Monday, August 28, 2023

Nhờ ở sự bất toàn

Nhờ ở sự bất toàn

Kinh Tạp A HàmSamyuktagama, có nói về bốn loại ngựa: loại ngựa xuất sắc, loại ngựa giỏi, loại ngựa trung bình và loại ngựa dở.
    Loại ngựa thứ nhất có thể chạy nhanh hay chậm, sang trái hay phải, tùy theo ý muốn của người chủ, trước khi nó thấy bóng dáng của ngọn roi. Loại ngựa thứ hai cũng chạy giỏi như loại ngựa thứ nhất, nhưng trước khi ngọn roi chạm vào da của nó.  Loại thứ ba chỉ vâng lời khi cảm thấy cái đau của ngọn roi trên thân.  Còn loại thứ tư chỉ nhúc nhích khi cái đau đã thấm vào đến xương tủy.  Bạn có thể tưởng tượng được sự học hỏi của loại ngựa thứ tư ấy là gian truân đến chừng nào!

Hay dở không phải là vấn đề
Khi nghe câu chuyện trên, có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mình là những con ngựa xuất sắc.  Nếu không thì tệ lắm cũng phải là những con ngựa hạng nhì.  Tôi nghĩ đa số ai khi nghe câu chuyện trong kinh cũng đều hiểu như vậy.  Và chúng ta nghĩ, trong khi tu tập cũng thế, mình sẽ biết mình thuộc vào hạng ngựa nào. Nhưng thật ra, đó là một sự hiểu lầm đáng tiếc!
    Nếu bạn nghĩ rằng mục đích của tu tập là để huấn luyện bạn trở thành một con ngựa xuất sắc, thì sự tu tập của bạn sẽ có một trở ngại khá lớn.  Đó không phải là chánh kiến. Nếu bạn tu học cho đúng thì vấn đề ta có là một con ngựa xuất sắc hay là một con ngựa dở, chuyện đó hoàn toàn không quan trọng.  Bạn thử nghĩ về lòng từ bi của đức Phật đi!  Bạn nghĩ trong bốn hạng ngựa đó đức Phật sẽ thương loại ngựa nào nhất?  Lẽ dĩ nhiên ngài sẽ thương xót loại ngựa dở hơn loại ngựa xuất sắc chứ!
Toàn vẹn nhờ thấy được sự bất toàn
Trên con đường tu học đôi khi những con ngựa dở mới lại là hạng đáng quý nhất! Chính trong sự bất toàn của mình mà ta tìm được nền tảng cho một bản tâm vững vàng, biết mở rộng ra để học hỏi.  Còn những người ngồi thiền mà bề ngoài trông có vẻ như an tĩnh, lại đôi khi mất nhiều thì gian mới có thể thấy được chân tâm, cốt tủy của thiền. Những ai đã từng gặp nhiều khó khăn trên đường tu tập sẽ tìm thấy trong khổ đau có nhiều ý nghĩa.  Vì vậy tôi cho rằng, đôi khi những con ngựa xuất sắc lại trở thành hạng dở, và những con ngựa dở đôi khi mới lại là hạng xuất sắc.
    Khi nhìn lại những việc đã làm trong quá khứ, chúng ta thường hay tự phê phán và hổ thẹn với chính mình.  Tôi có một người học trò, anh ta viết cho tôi một lá thư, trong đó kể, “Thầy có gởi cho con một quyển lịch, và con cố gắng thực hành theo đúng những câu châm ngôn ghi trên ấy.  Năm chưa bắt đầu mà con đã phạm đủ hết mọi lỗi lầm hết rồi!”
    Thiền sư Đạo Nguyên thường nói, “Shoshaku jushaku.”  Chữ Shaku thường có nghĩa là “lỗi” hay “sai lầm.” Shoshaku jushaku có nghĩa là “sau lỗi này làm lỗi khác,” hay là cứ tiếp tục làm lỗi. Theo ngài Đạo Nguyên thì, việc tiếp tục lầm lỗi của một người cũng có thể là thiền. Cuộc đời của một vị thiền sư cũng có thể nói rằng là kết quả của năm tháng shoshaku jushaku.  Nó có nghĩa là nhiều năm biết quan sát, ý thức và tự chỉnh sửa không ngừng nghỉ.
Không ở một nơi nào khác
Sau một thời gian tu tập bạn sẽ hiểu rằng, chúng ta không thể nào tiến bộ nhanh chóng, phi thường được hết. Cho dầu có gắng sức đến đâu, hành trình của bạn cũng vẫn phải là từng bước một.  Tu tập không phải như là đi tắm mà bạn biết rằng mình sẽ bị ướt người.  Nó cũng như là đi trong sương, khi bạn không biết là người bị ướt, nhưng sau một hồi quần áo sẽ bị thấm sương, từng chút, từng chút một. Nếu bạn có một tâm cầu tiến, bạn sẽ tự nhủ, “Ôi, như vầy thì chậm quá đi mất!” Nhưng sự thật thì không như bạn nghĩ đâu. Cái ướt của sương tuy chầm chậm nhưng sẽ lâu khô hơn.
    Vì vậy ta đừng nên quan tâm về vấn đề mau hay chậm.  Cũng như khi bạn học một thứ ngôn ngữ mới, chuyện ấy không phải một sớm một chiều mà được, nhưng bằng một sự kiên nhẫn dài.  Thật ra, chúng ta chỉ có thể tiến một cách từ tốn, hay là sẽ không tiến được một chút nào hết.  Hãy tự thành thật với chính mình và sống trọn vẹn trong mỗi giây phút, bấy nhiêu đó là đủ lắm rồi.  Niết bàn đâu có nằm bên ngoài sự tu tập của ta trong lúc này!
Suzuki Roshi.
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên dịch
free hit counter

1 comment:

Do Minh Duc said...

Cảm ơn bài viết sâu sắc của anh Nhiên. Em không rõ cuốn sách do anh dịch (“Thiền tâm, Sơ tâm. Suzuki Roshi”) có được bán ở Việt Nam hay không?