Dù đang ở nơi nào
Ông Henry David Thoreau là một nhà thiên nhiên học và cũng là một nhà văn nổi tiếng của thế kỷ 19. Có lần ông đã bỏ ra hơn hai năm trời để sống một mình trong một khu rừng vắng tại hồ Walden. Bạn có biết để làm gì không? Để tìm lại mình.
Ông chọn một lối sống thanh vắng tĩnh mịch trong suốt hai năm trời ấy để tập sống với những gì đang thật sự có mặt chung quanh ông, những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Ông có viết hồi ký để chia sẻ lại kinh nghiệm ấy.
Ông Thoreau kể, có những ngày ông không làm gì hết, chỉ ngồi trước hiên nhà hàng giờ để quan sát và lắng nghe. Khi mặt trời đi ngang qua không trung, ánh nắng làm thay đổi những bóng dáng của vạn vật, cây cỏ chung quanh ông. Đối với ông những giây phút “không làm gì hết” ấy lại là những giây phút nhiệm mầu, quý giá nhất trong đời.
Không thể là cô đơn
Có một người bạn bảo với tôi rằng, chị ta cũng ưa thích thiên nhiên, nhưng nếu như phải sống một mình thì chị sẽ cảm thấy buồn chán và cô đơn lắm.
Tôi nghĩ đó có lẽ là tâm lý chung của đa số chúng ta. Nhưng thế nào là cô đơn? Tôi muốn đọc cho bạn nghe những lời này của ông Henry Thoreau:
“Người ta thường bảo tôi rằng: ‘Ông sống một mình trong rừng như vậy chắc là cô đơn lắm, nhất là vào những ngày mưa hay tuyết và giữa những đêm khuya.’
Tôi muốn trả lời với họ rằng, trái đất mà chúng ta đang sống đây chỉ là một điểm nhỏ bé trong vũ trụ. Như vậy thì khoảng cách giữa chúng ta với nhau trên quả đất này có là bao nhiêu? Tại sao tôi lại phải cảm thấy cô đơn? Có phải trái đất của chúng ta đang nằm giữa dải ngân hà không? Khoảng cách nào trên mặt đất này lại có thể ngăn cách hai người khiến họ cảm thấy cô đơn?
Tôi không cô đơn hơn một đóa hoa rừng hay một cánh bồ công anh (dandelion) giữa đồng cỏ mênh mông, hoặc một lá đậu, hoặc một con chuồn chuồn, hay một con ong đất.
Tôi không cô đơn hơn một con suối vắng, một chiếc chong chóng gió đứng chơ vơ giữa cánh đồng, hoặc ngôi sao bắc đẩu, một ngọn gió từ phương nam, một cơn mưa tháng tư, hoặc tuyết tan vào tháng giêng, hay một con nhện đầu tiên trong một ngôi nhà mới.”
Cô đơn cũng chỉ là một ý niệm. Và nếu như ta không có khả năng tiếp xúc được với những gì đang có mặt chung quanh mình, thì dù ở đâu hay đi đâu cũng vậy thôi, sống ngay giữa phố chợ ta cũng vẫn có thể cảm thấy mình cô đơn.
Dù đang ở nơi nào
Ông Henry Thoreau đã về sống ẩn dật nơi hồ Walden, vì ông muốn kinh nghiệm được thực chất của sự sống. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không cần phải tìm đến hồ Walden hay một nơi quạnh quẽ xa xôi nào đó. Trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn có thể trải nghiệm được thực chất của sự sống này bằng cách sống chánh niệm và tỉnh giác.
Như lời của một thiền sư viết: “Mây trắng bao giờ cũng trong sáng và an tịnh, những dòng sông bao giờ cũng thong dong chảy ra biển cả. Thế giới tầm thường này tự nó bao giờ cũng an nhiên và tĩnh lặng, nhưng chỉ vì con người muốn tự tạo nên phiền não bằng chính sự tìm kiếm của chính mình mà thôi... Đứng trên đầu một cây sào cao trăm trượng, ta phải dám bước tới thêm một bước nữa - và chừng ấy muôn hình tướng của thế giới này sẽ hiển lộ tự thân của nó cho ta thấy.”
Một buổi sáng, đi lên một ngọn đồi cỏ đầy hoa rừng, sương mù trùm phủ, như mây. Trời nắng ấm và trong. Tôi thấy những tàng lá cây xanh phản chiếu trên mặt hồ tĩnh lặng, loáng thoáng ánh mặt trời. Thiên nhiên mùa nào cũng đẹp.
Thật ra chúng ta không cần phải đi tìm một không gian lý tưởng nào đó. Dù đang ở nơi nào, hay trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều có thể trải nghiệm được thực chất của vạn pháp. Ta chỉ cần biết buông bỏ đi cái thái độ kiếm tìm, quay trở về để thấy rõ được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Vì thực chất của sự sống chỉ có thể có mặt ngay ở nơi đó.
Và sự trở về ấy của ta phải là một sự buông xả, để ta lặng nhìn lại chính mình một cách tự nhiên và thoải mái. Và chừng ấy "muôn hình tướng của thế giới này sẽ hiển lộ tự thân của nó cho ta thấy...", phải không bạn?
Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment