Sợi dây cột mở trói

Mỗi con thú sẽ lôi kéo đi về một hướng khác nhau, cố gắng chạy trở về lại với cái nơi chốn quen thuộc của chúng. Con rắn sẽ bò về hang của nó dưới một tảng đá hay thân cây, con cá sấu sẽ cố lôi đi về hướng dòng sông, con chim sẽ bay lên không trung, con chó sẽ chạy về nhà, con lang sẽ phóng về hướng có xác chết, và con khỉ sẽ cố trèo lên cây cao. Bạn có thể tưởng tượng ra được cái cảnh tượng ấy chăng?
Cây cột chánh niệm và tỉnh giác
Đức Phật kể câu chuyện này trong Tương Ưng Bộ Kinh, Samyutta Nikaya (35.247), để diễn tả một tâm thức bị sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý) lôi kéo theo các phạm vi nắm bắt quen thuộc và thói quen của chúng, đi tìm kiếm một thú vui, một cảm giác dễ chịu. Đức Phật nói tình trạng đó cũng giống như chúng ta đang sống với một tâm thức nhỏ hẹp, bị giới hạn, và hoàn toàn không có một sự tự do nào hết. Và Ngài chỉ cho ta một phương cách để giải quyết tình trạng ấy, là hãy đóng một chiếc cọc xuyên qua cái gút chính giữa ấy và giữ nó sâu xuống đất. Nó sẽ giúp ta buộc giữ sáu con thú ấy lại ở yên một chỗ. Chiếc cọc ấy tượng trưng cho một chánh niệm, tỉnh giác, và đó cũng chính là một phương tiện giúp ta đạt đến giải thoát.

Mỗi con thú ấy nghĩ rằng, tự do là khi nào nó có thể đi về nơi nó muốn, nhưng thật ra thì đó vẫn còn là đang bị trói buộc qua nhiều cách. Trước hết là nó đang bị sai xử bởi một bản năng tự động đi tìm thú vui và trốn tránh đau đớn. Kế đến là nó chỉ biết đi tìm sự thoả mãn ở những nơi chốn quen thuộc, theo tập quán và thói quen cũ. Và sau hết, nó chỉ xích lại được gần đến với đối tượng ham muốn của mình, khi nào nó thắng cuộc và lôi được những con thú khác về phía ấy, và cũng chỉ là tạm thời mà thôi. Trong sự tranh chấp đó thì con thú nào rồi cũng bị mệt mỏi, và cuối cùng sẽ bị lôi kéo theo con thú nào là mạnh nhất. Tôi thì sẽ đặt tiền của mình vào con cá sấu!
Không buông lung mới thật sự là tự do
Sáu giác quan - thân và tâm - của chúng ta bị trói buộc rất mật thiết vào lại với nhau, và nó còn chặt chẽ hơn bất cứ một sợi dây thừng hay một cây cột nào, chúng sẽ luôn luôn bị lôi kéo về phía những đối tượng dễ chịu và tránh né những đối tượng nào khó chịu. Dưới cái nhìn của đức Phật thì sự tự do hành xử theo những bản năng thúc đẩy của mình là một thứ tự do hết sức giả tạo, nó được đặt lên bởi một tâm thức rất giới hạn và bị mê mờ. Việc ấy cũng giống như là ta bảo một người ghiền thuốc rằng anh ta có thể dừng hút nếu anh muốn, hay nói với một người tù bị nhốt trên một hải đảo rằng, anh ta có tự do đi lại bất cứ nơi nào anh muốn trên hải đảo này.

Câu chuyện của đức Phật kể được kết thúc bằng một hình ảnh thật đẹp, với sáu con thú cùng nằm xuống yên ổn bên nhau, chúng không còn lôi kéo nhau, không còn mong muốn một cái gì xa xôi khác nữa. Cũng tương tự như thế, khi sự dằn co giữa những ham muốn và ghét bỏ đã lắng yên xuống, khi những nỗ lực và lười biếng trong ta quân bình nhau, và khi những nghi ngờ được tạm thời để sang một bên, tâm ta sẽ có khả năng tiếp nhận một cách cởi mở hơn, và với một sự tự do rộng lớn hơn. Khi các giác quan của ta không còn vất vả để cố đạt được những hình thái dễ chịu, và cũng không còn đuổi xô những gì khó chịu, tâm ta sẽ có thể thấy được rõ ràng những gì đang thật sự sanh lên và diệt đi.
Dây cột giúp ta mở trói

Chúng ta thường nghĩ rằng, tự do có nghĩa là tự do được làm những gì mình muốn, nhưng đối với đức Phật thì tự do có nghĩa là tự do không còn bị chế ngự bởi sự tham muốn nữa. Chúng ta cho rằng cây cột là một chướng ngại và tự do là khả năng đeo đuổi và đạt được những đối tượng ưa thích của mình. Nhưng ngược lại, đối với đức Phật thì sự đeo đuổi những thú vui giác quan ấy lại là những chướng ngại, và cây cột chánh niệm, tỉnh giác ấy chính là biểu tượng cho sự giải thoát của ta ra khỏi những trói buộc ấy. Quả thật đó là một cái nhìn rất mới mẻ, nhưng có lẽ Ngài muốn chỉ cho chúng ta một con đường mới đáng để cho ta tìm hiểu thêm. Có lẽ sự tự do trong nội tâm mới thật sự có giá trị cao tột hơn là cái tự do ở bên ngoài!
Andrew Olendzki
Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
No comments:
Post a Comment