Saturday, October 28, 2023

Một tỉnh thức bình thường

 Một tỉnh thức bình thường


Vài năm trước đây, khi tôi chuẩn bị đi hướng dẫn một khóa thiền tại một thành phố ở xa, một người trong ban tổ chức gọi đến hỏi xem tôi có cần những món ăn gì đặc biệt không.

    Tôi cám ơn sự chăm sóc của anh và nói cho anh ta nghe về những sở thích ăn uống của tôi. Tôi nói rằng tôi thường không ăn điểm tâm gì nhiều, nhưng thích uống cà phê mỗi buổi sáng.

    Anh trả lời, với một giọng rất ngạc nhiên: “Bà uống cà phê à?” Tôi chợt ý thức ngay là tôi mới vừa tự thú một lỗi lầm trong sự tu tập của mình với anh ta. Tôi cần phải suy nghĩ thật nhanh tìm một lối thoát, một lời giải thích, mà phải cho khôn khéo nữa kìa! Phải làm sao để vẫn giữ được cái uy tín "tâm linh" của mình, rằng sự thật là tôi cũng không cần uống cà phê cho lắm!

Wednesday, October 25, 2023

Ai cũng biết mình sai

 Ai cũng biết mình sai.


Trong những buổi chia sẻ, tôi thường nói rằng trong chúng ta thật ra ai cũng đều biết mỗi khi mình làm một việc gì đó không đúng, không tốt. Cho dù có cố gắng giải thích hay bào chữa điều gì đi nữa, chúng ta vẫn có thể cảm nhận rằng mình đã sai.

    Đa số thường ít ai đồng ý với nhận xét ấy của tôi, và cho rằng người ta làm sai vì họ không nhận ra rằng mình đã sai. Tôi cũng hiểu điều đó!

Wednesday, October 18, 2023

cọng cỏ ba lá lung lay

 cọng cỏ ba lá lung lay


Basho là một vị thiền sư thi sĩ Nhật Bản sống vào thế kỷ thứ 17. Ông cũng đã được công nhận như một nhà thơ Haiku nổi tiếng nhất của mọi thời đại. Có lần, Basho chia sẻ về nghệ thuật làm thơ của mình như sau,

    “Trong khi viết, ta đừng để mình bị ngăn cách với thực tại, dầu chỉ là một khoảng cách mỏng như một sợi tóc. Ta chỉ có thể hiểu được cây thông từ ngay chính cây thông, ta chỉ có thể học cây trúc từ chính ngay cây trúc… và sự đồng nhất ấy tự nó sẽ sáng tạo nên bài thơ của mình.”

    Và cũng vậy, tôi nghĩ ta chỉ có thể tiếp xúc được với sự sống của mình từ ngay chính nơi thực tại này, với một trải nghiệm trực tiếp, mà không thể qua một lý thuyết hay bằng một đường lối nào khác hơn.

    Buổi sáng thức dậy nơi rừng núi tôi nghe tiếng chim hót vang. Có một con chim gõ mõ nào đó tiếng gõ đều vọng xuống từ trên núi. Sáng nay tôi một mình đi xuống thiền đường. Con đường trải đá xanh nằm hòa vào suối lá và cây rừng. Con suối nhỏ thật nhiều nước sau một ngày mưa. Tôi đi một mình leo lên con dốc giữa rừng núi bao la còn chìm trong sương sớm.

Không làm rơi

Hạt sương nhỏ sớm mai

Cọng cỏ ba lá lung lay

Basho

— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên


Saturday, October 14, 2023

Chuyển hóa khổ đau quá khứ trong hiện tại


Chuyển hóa khổ đau quá khứ trong hiện tại. Khổ đau trong hiện tại là một cái thực, nhưng cái tưởng của ta về nguyên nhân trong quá khứ có thể chỉ là ảo.


Thursday, October 12, 2023

Chạm những lá xanh

chạm những lá xanh


Sáng cuối tuần tôi đi uống cà phê với một người bạn. Chúng tôi chọn một chiếc bàn nhỏ cạnh một khung cửa sổ lớn. Ngồi kề bên không gian lành lạnh, ngoài kia bầu trời đục xám mây của một ngày mưa ướt át. Quán cà phê đông người vào ra, nhưng chỗ chúng tôi ngồi thật bình yên. Tháng năm trời vẫn có những ngày mưa tiếp nối nhau.
    Vẩn vơ qua những câu chuyện của ngày tháng, người bạn tôi chợt nhắc đến cuốn phim Life is Beautiful của Roberto Benigni. Câu chuyện về một cặp vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ, hạnh phúc của họ bị cắt ngang khi cuộc thế chiến thứ II bắt đầu. Cuốn phim có một kết cục buồn, mất mát, nhưng lại có tựa đề là Life is Beautiful.

Tuesday, October 3, 2023

Giới Thiệu Sách Mới “Không Phủi Cũng Rơi"

 Giới Thiệu Sách Mới

Không Phi Cũng Rơi

khám phá một tuệ giác và an nhiên nội tại

✎﹏﹏﹏﹏﹏﹏


Trong một cuộc sống có quá nhiều biến động bất ngờ, cùng với những biến cố chưa từng có xảy ra, khiến lòng người cảm thấy rất bất an.

    Đôi khi vì mong cầu có được một nơi nương tựa an ổn, mà người ta lại vội vã đi tìm những phương pháp, hoặc một nơi chốn hứa hẹn sẽ mang lại cho ta một sự yên bình nào đó. Nhưng rồi ta cảm thấy thất vọng, vì phương pháp nào cũng có giới hạn của nó, và tất cả rồi cũng sẽ đổi thay, không có gì là vững vàng mãi được.

    Nhưng điều ấy giúp ta quay lại, và khám phá ra một sự thật rất kỳ diệu, là trong mỗi chúng ta đều đang có sẵn một sự sự tĩnh lặng và quân bình rất tự nhiên. Một tuệ giác trong sáng và sự an nhiên rộng mở vốn sẵn có, mà ta không cần phải nỗ lực để tìm cầu hay đạt đến.

    Quyển sách nhỏ này chia sẻ hành trình quay trở về và khám phá ấy, mong được độc giả tiếp nhận như một người bạn thân quen. Bạn có thể mở ra đọc vài dòng, vài đoạn, không cần phải theo một thứ tự nào hết. Như một ngày đi giữa rừng thu, với nhiều chiếc lá đủ màu khác nhau trên con đường nhỏ. Bạn có thể nhặt lên một chiếc lá nào thích hợp với tâm trạng mình. Mỗi tờ lá, tuy màu sắc khác biệt, nhưng cũng đều chứa đựng toàn vẹn một mùa thu của đất trời.

    Bạn hãy chiêm nghiệm lại những gì mình đọc bằng ngay sự sống của chính mình, thay vì dựa vào suy luận hay lý thuyết. Hy vọng mỗi trang trong quyển sách này sẽ mang lại cho bạn một sự nhẹ nhàng, bình yên hay một niềm vui nhỏ nào đó. Xin mời bạn cùng tôi đi với nhau trên hành trình khám phá này, về một tuệ giác và an nhiên vốn sẳn có trong ta.

Phần I – Chỉ là tiếng nước xao. Cởi mở và tiếp nhận.

Chúng ta không thể tiếp xúc với hiện tại bằng một sự tập luyện hay cố gắng nào hết, nhưng bằng một thái độ buông thả tự nhiên, quan sát, và cho phép những gì đang có mặt. Sự có mặt đòi hỏi một sự tiếp nhận rộng mở. Vì những cố gắng nỗ lực tìm cầu của ta có thể vô tình làm giới hạn đi một cái biết chân thật và tự nhiên.

    Chúng ta không thể nào vừa có mặt với hiện tại mà cũng lại vừa có một ý muốn làm cho nó khác đi, vì khi cố gắng thay đổi thực tại, là ta đã không cho phép thực tại được có mặt như nó đang là. Thiền sư Motsugai khuyên ta,

Buông bỏ đi

    những gì ta không có

Quên luôn cả

    những điều ta không biết

Và chỉ như vầy,

    hãy như-là [Phật]

    và cứ chỉ như-là thôi.

Phần II – Thanh thản lòng thiền. Muộn phiền không phủi cũng rơi.

Thật ra, trong mỗi chúng ta đều có những đức tính căn bản của sự bình yên và trong sáng. Vì vậy mà hạnh phúc cũng chỉ là một biểu hiện tự nhiên thôi, nếu như ta biết lắng yên, buông những tìm cầu hạnh phúc theo ý riêng tư của mình. Cũng như bản chất của ánh sáng là toả chiếu, một ánh trăng thì tự nó sẽ toả sáng, thế thôi.

    Và ta sẽ khám phá ra rằng, thật ra mình không cần làm gì hết, muộn phiền tự nó cũng rụng rơi. Cuộc sống này đang là biểu hiện của những trang kinh, cho ta đọc. Hãy buông ra đi, mỉm cười đi, cứ an vui và nhìn xem những đóa hoa vẫn thảnh thơi, tự tại đến đi, và nhàn sinh theo bốn mùa…

Nỗi buồn không phủi cũng rơi

Niềm vui thư thái cười tươi với mình

Đất trời trăm vạn thư kinh

Ngắm xem hoa có nhàn sinh bốn mùa.

          Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Phần III – Ý niệm và thực tại. Giới hạn của hình tướng.

Trong cuộc sống, có nhiều ý niệm, thành kiến mà chúng đã được khắc sâu trong thâm tâm ta, sâu đến nỗi ta không còn nghi ngờ gì nữa, và tin chắc đó phải là sự thật. Chúng ta chỉ thấy được một khía cạnh của sự thật, nhưng ta lại nắm chặt vào đó như là một sự thật trọn vẹn.

    Trong cuộc đời có biết bao nhiêu là những bức tường vô hình do chính ta xây lên từ những thành kiến và cố chấp của mình? Biết bao lần, vì thiếu sự trong sáng mà chúng ta bị nhốt lại trong những bức tường của ý niệm, của hờn giận, lo âu, sợ hãi trong ta… kẹt cứng mà mình không thể thoát ra được.

    Nhưng những bức tường này sẽ tự nó xụp đổ, nếu như ta biết trở về và thấy ra sự thực. Thật ra, ta cũng không cần phải phá vỡ hay tiêu diệt gì hết, chỉ cần thấy biết nó như thật thôi. Cũng như khi ta nhìn ra đó chỉ là sợi dây thừng, thì hình ảnh một con rắn ảo kia cũng tự nhiên biến mất. Ánh sáng của thực tại sẽ chiếu tan bóng tối của ý niệm.

Phần IV – Không phải tất cả đều là ảo. Uống ngụm mặt trời.

Ngài Achan Chah có chia sẻ là ông bao giờ cũng nhìn những đồ vật ông sử dụng và ưa thích, như là chúng đã bị vỡ hoặc mất đi rồi vậy. Thật ra, tất cả những gì có mặt trong cuộc sống này, chúng đang hiện hữu, chúng có “thực” nhưng chỉ là không hoàn toàn “thực” như ta nghĩ tưởng.

    Nguyên nhân của khổ đau có thể là do một sự hiểu lầm, không thực, nhưng nỗi khổ đau đó nơi ta là có thực, khi tim ta đập mạnh, thân ta mỏi mệt. Phần lớn những đau khổ của ta là do một nhận thức sai lầm về thế giới và về chính mình.

    Những gì còn bị điều kiện (conditioned), thì bản chất của chúng sẽ là ảo, nhưng nếu biết quan sát, chúng sẽ giúp mở ra một cánh cửa dẫn ta đến những gì không còn bị điều kiện (unconditioned). Đó là một thực tại nằm ngoài những khái niệm của mình. Nó biểu hiện ra bằng niềm vui, tình thương, lòng bi mẫn và sự quân bình.

Phần V – Có thể bao dung được. Buông ra không cần một nỗ lực.

Cuộc sống bao giờ cũng biến đổi và có nhiều những bất ngờ, ta hãy tiếp xử bằng một thái độ rộng mở. Đừng bao giờ khó khăn với mình quá. Hãy giữ cho lòng mình được rộng mở và mềm dịu. Sự mềm dịu là thái độ của một tâm bao dung, biết chấp nhận và thứ tha. Một cái thấy rộng mở với sự kham nhẫn, giúp ta tiếp tục vững chãi bước tới, nó giúp ta có thể xử lý được những khó khăn và bất ngờ của cuộc sống.

    Sự bao dung là khả năng biết cảm thông với những khổ đau có mặt, giúp ta bước đi giữa cuộc đời như một dòng suối mát, tiếp nhận những gì xảy ra mà không đóng kín trái tim mình lại, vẫn giữ được nụ cười, và tha thứ cho mọi khổ đau.

    Phiền não cũng chỉ là một biểu hiện tự nhiên theo điều kiện. Và tuệ giác, bao dung cũng là những năng lượng thiện lành hiện hữu rất tự nhiên. Hãy để cho cái tự nhiên chuyển hóa cái tự nhiên.

Phần VI – Bài tập trải nghiệm

Giới thiệu những bài tập trải nghiệm, những bài thiền tập có hướng dẫn, guided meditation. Đây là sự nhắc nhở giúp chúng ta làm quen và thường xuyên trở lại với thân tâm và buông thư. Với bất cứ những gì khởi lên nơi thân tâm, ta để cho tất cả được như chúng đang là. Nuôi dưỡng một thái độ buông xả, không can thiệp.

— Minh Tánh Nguyn Duy Nhiên