Tu tập là ngay ở nơi đó
Trong giây phút này, mỗi kinh nghiệm của chúng ta đều có hai phương diện. Thứ nhất là nội dung của kinh nghiệm ấy, điều mà ta nhận biết và ý thức được; và thứ hai là tác ý (intention) của mình, cái phản ứng cảm xúc của ta đối với nó. Với cái nhìn của thiền quán thì cái thứ nhất hoàn toàn không đáng kể, trong khi điều thứ hai lại quan trọng vô cùng.
Kinh nghiệm: Nội dung và Phản ứng
Theo tâm lý học Phật Giáo, kinh nghiệm của chúng ta được tạo dựng lên hoàn toàn mới toanh trong từng mỗi giây phút, khi cái biết về một trong sáu đối tượng (một hình ảnh, một âm thanh, một mùi hương, một vị nếm, một xúc chạm hoặc một tư tưởng) khởi lên rồi lập tức mất đi. Chúng là những sự kiện liên tục nối tiếp nhau, mang lại cho ta một dòng kinh nghiệm bất tận. Chúng ta lúc nào cũng đang nhận biết về một cái gì đó, vì nó bao giờ cũng cần phải có một đối tượng – nó có thể là một vật gì ta đang nhìn, đang nghe, đang xúc chạm, hoặc là suy nghĩ.
Thay đổi cái nội dung của kinh nghiệm thì rất dễ. Bạn nhắm mắt lại, và tầm nhìn của ta hoàn toàn biến đổi. Bạn mở mắt ra, và tất cả các hình sắc lại tràn vào, với những chi tiết rõ rệt. Và bạn cũng có thể chọn và nhớ lại món ăn trưa của mình vào ngày thứ Ba vừa qua, hay là làm một bài toán cộng phức tạp, hoặc mơ tưởng về những gì ta sẽ làm nếu mình được trúng số. Thân-tâm của ta lúc nào cũng ưa thích và dính mắc vào nội dung của những kinh nghiệm, nó đi hết từ đối tượng này sang đối tượng khác không ngừng nghỉ, và rất là tự nhiên.
Nhưng cái tiến trình diễn biến của nó thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Hành (sankhāra) được dịch sang tiếng Anh là formations vì nó lúc nào cũng, forming, tạo nên một phản ứng đối với những gì đang xảy ra. Và sự kiến tạo này cũng được dựng lên hoàn toàn mới tinh trong mỗi giây phút. Mỗi khi ta nhận biết một đối tượng nào qua sáu giác quan, ta sẽ lập tức tạo lên ngay một phản ứng của mình với lại đối tượng ấy. Những phản ứng này cũng là một phần của dòng tâm thức cá biệt của chính ta, và chúng lập nên cuộc sống tình cảm riêng tư của mỗi người.
Khi nhìn thấy hình sắc này, chúng ta ưa thích; khi nghe âm thanh kia, ta bực mình; khi ngửi mùi nọ ta khó chịu; khi cảm nhận sự xúc chạm ấy ta khích động; khi nghĩ về một tư tưởng nào đó ta nổi giận, và khi tưởng đến một điều khác ta lại trở nên an tĩnh. Một người máy (robot) chỉ có thể đơn giản nhận thức được một đối tượng bằng một giác quan nào đó, nhưng một con người thì có thể nhận thức và rồi đáp ứng lại với một phạm trù cảm xúc rất giàu có và đầy sắc thái.
Ta là những phản ứng cảm xúc
Nhưng bạn biết không, cái nội dung của kinh nghiệm thì hoàn toàn không quan trọng, vì nó chỉ là những dữ kiện thu nhận được của một dụng cụ tri giác. Cũng giống như một chiếc máy ảnh, những giác quan của ta – kể cả ý thức – có thể nhắm hướng về gần như là bất cứ một đối tượng nào, và chúng sẽ tự động nhận bắt và xử lý tất cả những tin tức ấy. Vấn đề không phải là chúng ta nhìn, xúc chạm hay suy nghĩ những gì, mà vấn đề chủ yếu là ta phản ứng ra sao đối với những gì mình đang tiếp nhận.
Đó là bởi vì tất cả những nghiệp, karma, đều được gây dựng lên và tiếp nối bằng những sự hình thành, formations. Và mỗi phản ứng cảm xúc của ta là một hình thành của hành động, và mỗi hành động đều có một hậu quả. Chúng ta được tạo dựng nên không phải bởi những việc mình làm, nhưng bằng cách ta đáp ứng ra sao đối với những gì mình làm.
Và chủ yếu của con đường chuyển hóa trong đạo Phật là ở chỗ nhận diện được rằng, có những cách đáp ứng là thiện lành và khôn khéo, chúng mang lại cho ta hạnh phúc, giúp ta có được tuệ giác hơn; và cũng có những cách đáp ứng khác là bất thiện và thiếu lành mạnh, chúng hạ ta xuống thấp, mang lại cho mình khổ đau, và làm sâu thêm hơn những si mê của mình.
Sở dĩ những tác ý của ta có ảnh hưởng lớn lao như vậy, là vì chúng không đơn giản chỉ là những hình thái đi kèm theo một kinh nghiệm mỗi khi ta ý thức về một điều gì. Mà chúng còn tiếp tục làm điều kiện và quyết định hành động của mình cho những kinh nghiệm kế tiếp nữa. Một phút giây tức giận sẽ trở thành một phút giây trả đủa, một lời nói chua cay, hay là một ý nghĩ xấu xa. Chúng ta tạo dựng con người của mình và cuộc đời chung quanh bằng chính những phản ứng cảm xúc của ta. Và thật ra tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng, ta là ai và thế giới của ta như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào chuỗi phản ứng xúc cảm này, đang tiếp nối biểu lộ trong ta.
Tu tập là chính ngay nơi đó
Vì vậy cho nên từ rày trở đi, chúng ta đừng nên chú trọng quá về những gì (what) mình làm, mình nói, hoặc là suy nghĩ, và hãy chú ý sâu sắc hơn về phương cách (how) mà ta làm, ta nói, hay ta suy nghĩ, nó là như thế nào.
Và trên con đường chuyển hoá dẫn đến hạnh phúc, tu tập là ở chính ngay nơi đó.
Andrew Olendzki
— Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
No comments:
Post a Comment