Wednesday, February 11, 2015

Sách mới tái bản – Kinh nghiệm thiền quán

Sách mới tái bản – Kinh nghiệm thiền quán
Tác giả: Joseph Joldstein
Dịch giảNguyễn duy Nhiên


Không Nhìn Thấy Được Khổ Đau Mới là Khổ Đau
Muốn đối xử với những kinh nghiệm khó chịu một cách hiệu quả, thì trước hết chúng ta phải biết đến sự có mặt của chúng.  Rất nhiều khi vì không nhận diện được khổ đau mà chúng ta lại bị trói chặt trong khổ đau.  Khi nhìn thấy được chúng rõ ràng và chính xác, ta sẽ có thể cởi mở ra được với bất cứ một hình thức nào của khổ đau.  Và thái độ cởi mở với chấp nhận ấy, ngược lại sẽ giúp chúng ta giải tỏa được những bất an trong tâm thức của mình.
    Giả sử như thân của bạn đang có những sự khó chịu và căng thẳng, nếu như không ý thức được điều ấy, bạn sẽ mang cảm xúc đó với bạn đi khắp nơi mà không hay biết.  Những cảm giác khó chịu ấy sẽ điều kiện hóa con người của bạn, cảm xúc của bạn.  Đến khi nào sự bất an ấy trong thân trở nên đủ mạnh để chiếm một ưu thế, bạn sẽ bắt đầu để ý đến nó.  Và nếu như bạn có thể chấp nhận nó, thì theo sau sẽ là một cảm giác an nghỉ. Với một cái nhìn sáng tỏ và thái độ chấp nhận, năng lượng của chúng sẽ mang lại cho ta một cảm giác nhẹ nhàng và thảnh thơi.
    Cảm thọ đau đớn có thể vẫn còn đó, nhưng bây giờ thì thái độ của bạn đã thay đổi rồi.  Mối tương quan của bạn đối với khổ thọ ấy bây giờ được phát xuất từ một điều kiện an lạc, chứ không còn vì sự si mê hoặc thiếu chánh niệm nữa.  Quá trình ấy có thể xảy ra trên cả hai lãnh vực của khổ thọ: thân và tâm.
    Thời gian trước đây, có một việc xảy ra đã đem lại cho tôi một cảm giác hổ thẹn khá sâu đậm.  Mặc dù tôi biết rằng mình đang kinh nghiệm một trạng thái vô cùng khó chịu, nhưng tôi vẫn không thật sự biết được cái cảm thọ ấy là gì.  Và ngày nào tôi vẫn chưa có thể nhận diện được nó, nỗi khổ của tôi thật to!
    Tôi đã thử hết mọi cách mà tôi có thể nghĩ đến để cố thoát ra khỏi cái tình trạng đau đớn này.  Sau một thời gian bị khốn khổ như vậy, cuối cùng tôi tự hỏi, "Chuyện gì đang xảy ra đây?"  Tôi dừng lại, nhìn kỹ tâm mình và chợt nhận thấy rằng  "À, thì ra đây chính là một cảm thọ hổ thẹn!"  Ngay trong giây phút nhận diện ấy cùng với sự bằng lòng chấp nhận nó, mọi khổ đau tự nhiên biến mất!
    Khổ đau trong Pali là dukkha, nó cũng có nghĩa là bất toại nguyện, là khó chịu.  Tôi thấy được rằng sự hổ thẹn là một cảm thọ sinh lên trong lúc ấy do một số điều kiện nào đó.  Không có gì là sai trật khi ta chỉ thuần túy cảm nhận nó.  Chừng đó nó sẽ tự động biến mất.  Và việc ấy dễ làm hơn là ta đi thu xếp, sắp đặt lại cuộc sống để trốn tránh những khổ thọ trong đời mình.
    Lại còn một trường hợp khác mà cũng vì ta không nhìn thấy khổ đau nên mới có khổ đau.  "Không biết là hạnh phúc" (ignorance is bliss) hoặc "giả mù pha mưa" có lẽ là những câu châm ngôn thông dụng nhất trong lịch sử từ xưa đến nay.  Cái tuệ giác mà những câu châm ngôn ấy muốn nói là khi ta không biết rằng hành động của mình là bất thiện, thì nó sẽ không thể ảnh hưởng đến ta được.  Như là ta có thể dựa vào sự si mê, vô ý của mình, bằng một cách nào đó, để giải tội cho mình vậy! Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái hẵn.
    Thà rằng bạn làm một chuyện bất thiện mà biết được rằng nó bất thiện còn hơn là làm mà không ý thức được điều ấy.  Theo quan điểm của nhà Phật thì cái Biết là một hạt giống của trí tuệ - từ cái biết sẽ đưa đến cái hiểu, và rồi đến một lúc nhờ cái hiểu ấy ta sẽ tự kềm chế lại những hành động bất thiện của mình.  Thế cho nên, cái biết có khả năng làm vơi bớt đi tính chất bất thiện của các hành động.  Còn như nếu ta không biết đó là một việc làm bất thiện, trạng thái si mê ấy sẽ làm cho sự bất thiện càng lúc càng trở nên nặng nề, phức tạp hơn.  Si mê là một năng lực vô cùng đã tạo nên biết bao khổ đau trên cuộc đời này, bạn chỉ cần mở bất cứ một tờ báo hằng ngày nào ra sẽ thấy rõ việc ấy.
    Khi chúng ta không thấy được điều xấu trong những việc mình làm, ta sẽ không phân biệt được giữa thiện và bất thiện, và từ đó ta sẽ bị nô lệ một cách vô thức cho những thói quen và sự ham muốn của mình.  Thiếu tuệ giác phân biệt, ta sẽ không bao giờ có khả năng chọn lựa sáng suốt được.  Thế cho nên, ý thức được yếu tố khổ đau trong những hành động bất thiện, bao giờ cũng đem lại cho ta tự do, hơn là cứ mặc tình để vướng mắc và đi nhận những hành động ấy làm mình.
    Tất cả những gì tôi muốn nói ở đây là có bây nhiêu thôi: khi bạn cởi mở ra trước những khổ đau trong cuộc sống, bạn hãy cứ vững lòng tin - vì bạn cũng đang mở rộng tâm mình ra để đón nhận tuệ giác đấy.

Mục Lục
1. Con Đường Tu Tập   
Phật pháp – Daharma
Nỗi Sợ Giác Ngộ
Trí Thông Minh và Sự Tiến Bộ
Một Mùi Vị Duy Nhất
Tứ Diệu Đế
Bảng Chỉ Đường
Tha Lực hay Sự Giúp Đở Dọc Đường
Vai Trò của Một Vị Thầy
Tứ Như Ý Túc
2.  Phương Pháp Tu Tập
Mục Tiêu, Cố Gắng và Buông Xả
Tu tâm
Phương Pháp Thiền Tập
Pháp lý Nintendo
Chấp Nhận
Không Nhìn Thấy Được Khổ Mới là Khổ
Tiếp Xúc Với cái Đau
Lạc Thọ, Khổ Thọ: Sự Tiến Triển
Tính Tự Nhiên và Sự Tu Tập
Trở Về Quê Xưa
Năng Lượng
Tuệ Giác
3.  Giải Thoát Tâm Thức
Những Trở Ngại: Một Tấm Vải Dơ
Tư Tưởng
Quan Điểm và Ý Kiến
Lời Phán Xét Thứ 500
Tính Tự Phụ và Tâm So Sánh
Giải Thoát Những Cảm Xúc
Dùng Cây Dù Của Bạn
Sợ
Cám Ơn Sự Nhàm Chán
Tự ti
Tội Lỗi
Ganh Tỵ
Ham Muốn
4. Tâm lý học và Phật pháp
Cái Tôi và Bản Ngã
Cá Tính và Sự Chuyển Hóa
Khoa Tâm Lý Trị Liệu và Thiền Tập
Tâm Thiền Giả
5. Vô Ngã
Chòm Sao Vua
Sự Chào Đời của Ngã
Không Dù, Không Mặt Đất
Trở Về Con Số Không
Niềm Vui Sướng và Sự Vắng Lặng
6. Nghiệp Quả
Ánh Sáng của Thế Giới
Nghiệp Quả Tất Nhiên
Nghiệp Quả Tinh Tế
Si Mê, Gốc Rễ của Khổ Đau
Chánh Niệm, Gốc Rễ của Hạnh Phúc
Nghiệp Báo và Vô Ngã
Loài Thú
7. Thực Tập trong đời sống hàng ngày
An trú trong hiện tại
Tình thương và hiểu biết
Tâm từ
Tâm bi
Nghệ thuật truyền thông
Chia sẻ Phật pháp
Mối tương quan với Cha Mẹ
Chánh nghiệp
Học Văn Tự
Tính Khoi Hài
Đối diện với cái chết
Thiền quán Vipassana và Sự chết
Tâm từ và Cái chết
Vì lợi ích của tất cả



free hit counter

No comments: