Monday, February 22, 2021

cái biết và cái chấp

cái biết và cái chấp

Có lẽ chúng ta ai cũng đều biết câu truyện người mù sờ voi.  Một hôm có một vị vua ra lệnh cho người hầu mang một số những người bị mù từ thuở bé tụ họp lại ở một nơi.  Sau đó vua cho sai đem một con voi đến để cho các người mù nhận diện. 
    Người mù thứ nhất được sờ đầu của con voi, người mù thứ hai được sờ lỗ tai con voi, và rồi những người mù khác tuần tự được sờ vòi của voi, thân, ngà, chân và đuôi của nó. 
    Sau đó vì vua hỏi, “Này các ông, các ông hãy nói cho ta nghe, con voi giống như thế nào?” Và mỗi người mù trả lời theo kinh nghiệm của chính mình: con voi giống như là một bình tưới nước, một cái đòn xóc, như một cây quạt, một cái thúng sàng thóc to, một cây cột, một cây chổi.
    Chắc bạn cũng đã được nghe câu truyện ấy nhiều lần rồi, nhưng có lẽ ít ai biết rằng câu truyện ấy được ghi chép trong Trường Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh.
Ý nghĩa của câu truyện
Và theo bạn nghĩ, câu truyện người mù sờ voi ấy muốn dạy ta điều gì?  Phải chăng ý muốn nói rằng bất cứ một vấn đề nào cũng có nhiều khía cạnh khác nhau, mà cái biết của chúng ta thì chỉ giới hạn trong một kinh nghiệm rất cá nhân của mình? Hay là, cái thấy hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiếp xúc và kinh nghiệm của mỗi người?
    Nhưng theo tôi nghĩ thì nó sâu xa hơn thế. Trong kinh kể tiếp là những người mù ấy bắt đầu tranh cãi với nhau về sự thật của con voi là như thế nào, “Con voi giống như cây quạt, chứ không thể giống như cây chổi được!”, “Nó là như thế này chứ không phải là như thế kia!”  Và sau một hồi tranh cãi, cuối cùng những người mù ấy nổi giận, lao vào và đấm đá lẫn nhau.
    Có lẽ câu truyện ấy không phải chỉ đơn giản nói rằng mỗi chúng ta ai cũng có một ý kiến, nhận thức khác nhau về một việc gì đó.  Thật ra đó cũng là chuyện bình thường thôi, vì mỗi chúng ta cũng chỉ có thể biết được qua kinh nghiệm của chính mình, và nó thì rất là giới hạn.  Và vì thế, nếu như chúng ta có sự tranh luận với nhau, thì cũng là chuyện dĩ nhiên.
    Nhưng có lẽ bài kinh ấy muốn nhắc nhở rằng, vấn đề bắt đầu phát khởi khi chúng ta cho rằng chỉ có cái thấy của mình mới là đúng và là duy nhất.  Và cái chấp ấy dẫn đến sự “đâm chém lẫn nhau bằng binh khí của miệng lưỡi” như theo lời diễn tả trong kinh.
Vấn đề không phải do cái thấy mà là cái chấp
Và vì vậy, tôi nghĩ gốc rễ của vấn đề không phải là do cái thấy của chúng ta có giới hạn, nhưng là vì chúng ta đã nắm bắt và cố chấp vào nó như thế nào.
    Chúng ta ít có thể nào có một cái thấy, cái nhìn giống y như nhau.  Mà thật ra trong cuộc sống đầy biến đổi này thì cũng đâu có một sự thật nào là sẽ đúng hết cho mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp đâu, phải không bạn?  Chúng ta sẽ có những ý kiến khác nhau, và đó cũng là chuyện tự nhiên thôi. Nhưng ta cần nhớ đừng nên cho rằng sự thật chỉ có thể là như cái thấy của mình!
    Tôi nhớ trong kinh, có lần Phật cũng đề cập đến vấn đề này.  Phật bảo rằng những cái biết của những người khác không hẳn là sai lầm. Phật cũng thấy được những quan điểm khác nhau ấy, nhưng điều khác biệt là Ngài không bị mắc kẹt vào đó. Trong kinh Phạm Võng, Phật có nói “Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy… Tuy biết nhưng không bị chấp trước. …Do không bị chấp trước nên được gọi là Như Lai.
    Phật thấy được hết tất cả những quan điểm và cái nhìn khác nhau, và chúng tuy không hoàn toàn sai trật, nhưng điều khác biệt với những người khác là Phật không bị kẹt và chấp trước vào một quan điểm nào hết.
Bao dung và rộng mở

Tôi nghĩ, câu truyện người mù sờ voi không phải chỉ đơn giản nói rằng, bất cứ một việc gì cũng đều có nhiều phương diện khác nhau, nhưng còn muốn nhắc nhở ta rằng chính vì sự nắm bắt và cố chấp của ta mà đã tạo nên đủ mọi thứ khổ đau cho nhau. 
    Vì vậy, chúng ta hãy cứ cùng chia sẻ với nhau những cái thấy và kinh nghiệm của mình về một vấn đề nào đó, nhưng nhớ đừng bao giờ cho đó là Tôi, hoặc của Tôi, và rồi ta thấy rằng mình cần phải bảo vệ nó bằng mọi cách.
    Có một câu truyện kể rằng, có lần Ma vương và Phật hóa thân ra hai người thường và cùng đi dạo với nhau trên đường.  Cả hai thấy có một người đang đi phía trước.  Anh ta đang đi bổng dừng lại và nhìn thấy một vật gì đó sáng lóng lánh dưới đất, anh cúi xuống nhặt vật ấy lên xem, lộ vẽ vui mừng và cất vào túi áo của mình.  Phật quay sang hỏi Ma Vương, “Ông biết người ấy nhặt được cái gì đó không?”  Ma Vương đáp, “Biết chứ, anh ta nhặt được một mảnh của chân lý.”  Phật hỏi tiếp, “Thế ông không sợ là anh ta sẽ biết được chân lý sao?”  “Tôi không sợ đâu Ngài, vì tôi biết rằng anh ta sẽ giữ gìn mảnh chân lý nhỏ bé ấy và cho đó là toàn thể chân lý!”
    Con đường của Phật là để chuyển hóa khổ đau, và chính sự chấp trước của ta là nguyên nhân chánh của khổ đau.  Tôi nghĩ, mục đích của sự tu học là để giúp ta bớt đi những cái chấp ấy, có được một thái độ rộng mở và bao dung hơn.  Nó giúp ta có được một cái thấy, cái nhìn rộng lớn hơn đối với cuộc sống này. 
    Và nếu như mình chưa có một cái thấy chân chánh và rộng mở, thì hạnh phúc nào đó mà ta đang có, cũng khó có thể là một hạnh phúc chân thật, phải không bạn?
Duy Nhiên
Trích trong "Trên Núi Chớ Tìm Non"

free hit counter

1 comment:

Tuan Pham said...

Đọc bài của anh, lại nhớ những lời của thầy A-Chaan-chah :

...Về mặt tu hành, để hữu ích và thiết thực, chúng ta có thể nói nôm na
rằng: điều đúng là điều không làm hại mình và không làm hại người; và điều sai là điều ngược lại. Cách nghĩ này là của đạo Phật và nó sẽ giúp thỏa mãn mục đích tu tâm tích cực của chúng ta. Vậy, cuối cùng, tất cả những luật lệ và quy ước và sự giải thoát chỉ đơn giản là những pháp. Cái này hơn cái kia, nhưng chúng đi chung với nhau. Không có gì chúng ta có thể bảo đảm cái gì là nhất định như vầy, và cái kia là nhất định như kia; do vậy Phật dạy rằng cứ để yên mọi sự. Cứ coi chúng là không chắn chắn, tất cả đều vô thường. Cứ vậy, dù bạn có thích hay ghét chúng bao nhiêu, hãy luôn nhớ rằng chúng là không chắn chắn, vô thường. Dù bất cứ ở đâu và khi nào, toàn bộ việc tu hành Giáo Pháp của đạo Phật là để đi đến nơi kết cuộc là nơi không có gì. Đó là nơi của sự từ bỏ, nơi của sự trống không, nơi đã đặt xuống mọi gánh nặng. Đây là đích đến của việc tu hành theo đạo Phật. Chứ việc tu hành không phải để ngồi đó tranh cãi về đúng và sai: ví dụ như câu chuyện các nhà sư ngồi cãi với nhau ''Tại sao phướn bay? Tôi chắc là do gió thổi''. Người thì nói là do phướn động, người thì nói là do gió động. Để cho vị sư phụ phải nói là do tâm mấy người cãi động. Chẳng bao giờ kết thúc chuyện tranh biện đúng sai. Cũng giống như chuyện cãi ''Con gà có trước hay trứng có trước?'', làm sao chúng ta biết chắc được mà ai cũng đi cãi qua cãi lại. Chẳng có cách nào đi đến một kết luận cho mọi người khác nhau: Đó chỉ là tự nhiên. Tất cả những điều chúng ta đang nói cũng là những quy ước. Nếu bạn hiểu được những điều này bằng trí tuệ, bạn sẽ biết về lẽ thật vô thường, khổ và vô ngã. Đây chính là tầm nhìn để dẫn đến sự giác ngộ. Quý vị biết đó, huấn luyện và chỉ dạy nhiều người với nhiều trình độ hiểu biết khác nhau thì thực sự khó. Một số
người có sẵn những ý tưởng trong đầu, nên khi mình nói họ điều gì, họ không chịu tin. Mình nói sự thật cho họ, họ nói đó không phải thật. Họ cứ nói họ đúng, mình sai. Cứ như vậy không bao giờ kết thúc. Nếu bạn không biết buông bỏ, khổ sẽ có mặt hoài. Tôi có lần kể cho quý vị nghe chuyện bốn người đi vô rừng. Họ nghe tiếng gà rừng kêu crọt-crọt. Một người hỏi: ''Đó là gà cồ hay gà mái vậy?''. Ba người kia nói đó là gà mái, nhưng người đó khăng khăng phải là gà cồ. ''Gà mái làm sao kêu như vậy được?'' Ba người kia tiếp tục: ''Thì nó có miệng nó kêu như vậy, bộ gà mái không có miệng sao?''. Họ cứ cãi cày cãi cối cho đến khi khô miệng, chảy nước mắt vì bực tức, nhưng rốt cuộc tất cả họ đều sai. Sai là vì cứ dựa vào quy ước riêng của mình về gà cồ, gà mái. Ai cũng bảo thủ rằng gà cồ phải kêu như vầy, gà mái phải kêu như vậy. Thực ra chỉ là gà, gà cồ và gà mái là có họ đặt ra và quy kết cái tiếng kêu của mỗi loại họ quy ước trong đầu. Và cứ như vậy, họ cứ dính theo thế giới. Hãy nhớ kỹ điều này. Thực ra chỉ cần không chấp gì gà cồ gà mái thì câu chuyện sẽ không rắc rối như vậy. Trong môi trường thực tại do quy ước thì có một bên đúng và một bên sai, và không bao giờ có sự đồng ý hoàn toàn. Cứ tranh cãi cho đến khi khô miệng, chảy nước mắt (thậm chí thù hận nhau) thì chẳng ích gì. Đức Phật dạy không dính chấp. Làm sao chúng ta tu tập sự không dính chấp? Đơn giản là chúng ta tu tập dẹp bỏ sự dính chấp, nhưng sự không dính chấp là rất khó hiểu. Nó phải cần có trí tuệ sắc bén để điều tra và thâm nhập vào bên trong nó để thực sự đạt đến sự không dính chấp, đạt đến sự buông bỏ......