi thì thiền tập rất là hữu ích, an lạc và vô cùng sâu sắc - nhưng tại sao chúng ta lại không tu tập một chân Pháp (true Dharma)? Tôi tin rằng pháp môn "chỉ có ngồi thiền" không thể nào hoàn toàn đầy đủ cho một cuộc sống tâm linh, với những liên kết mật thiết trong thế giới ngày nay. Theo tôi nghĩ muốn có một cuộc sống tâm linh trọn vẹn, chúng ta nên chú ý đến vấn đề làm sao để khơi dậy được bồ đề tâm của mình. Thiền tập có thể dễ bị sử dụng như là một sự trốn tránh, khi ta có thể lánh xa được những sự suy nghĩ, hoàn cảnh khó khăn và những trách nhiệm của mình - ít nhất là cũng tạm thời.
Trong những năm qua tôi có một ghi nhận này, là nếu như một người nào đó quay vào bên trong nhiều quá, chỉ hướng theo một chiều duy nhất, họ có thể sẽ trở nên cố chấp và cứng nhắc, bớt đi sự dễ thương, lành mạnh và trong sáng của mình. Thiền tập nếu không có sự quân bình của tuệ giác và tâm từ, kèm theo với một cái nhìn rộng mở, nó sẽ trở nên khô khan, cách biệt và xa lạ. Bây giờ tôi nghĩ, con đường tu tập giác ngộ của đạo Phật phải được thể hiện qua thiền tập trong mỗi hành động và sự sống, làm sao để mang năng lượng tỉnh thức vào mọi sinh hoạt, trong mỗi giây, mỗi phút.
Ông Patrick McMahon thiền tập theo truyền thống Zen, ông là tác giả của nhiều bài viết trên các tạp chí Phật Học.
Và bây giờ anh ngồi đây với tôi, vẫn còn đó – hay dường như là vậy. Tôi nhận ra anh ngồi nơi một góc ở cuối thiền đường, gương mặt cằn cỗi nhưng vẫn là anh, thân người cao lớn, dựa vào tường, dường như đang ngủ gục. Sau buổi lễ tôi bước đến và tự giới thiệu với anh. Tôi nghĩ anh không nhận ra tôi, nhưng sau một hồi anh dường như nhớ lại và tỉnh hẳn lên. Tôi phải gắng nghe anh, giọng anh có vẽ như nói nhịu, miệng không còn một chiếc răng nào hết. Thiền đường lúc ấy cũng đã thưa người. Tôi đở anh đứng dậy, và nhìn anh lom khom đi chậm đến bàn thờ thắp một nén hương. Còn bao lâu nữa tôi sẽ đốt một nén hương cho anh? Và rồi bao lâu nữa sẽ có người thắp cho tôi một nén hương?
Bốn mươi năm trước tôi không bao giờ tự hỏi hay là có những ý nghĩ đó, mặc dù đức Phật lúc nào cũng nhắc nhở về “thời gian qua mau,” mặc dù biết câu truyện về thái tử Sĩ Đạt Ta xuất gia đi tầm đạo sau khi tiếp xúc với người già, người bệnh và một xác chết. Khi còn là một vị tu sĩ trẻ, tôi quan tâm đến thời ngồi thiền sắp tới của mình hơn, hoặc là khi nào đi tham dự khóa tu kế tiếp, hay là làm sao để được người khác chú ý. Trong những năm tháng tu tập khi còn trẻ ấy, sự giác ngộ đối với tôi có nghĩa là “không bệnh, không lão, cũng không tử” của bài Bát Nhã Tâm kinh mà chúng tôi tụng mỗi ngày trong chánh điện.
Nhưng bây giờ, nhìn khói hương bay tỏa trong thiền đường, tôi đột nhiên ý thức được có một điều đang dần dà trở thành sự thật: là tất cả chúng ta, những huynh đệ tỷ muội của tôi, cũng chính là cái bệnh, cái già và rồi sẽ là cái chết. Rằng tất cả những gì đang trôi nhanh qua ta có thể nắm bắt được ngay trong giây phút này, nhưng lẽ dĩ nhiên nó cần sự thay đổi cái nhìn đúng lúc của mình, ta mới có thể thấy được.
Anne Cushman là người điều hành chương trình huấn luyện Mindfulness Yoga tại trung tâm Spirit Rock Meditation Center. Cô cũng là tác giả của quyển Giác Ngộ Cho Những người khờ, Enlightenment for Idiots.

Khi xưa, thiền tập cũng chỉ là một việc cần phải làm trong bản danh sách của "Tôi", như là hoàn hảo một thế yoga, hay xếp quần áo ngay ngắn vào ngăn tủ vậy. Nhưng rồi cuối cùng tôi hiểu rằng, cái "Tôi" giới hạn và nhỏ bé đó hoàn toàn không thích đáng cho tiến trình thiền tập. Bây giờ thì sự thực tập của tôi là tháo gở ra, hơn là buộc thêm vào. Nó là làm sao để có thể nới lỏng và buông thả sự kìm kẹp của cái "Tôi" ấy trong tâm, để ta có thể tiếp xúc được với một thực tại rộng mở lúc nào cũng có mặt, cho dù "Tôi" đang làm bất cứ một công việc gì.
Ông Michael Wenger là một thầy giáo thọ ở trung tâm San Francisco Zen Center.
Câu hỏi này nhắc nhở tôi một điều, là tôi không cần quan tâm nhiều đến những quan niệm cũ hay những gì mình đã suy nghĩ. Vấn đề là bây giờ tôi có thể biểu hiện được con tim biết thương yêu của mình ra không, và khuyến khích được người khác cùng làm như thế chăng?
Ông Wes Nisker là một giáo thọ, một tác giả. Ông cũng là sáng lập viên và chủ biên của tờ báo Phật giáo Inquiring Mind.
Khi xưa tôi nghĩ đạo Phật có thể giúp tôi thoát được khổ đau. Đó là trước khi tôi bắt đầu già đi và khôn ngoan hơn. Và không phải tuệ giác này đã làm tôi đổi ý về vấn đề chấm dứt khổ đau, mà thật ra là do cái già của chính mình. Vâng, tôi biết là không có ai già đi hết, cũng không có một cái tôi nào riêng rẽ cả, tất cả chỉ là những hiện tượng trống rỗng trôi lăn mà thôi. Nhưng khốn thật! Bây giờ thì tai tôi không nghe rõ như xưa, mắt tôi thì mờ, và những khớp xương giờ cũng cứng đơ, những bộ phận trong cơ thể tôi cố gắng làm công việc của nó, và trí nhớ của mình thì cứ lặp đi lặp lại như câu thần chú hai chữ “Quên rồi!”
Nhưng xin bạn cũng đừng hiểu lầm tôi! Tôi cảm thấy vô cùng may mắn có được giáo Pháp ngay cạnh bên khi sống qua giai đoạn này. Và tôi thường tập trở về nương tựa với giây phút hiện tại nhiệm mầu và trong sự ấm áp của tâm từ. Nhưng tôi vẫn đang sống trong một túi da thịt xương đang tiêu hoại, và có nhiều lúc, ít nhất là một lần mỗi ngày, tôi nguyền rủa cái hiện thân này, với những đau đớn và nhức nhối của nó, cũng như cái số phận trước mắt mà không ai tránh khỏi.
Không, giáo pháp này đã không giúp tôi chấm dứt được khổ đau. Nhưng tôi hứa là lần tới tôi sẽ cố gắng và tinh tấn nhiều hơn.
Bà Sylvia Boorstein là một trong những vị thầy sáng lập trung tâm Spirit Rock Meditation Center tại thành phố Marin County, California. Bà cũng là tác giả của nhiều quyền sách thiền tập về Vipassana.

Và ngày nay, sau nhiều năm tháng thực tập, tôi biết rằng tâm mình có được thêm nhiều khả năng tiếp nhận hơn. Nó chuyển hóa những khó khăn, bức xúc trong tâm dễ dàng hơn khi xưa. Tôi vẫn còn sợ hãi hay nổi giận hay ganh tỵ hay bất cứ một phản ứng tự nhiên nhất thời nào đó khi có việc xảy ra. Tánh của tôi thì rất dễ phản ứng, mà lại còn có khuynh hướng làm lớn chuyện nữa. Nhưng bây giờ thì tôi có ý thức và biết được việc gì đang xảy ra, và thường thường thì tôi dừng lại và phục hồi. Khả năng đối phó với những vấn đề khó khăn, trong tôi và chung quanh tôi, với một tình thương và tâm từ, bây giờ cũng được lớn mạnh hơn.
Tôi cũng biết có những giáo lý liên quan đến đạo Phật mình tiếp nhận được trên con đường tu tập, mà tôi nghĩ "Tôi không thật sự tin như vậy," nhưng việc ấy không hề làm cho tôi phải lo nghĩ. Nó không là vấn đề. Tôi chỉ muốn làm sao để sự tu tập của mình có hiệu quả. Tôi muốn chuyển hóa tâm sợ hãi của mình thành một tâm tuệ giác và an lạc, và tôi tin việc ấy sẽ xảy ra. Đó mới là điều đã và đang rất quan trọng đối với tôi.
Ông Will Stewart là một hành giả đã hành thiền theo truyền thống Zen hơn 30 năm.
Tôi không hề thay đổi ý nghĩ của mình về đạo Phật, nhưng tôi có thay đổi ý nghĩ về mình là ai.
Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment