Bài học từ lớp mẫu giáo
Nhiều năm trước, bà Sylvia Boorstein có viết một quyển sách giới thiệu về giáo lý đạo Phật và phương pháp thiền tập đến với người Tây phương. Quyển sách này đã trở thành một trong những quyển sách bán rất chạy có tựa đề là: “Con đường hạnh phúc theo đạo Phật, đơn giản hơn ta nghĩ.” It’s Easier Than You Think: The Buddhist Way to Happiness.
Mà thật vậy, tôi nghĩ con đường tu học và hạnh phúc nó đơn giản và dễ hơn là ta vẫn tưởng. Nhưng vì thói quen tìm kiếm sự phức tạp và mong cầu của mình, khiến chúng ta không thấy được những tuệ giác hiển nhiên đang có mặt ngay trước mắt.
Bạn biết không, phần lớn chúng ta thường nghĩ rằng, trong sự tu học mình cần phải tìm học những kinh luận cao siêu, hay những giáo lý huyền bí. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ những điều ta cần biết để có được một đời sống hạnh phúc, cho mình và người chung quanh, thì ta đã có rồi. Chỉ cần biết buông bỏ bớt đi những phức tạp, và thấy ra những gì đang thật sự có mặt, với một thái độ tĩnh lặng và trong sáng. Rồi ta sẽ thấy được con đường hạnh phúc, và nó đơn giản hơn ta nghĩ...
Đã học ở lớp mẫu giáo
Cuộc đời này cũng thế, tôi nghĩ những gì càng đơn giản thì lại càng sâu sắc, và có lẽ vì vậy mà người ta cũng khó làm theo được... Tôi nhớ ông Robert Fulghum có môt bài viết ngắn tựa đề là: “Những gì tôi thật sự cần biết tôi đã học trong trường mẫu giáo.” All I Really Need to Know I Learned in Kindergarten.
Bài này đã được một Nghị sĩ Hoa kỳ mang ra đọc trước Thượng Nghị viện, với mục đích để nó được ghi lại và lưu mãi vào trong Hồ sơ Quốc hội Hoa kỳ (Congressional Record). Ông nói, nếu như người ta biết hành xử theo những điều ấy, thì biết bao nhiêu những vấn đề khó khăn của quốc gia và trên thế giới, đều sẽ được giải quyết. Chúng ta đều đã học được chúng từ ở lớp mẫu giáo, tuy rất đơn giản, nhưng chúng cũng bao gồm hết những tuệ giác về cuộc sống.
“Tôi tin rằng mình đã biết hết tất cả những điều cần thiết để sống một cuộc đời có ý nghĩa – thật ra nó cũng không có gì là phức tạp lắm. Tôi biết chắc vậy. Mà tôi cũng đã biết nó từ lâu lắm rồi. Sống theo nó, thì lại là một chuyện khác. Và những điều ấy của tôi là như sau:
Tất cả những gì mà tôi thật sự cần biết về cách sống, cách xử sự, hiện hữu trong cuộc đời, tôi đã được học hết trong lớp mẫu giáo. Ta không thể tìm thấy tuệ giác của cuộc đời trên đỉnh cao của các trường đại học, mà là ở những đụn cát nơi các vườn trẻ. Và đây là những điều mà tôi đã học được từ nơi ấy:
Chia sẻ với nhau.
Chơi cho công bằng.
Đừng đánh người khác.
Lấy ở nơi nào thì trả lại ở nơi ấy.
Dọn dẹp những gì mình đã bày bừa ra.
Không lấy những gì không phải của mình.
Khi làm cho ai đau, nói xin lỗi.
Rửa tay trước khi ăn.
Dội cầu.
Bánh quy nóng và sửa lạnh tốt cho mình.
Sống một cuộc sống quân bình – học một chút và suy tư một chút và vẽ một chút, tô màu một chút, múa hát một chút, chơi một chút, làm việc một chút – mỗi ngày.
Ngủ một giấc ngắn mỗi xế trưa.
Khi bước vào đời, cẩn trọng ngó chừng xe cộ, nắm tay nhau và đứng chung lại với nhau.
Thấy ra những điều kỳ diệu. Nhớ hạt giống trong chiếc ly nhỏ ta gieo trồng: rễ nó đâm xuống và cây mọc lên, không ai biết do cách nào hay vì sao, nhưng tất cả chúng ta cũng giống y như vậy.
Những con cá vàng nhỏ, chú chuột con trắng, và ngay cả hạt giống ta trồng trong chiếc ly – rồi sẽ chết. Và ta cũng vậy.
Nhớ những quyển sách hình đầu tiên mà chúng ta tập đọc, và chữ đầu tiên mà ta học – chữ quan trọng nhất hết tất cả - THẤY.
Và tất cả những gì mà bạn cần biết đều nằm đâu đó trong những điều kể trên ấy. Từ luật hoàng kim và tình thương và vệ sinh hằng ngày. Cho đến sinh thái học và chính trị học và sự bình đẳng, hay cách sống lành mạnh, tất cả đều gồm hết ở trong đó.
Chỉ cần lấy ra một điều trong ấy, rồi cộng thêm vào mớ từ ngữ phức tạp của thế giới người lớn, rồi đem áp dụng vào đời sống gia đình, hay ở công sở, hay trong quốc gia, hoặc thế giới của mình, và nó cũng vẫn là rất rõ ràng, chân thật và chính xác.
Thử nghĩ xem, cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu nếu như tất cả chúng ta – trên toàn thế giới – được ăn bánh quy ngon với sữa vào khoảng ba giờ chiều mỗi ngày, rồi ôm chiếc mền quen thuộc của mình và đánh một giấc ngủ ngắn. Hoặc là quốc gia nào cũng có một chính sách là lấy gì ở nơi đâu thì trả lại cho nơi đó và dọn dẹp hết những gì mình đã bày bừa ra.
Và điều này sẽ mãi mãi vẫn là rất thật, cho dù ta có lớn bao nhiêu tuổi – khi bước chân vào cuộc đời, bao giờ cũng nên nắm tay nhau và đứng chung lại với nhau.”
Có lẽ chỉ cần làm được bấy nhiêu thôi, thì cuộc đời và thế giới này cũng sẽ có an vui và hòa bình hơn bạn hả...
Nguyễn Duy Nhiên
3 comments:
cảm ơn chú, bài viết thật ý nghĩa quá :)
New Year New Me.Cám ơn bài viết dễ thương nhẹ nhàng của anh thơm hương như bông hoa đầu năm tươi mới. Tôi vừa giới thiệu bài viết này đến một người bạn đang tự hỏi, năm mới nhưng phải "mới' như thế nào? Tin là bạn ấy sẽ tìm được câu trả lời giản dị từ "Đã học ở lớp Mẫu giáo"
Sadhu, lành thay!
Post a Comment