Monday, January 6, 2020

Đức Phật đã dạy những gì?

Đức Phật đã dạy những gì?

Ngày nay, một câu hỏi thường được những người mới bước vào con đường học Phật nêu lên là “Đức Phật đã dạy những gì?” Đối với tôi thì một câu trả lời ngắn gọn có thể là “Ai biết được?”
Từ cái nhìn của ta
Tôi nghĩ cũng giống như khi ta hỏi “Cây là gì?”, hay những thắc mắc tương tự. Tôi nghĩ rất khó mà có thể hoàn toàn hiểu được sự thật của một việc nào đó. Chúng ta chỉ có thể nói rằng theo quan điểm, hoặc nhìn từ góc cạnh này, thì tôi thấy nó là như vậy. Và bạn thấy không, thật ra thì câu trả lời ấy diễn tả về chính mình nhiều hơn là về cái cây, hay là về những gì đức Phật đã thật sự dạy.
    Ta có thể nhìn một thân cây qua khía cạnh của sinh vật học, hóa học, hoặc là hình dáng, chủng loại, màu sắc của nó, hay là cái vẽ đẹp rực rỡ của những chiếc lá mùa thu đong đưa trước gió trong buổi trời chiều. Thân cây ấy là nơi trú ngụ của những con sóc, là mối đe dọa cho một căn nhà cạnh đó, là thực phẩm của những con sâu, và là nơi tìm thức ăn cho loài chim… Đối với người thợ mộc thì nó là như vầy, với một nhà xây cất thì lại khác, và đối với một đứa bé có một chiếc xích đu, thì nó lại hoàn toàn khác hẳn. Tôi cũng còn có thể cho nhiều ví dụ nữa, nhưng tôi nghĩ bạn đã hiểu ý tôi. Tất cả hoàn toàn tùy thuộc vào nơi ta, từ cái nhìn của mình mà thôi.
Nhưng không có nghĩa là sao cũng được!
Và trong vấn đề chúng ta hiểu lời dạy của Phật như thế nào, thì cũng tương tự như vậy. Cũng giống như một khoa học gia tin rằng mình có một cái nhìn và hiểu biết rất thông suốt về cây cối, các nhà học Phật cũng thường tự cho rằng mình có một thẩm quyền đặc biệt về giáo lý của đức Phật. Có thể họ không nói ra, nhưng họ nghĩ như thế!
    Nhưng thật ra, cho dù ta có áp dụng môn hermeneutical - một ngành khoa học dùng để nghiên cứu sâu sắc các văn bản xưa cũ kỹ, với mục đích thấu hiểu cặn kẽ, chính xác ý nghĩa gốc của nó - chúng ta cũng không thể nào thoát ra được điều này là: tất cả đều được tạo dựng lại bằng những gì đang có ở đây. Và cuối cùng rồi thì, tất cả những hiểu biết nào được tạo dựng lại của ta cũng đơn giản chỉ là những điều được tạo dựng lại mà thôi.
    Một sự hiểu biết về những gì đức Phật dạy đã được trải rộng ra với tất cả mọi người, với bất cứ những ai đã từng được nghe hoặc tiếp xúc với giáo lý của Ngài. Và sự hiểu biết ấy là một sự kiện riêng tư, xảy ra trong một thời điểm đặc biệt, được làm sáng tỏ bởi một cá nhân trong một trường hợp nào đó. Người ấy có thể là một học giả Phật học, hay một hành giả thực tập thiền quán, hoặc với một mục đích riêng tư nào đó… hay là tất cả những điều ấy. Vấn đề là họ không có khả năng suy nghĩ ra ngoài lãnh vực chuyên môn và nhu cầu của mình.
    Sự thật thì chỉ có một điều này là chắc chắn thôi, là tất cả những ai cố gắng tìm hiểu những gì Phật dạy cũng đều sẽ bị ảnh hưởng bởi quan điểm, phối cảnh và giới hạn riêng của chính mình. Thật ra, cũng còn có một điều chắc chắn nữa là: không có bất cứ một quan điểm nào có thể giúp ta lãnh hội được những gì đức Phật thật sự đã dạy.
    Nhưng điều ấy không có nghĩa là vì “tất cả đều là tương đối”, thế cho nên “sao cũng được!” Mỗi chúng ta xây dựng thế giới hiểu biết của mình như thế nào, là một vấn đề vô cùng quan trọng và thiết yếu. Mà thật ra, không còn gì quan trọng hay đáng quan tâm hơn việc ấy! Chúng ta xây dựng cho chính mình và thế giới của ta ra sao, thiện xảo (skillfully) hay không thiện xảo (unskillfully), nó sẽ quyết định khổ đau và hạnh phúc cho ta và người chung quanh.
Dưới ánh sáng của sự thực tập
Và đức Phật có để lại những lời hướng dẫn nào cụ thể để giúp chúng ta hiểu được những gì Ngài thật sự đã dạy hay không?
    Thật ra, dường như đức Phật cũng đã biết rõ vấn đề này. Ngay trong thời Phật còn tại thế, người ta cũng thường giải thích sai lạc lời dạy của Ngài, vì vô tình hoặc cố ý. “Này người sai lạc kia, sao ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy?” đức Phật nói với Arittha, khi người này cho rằng những gì được Phật gọi là chướng ngại, thật sự không có gì là chướng ngại (M 22), và với Sāti khi người này cho rằng Thức của ta vẫn còn tồn tại sau khi mất (M 38). Ngay lúc còn tại thế, lời dạy của đức Phật vẫn thường bị bóp méo hoặc làm sai lạc bởi “Những người nói rằng Như Lai có nói, có thuyết những điều mà Như Lai không nói, không thuyết” (A 2:3.3)
    Vì vậy mà đức Phật rất cẩn thận và nói rõ về phương cách nào mà giáo pháp của Ngài cần được truyền lại về sau, “Hai pháp đưa đến sự không hỗn loạn (mê mờ) và duy trì sự có mặt của diệu pháp: Văn cú được sắp xếp đúng đắn và ý nghĩa được giải thích chân chánh” (A 2:2.10)
    Và Ngài cũng dạy rằng, khi nào chúng ta nghi ngờ không biết một vị thầy có giảng nghĩa chính xác giáo lý của Phật hay không, chúng ta hãy“mỗi chữ, mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem ra so sánh với Kinh, và mang duyệt xét lại dưới ánh sáng của sự thực tập.” (D 16:4.8).
    Phần đầu của lời khuyên ấy “Văn cú được sắp xếp đúng đắn” có liên quan đến tính chất học giả, vấn đề chính xác của lịch sử, và một sự hiểu biết căn bản. Nhưng phần thứ hai của lời khuyên có nói về “ý nghĩa được giải thích chân chánh”“mang ra duyệt xét lại dưới ánh sáng của sự thực tập” là một vấn đề hoàn toàn khác biệt, nó đòi hỏi đến một sự khéo léo khác của ta.
Giáo pháp là để trải nghiệm
Giáo pháp của Phật, dharma, là để thực hành. Đó là một tấm bản đồ, tờ thiết kế, chỉ cho ta cách khám phá lại thân và tâm của mình trong giây phút hiện tại. Vì thế mà chúng ta chỉ có thể lãnh hội được nó khi nào mình mang ra thực hành. Vì vậy, câu trả lời hay nhất cho câu hỏi “đức Phật dạy những gì”, ta sẽ không thể nào tìm thấy trong văn tự mà phải bằng chính kinh nghiệm thực tập. Phương cách thực hành như thế nào thì ta có thể tìm thấy được sự hướng dẫn ấy trong kinh điển. Nhưng ý nghĩa giáo lý của Phật chỉ có thể tìm thấy được trong tuệ giác của chánh kiến, và nó sẽ chỉ có thể biểu hiện ra trong bây giờ và ở đây, qua ngay sự trải nghiệm của chính mình mà thôi.
    Như Phật đã dạy các người của bộ lạc Kālāmas, “Khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: ‘Các pháp này là thiện… Các pháp này nếu được thực hiện sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc’, thời này các ông, hãy cố gắng thực hành để tự đạt đến và an trú trong hạnh phúc!” (A 3:65)  Vì thế cho nên, phương cách hay nhất để hiểu được giáo lý của Phật là hãy trải nghiệm và trở thành những gì Ngài đã dạy.
Andrew Olendzki
Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
free hit counter

No comments: