Tôi có một người bạn, có lần chị đi sang thành phố New York, thấy có một tấm biển quảng cáo thật lớn,
với hình một người thiếu niên mặc một chiếc quần jean cũ bạc màu, đứng với với một thái độ thách thức, cạnh bên là một dòng chữ lớn "Be Who You Are!" Mình sao thì cứ là như vậy, hãy sống với con người thật của mình!
Bạn biết không, tuổi trẻ lớn lên bên xứ này bị ảnh hưởng văn hóa Tây phương nên nhiều khi cũng có cùng một thái độ ấy. Tôi biết có những em khi bị các bậc phụ huynh khuyên dạy thường trả lời rằng,
“Con là như vậy đó! Con không thể thay đổi được” (I am who I am. And I'm not going to change it!). Mà tôi biết người lớn chúng ta cũng thường khi có thái độ ấy. Mỗi khi bị người thân phê bình ta thường đáp xẵng lại, "Tôi là như vậy đó. Tôi không thể đổi tánh mình được. Chịu không được thì thôi! (That's the way I
am!")
Nhưng trên con đường tu học, chúng ta nên thử nhìn lại xem mình thật sự là ai? Ta có phải chỉ là sự nóng tánh thôi chăng? Ta có phải chỉ là những ham muốn đó thôi chăng! Thế nào là một cái
tôi ảo tưởng và thế nào là cái tôi chân thật? Làm sao ta biết những gì là ta và những gì không phải là ta? Ta có phải chỉ là một người trực tính thôi chăng? Hay ta là một người rộng lượng? Và nếu như ta không còn những tánh đó nữa, ta có vẫn còn là ta không, hay sẽ là một người nào khác?
Vì cái thấy sai lầm
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, khi bước vào con đường tu học ta sẽ phải đánh mất đi sự say mê (passion) và những bén nhạy tự nhiên (spontaneity) của mình đối với cuộc sống chung quanh. Ta sợ thiền tập sẽ khiến ta trở thành một người vô cảm, không còn biết chọn lựa, mình sẽ không còn là mình nữa! Nhưng sự thật có đúng như vậy không?
Tôi thấy vấn đề có lẽ là vì chúng ta có một quan niệm sai lầm về thế nào là tánh tự nhiên của mình. Có thể ta lầm lẫn tính tự nhiên với lại những tập quán và thói quen đang có của mình.
Thật ra phần lớn những hành động mà ta cho là "tự nhiên" ấy, chúng chỉ là những phản ứng bị điều kiện của mình mà thôi. Chúng ta bị điều kiện và sai xử bởi các thói quen và tập quán lâu đời,
mà chúng là sự huân tập của những buồn vui, ham muốn, ghét bỏ qua năm tháng. Chúng ta hành xử theo chúng, đôi khi làm mà không hề ý thức được hậu quả của việc mình làm. Và rồi ta bị trôi lăn theo những bận rộn, lo âu của cuộc sống hằng ngày, phản ứng máy móc theo hoàn cảnh chung quanh. Và ta lại vô tình cho đó là con người thật của mình.
Đừng tự giới hạn chính mình
Thật ra thì Phật dạy trong ta có đầy đủ hết tất cả: từ bi, sân hận, tha thứ, ganh tỵ, rộng lượng,
si mê, tuệ giác... Ta là tất cả những cái đó chứ không riêng biệt một cái nào hết. Chúng là những hạt giống có mặt trong khu vườn tâm thức của mình.
Vấn đề là ta cần biết chăm sóc và tưới tẩm những hạt giống nào trong ta. Có những hạt giống mang lại cho ta hạnh phúc, tự do và cũng có những hạt giống mang lại sự ràng buộc và khổ đau, mà
chúng biểu hiện ra bằng những tập quán và thói quen của mình. Mỗi hạt giống chỉ là một phần rất nhỏ chứ chúng vẫn không phải thật sự là ta. Sự tu học giúp ta thôi tưới tẩm những hạt giống bất thiện và nuôi dưỡng thêm những hạt giống an lành và hạnh phúc.
Nhưng thật ra, chúng ta có cần phải lao tác khó nhọc gì không bạn hả, hay chỉ cần để cho tất cả được trong sáng tự nhiên mà thôi, vì trong ta đã có đủ đầy sự trong lành!
Thật ra nếu ta biết nhìn cho sâu sắc, thì ta sẽ thấy rất rõ rằng cũng không có một người làm vườn, một cái tôi nào, để chăm sóc cho thửa vườn ấy. Nếu ta biết thật sự để yên cho nó được tự nhiên, thì thửa vườn ấy sẽ biết tự chăm sóc lấy nó. Tôi nhớ hai câu thơ của Trúc Lâm Đại Sĩ, tức vua Trần Nhân Tông khi đã đi tu, một lần trả lời câu hỏi của một thiền sinh về chuyện tu học, Ngài nói: “Vườn xưa vắng mặt người chăm sóc, Lý trắng đào hồng tự nở hoa.”
Mình không phải là một mà là nhiều. Sự sống của ta rất là thênh thang. Vì ta không phải là một cái gì duy nhất và cố định cho nên ta lúc nào cũng có thể thay đổi được, chuyển hóa được. Chúng ta to
tát hơn những vấn đề của mình, và chúng ta cũng rộng lớn hơn tất cả những khổ đau ấy.
Nguyễn Duy Nhiên
Trích trong “Nói với người bạn tu
học.”
1 comment:
Bài viết hay. Cám ơn anh Duy Nhiên.
Post a Comment