Friday, February 7, 2025

Chấp nhận như là mới có thể thay đổi

Chấp nhận như là mới có thể thay đổi


Nhà tâm lý học Carl Rogers nói: "Có một điều nghe rất là lạ lùng và mâu thuẫn, nhưng đó là một sự thật, là khi ta chấp nhận được mình như chính ta là, thì lúc đó ta mới có thể thay đổi (The curious paradox is that when I accept myself just as I am, then I can change). Cũng có nghĩa là, sẽ không có gì thay đổi, nếu như ta không chịu nhìn lại để thấy rõ được chính mình.

    Thấy rõ ở đây là thấy ra chính mình, thân tâm ta phản ứng như thế nào trước đối tượng, tình huống, khi tiếp xúc với những gì đang xảy ra. Mục đích của việc thấy ra không phải là để tìm ra giải pháp, hoặc phải làm gì hay không làm gì.

    Ví dụ như có ai nói điều gì đó không tốt về mình, bị hiểu lầm, hay nhà cửa dơ cần dọn dẹp… thì điều mà chúng ta thấy ra ở đây là sự khó chịu, bực mình khởi lên như thế nào? Ta đang bị vướng mắc vào những định kiến nào, khuôn mẫu nào… nhà cửa phải gọn sạch, mọi người phải thích mình? Và sự khó chịu ấy khởi lên như thế nào, nó qua đi như thế nào?

    Nhà của ta bày bừa, ta bực mình đi dọn dẹp, cỏ ngoài vườn mọc cao và ta ra cắt, ai đó làm ta khó chịu ta tìm gặp nói chuyện… làm xong ta cảm thấy nhẹ nhàng, hài lòng. Nhưng rồi, ngày mai nhà sẽ trở lại bừa bộn, cỏ lại mọc cao, và mình lại gặp chuyện không vừa ý… và rồi, chúng ta lại bực mình, khó chịu.

    Nhưng chúng ta nhớ, “Không mợ thì chợ cũng đông, mợ ra xứ Quảng cũng chẳng ai mong mợ về. Có hay không có ta, thì cuộc sống vẫn cứ trôi, nhà cửa vẫn bừa bộn, cỏ vẫn lên cao, vấn đề vẫn xảy ra… và rồi tất cả cũng được lo xong. Hãy quay nhìn lại chính mình, để khám phá ra tại sao mình lại phản ứng như vậy? Dính mắc vào những gì, mong muốn điều gì? Tất cả chỉ là duyên để giúp ta có cơ hội thấy rõ lại chính mình mà thôi.

    Thấy ra rõ rồi thì mới chỉnh sửa được, nếu không chúng ta chỉ tiếp tục lặp lại cái lề lối, thói quen xưa cũ mà thôi. Cũng như nhìn một ly nước, nếu như chúng ta thấy nó đầy phân nửa, thì có lẽ ta không cần rót thêm nước. Nhưng nếu thấy ly ấy vơi phân nửa thì ta sẽ rót thêm vào cho đầy. Hành xử theo thói quen tự nhiên thôi. Nhưng điều quan trọng chúng ta cần thấy rõ, là tại sao mình lại thấy đó là nửa đầy hay là nửa vơi?

    Và cái ncái tôi ấy cũng khá là vi tế. Ông Joseph Goldstein kể lại một trải nghiệm thú vị. Có lần trong một khóa thiền miên mật, ông cảm thấy rất tĩnh lặng và chìm đắm trong an lạc. Ông cảm nhận dường như cảm giác về một cái tôi của mình như biến mất. Ông như đang rơi vào một trạng thái vô ngã, không còn dính mắc vào bất cứ điều gì. Lúc đó trong thiền đường, mọi người chung quanh đang ngồi thiền trong im lặng. Đột nhiên, có ai đó đánh rơi chiếc cốc xuống sàn và gây ra một âm thanh lớn. Ông Goldstein bất ngờ thấy mình nói thầm ngay trong đầu, “Tôi không gây ra tiếng ồn đó, không phải do tôi đâu”. Cái tôi vẫn hiện diện, ngay cả khi ông đang trong trạng thái vô ngã”.

Minh Tánh Nguyn Duy Nhiên


No comments: