cần bao nhiêu bước?
Ðêm qua trời sáng trăng. Khuya trên con đường về
chiếc lều nhỏ, tôi thấy núi rừng núi hùng tráng, huyền bí dưới ánh trăng. Tu
viện đã ngủ yên sau thời công phu tối. Tiếng chuông mõ lặng im. Tôi nghe
tiếng chân mình lao xao trên bụi đất. Trên cao, khung trời lóng lánh ngàn
sao như thấp xuống thật gần. Dãy ngân hà nằm vắt ngang bầu trời khuya như
một vạt mây xám. Sáng nay Thầy rủ tôi xuống cốc uống trà. Tách trà thật
ngon, Thầy bảo trà này được ướp bằng ánh trăng!
Mấy hôm ở đây, ngày nào cũng nắng đẹp. Những khi đi
dưới tàng cây đan mộc to cao vút, khuất lấp ánh nắng mặt trời, tôi thấy mát
lạnh. Có lần đang đi dạo một mình ven triền núi, tôi thấy mây từ ngoài biển
đột nhiên kéo nhanh vào từng lớp như sương mù, bay ngang qua rừng đan mộc,
thấm vào áo, vào tóc, vào mặt tôi, lạnh buốt. Tôi nhớ hai câu thơ của một
thiền sư:
Thân tại hải trung hưu mích thủy
Nhật hành lãnh thượng mạc tầm
sơn
Thân ở biển khơi thôi tìm nước
Ngày đi trên núi há tìm
non.
Phải cần bao nhiêu bước?
Trong đạo Phật có nói về lý vô tác, nothing to be done, đôi khi cũng còn được gọi là vô nguyện, nothing to be attained. Vô tác có nghĩa là không có gì cần được tạo tác nữa, không có gì cần được thực hiện thêm nữa. Thật vậy, nếu như ta đang ở giữa biển khơi mà đi tìm nước, hay lang thang đi trên núi mà cứ tìm non, thì mình thật là vô lý
Có lần thiền sư Tejaniya hỏi các thiền sinh rằng,
“Quý vị có ai biết rằng đi từ phòng của mình lên đến thiền đường, quý vị
phải cần bao nhiêu bước không?” Các thiền sinh có vẽ bối rối, không biết trả
lời như thế nào. Ngài Tejaniya đáp, “Quý vị chỉ cần có một bước thôi, bước
này trọn vẹn rồi đến bước kế tiếp.” Thật ra thì bước chân tới cũng vẫn chỉ
là một bước chân này thôi, nơi nào ta đang đến cũng chỉ có thể là bây giờ và
ở đây. Nếu như con đường ta đi chỉ cần có một bước chân, thì ta có cần phải
cố gắng gì lắm không?
Tôi nghĩ nhờ có thái độ vô cầu mà ta có thể thật sự
có mặt được với những gì đang xảy ra, không tìm kiếm hoặc bắt nó phải là một
cái gì khác hơn, theo ý mình.
Hiển lộ khi điều kiện đầy đủ.
Tu viện nằm trên núi cao nên bầu trời rất trong! Những buổi sáng trời còn khuya chúng tôi đi xuống thiền đường. Sau thời công phu, mặt trời chưa lên nhưng chân trời đã bắt đầu hồng sáng. Tôi thường ra ngoài hiên ngồi. Nơi tôi ngồi trên cao nhìn xuống xa xa tận bên dưới là một vịnh biển xanh, vây quanh là núi và rừng cây đan mộc già trăm tuổi.Một không gian trời và nước mênh mông.Tôi ngồi ở giữa chừng không, trên cao là bầu trời xanh trong, bên dưới là một đai dương xa tít đến tận chân trời. Tôi nhắm mắt buông thả trong nắng mới bình minh lên rất nhẹ sau dãy núi xa. Không biết thời gian bao lâu, tôi chợt cảm thấy có những làn gió mát lạnh lùa vào! Mở mắt ra tôi thấy chung quanh mình toàn là mây.
Tôi đang ngồi trong mây và trên mây. Tôi nhìn xuống phía
dưới, bây giờ là một vùng mây dầy kín che khuất biển. Mây xuất hiện từ lúc
nào giữa không trung! Có những làn mây bay vào thiền đường, mây trôi rất
nhanh, lướt xuyên qua tôi làm thành những làn gió mát lạnh.Tôi không biết
mây từ đâu đến, dường như nó chỉ xuất hiện từ giữa một không trung trống
không! Ngày xưa, tôi cứ nghĩ mây phải từ một nơi nào đó bay về, nhưng giờ
tôi khám phá rằng mây chỉ hiện ra mà thôi.
Tôi chợt nghĩ đến một sự an lạc trong thiền tập
cũng vậy! Khi điều kiện đầy đủ thì nó hiển lộ ra thôi. Nó không đến từ một
nơi nào hết. Nó có mặt khi ta cho phép mình có một không gian, để thấy rõ
mỗi việc xảy ra là một sự vận hành tự nhiên. Ta không nhất thiết cần làm gì
để tạo cho mình một sự an lạc. Nó chỉ biểu hiện ra thôi.
Trên núi há tìm non.
Bây giờ, nơi tôi ngồi trong căn phòng nhỏ, không có trăng sao, không có
trời biển, không có một cảm giác mát lạnh nào của mây. Nhưng tôi cũng vẫn có
thể tiếp nhận và thấy rõ những cảm thọ nào đang có mặt trong giờ phút này.
Cũng vẫn chỉ là một cái biết rộng mở đó thôi.
Tôi biết rằng tâm mình tự nó sẽ được yên, nếu như
tôi biết buông thả những nỗ lực không cần thiết và sự mong cầu của mình,
trong khi ngồi. Như một chiếc lá nhẹ buông, nó có cần một nỗ lực nào
không…
Giác ngộ là một sự cố gắng
nhưng không hề có chút ham muốn
Mặt nước trong xanh đến tận đáy hồ
một con cá bơi lội thong dong như cá
Bầu trời trong xanh thênh thang vô cùng tận
một con chim bay lại tự tại như chim
− Đạo Nguyên
Tôi nghĩ, những cuộc tầm đạo thường ít khi dẫn ta đến gặp chân lý, nhưng nó
giúp ta tỉnh ngộ ra rằng, chân lý bao giờ cũng đang có mặt ở nơi đây.
Chúng ta nên thôi tìm kiếm và hãy bắt đầu với những
gì mình đang có. Như cá thong dong trong nước, chim tự tại trong bầu trời.
Nó sẽ biểu hiện khi điều kiện thích hợp và đầy đủ. Ta biết mình cũng cần đến
những sự dụng công và cố gắng, nhưng đừng để những ham muốn, mong cầu làm
trở ngại cái thấy của mình. Ngày đi trên núi há tìm non…
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment