Monday, November 21, 2022

Quê Nội

Quê Nội

Mỗi lần nghe bài hát, “Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng ruộng vắng…” là tôi lại nhớ hình ảnh quê Nội của tôi. Quê Nội tôi nằm ở Ba Xuyên hay còn gọi là Sóc Trăng, một tỉnh lỵ thuộc miền Tây của Sài Gòn.
    Ngày còn nhỏ chúng tôi thường được ba má dẫn về thăm quê Nội vào mấy tháng nghỉ hè. Tôi vẫn còn nhớ những buổi sáng sớm Sài Gòn lành lạnh trời còn tối thui ấy, chúng tôi lăng xăng xách những chiếc va-li, chồng chất nhau, leo lên chiếc xích lô máy để đi ra bến xe đò. Tiếng máy xe nổ lùng đùng vang dội giữa hai dãy phố còn đang ngủ say. Chúng tôi mấy anh em vẫn còn chưa tỉnh ngủ, nhưng hớn hở với chuyến đi trước mắt.
    Chúng tôi thích thú ngồi trong chuyến xe đò chạy ra ngoài ngoại ô, vào một buổi sáng tinh sương. Hai bên đường là những cánh đồng lúa bát ngát, cò bay thẳng cánh. Chân trời còn lờ mờ trong sương mù buổi sáng. Ở thành phố làm gì có cảnh bình minh trong sương sớm! Làm gì có những chân trời cao rộng như vùng ngoại ô! Anh em chúng tôi thường dành nhau ngồi cạnh cửa sổ, để được ngắm cảnh hai bên đường và hưởng gió mát lùa vào mặt, thổi bay tóc. Miền quê đối với tôi, những ngày còn nhỏ ấy, là một thế giới mới lạ và thơ mộng. Chúng tôi cũng đã được ba má cho đi ra Vũng Tàu, nhưng tôi không thích phong cảnh đường đi lên phía đó lắm. Không biết sao, những lúc ấy còn nhỏ, tôi chỉ thấy nó không giống với một hình ảnh của quê hương miền nam, như trong đầu óc con nít của mình.
    Tôi thích được nhìn những đồng ruộng bát ngát trải dài trong bình minh, khi ánh nắng hồng làm vàng thêm những hạt lúa chín. Tôi thấy những con trâu đen, thân đóng những mãng bùn nâu khô, nằm im trên bờ phe phẩy đuôi trong nắng sớm. Có những bác nông phu quần sắn lên tận gối, ôm những bó lúa lụp xụp đi trong đám ruộng đầy nước loáng thoáng ánh mặt trời hồng đỏ. Những hình ảnh mà tôi vẫn thấy vẽ trong quyển sách giáo khoa ở trường, cạnh bài tập đọc tả về phong cảnh ở miền quê, có con trâu, có chiếc ghe nhỏ... Tôi thấy ở bên ngoài, chúng cũng giống y hệt như những điều mà tôi vẫn tưởng tượng.
    Xe chạy trên một quốc lộ dọc theo một con sông đào nhỏ, có những cây cầu khỉ cheo leo bắt ngang, có những mảng lưới lớn được mắc trên những thanh cây thật dài, thòng xuống mặt nước để vớt cá. Tôi thấy những chiếc ghe nhỏ với một cô gái đứng phía sau thong thả chèo, đưa người đi lại trên sông. Dọc hai bên là những bờ đất lở, để lộ cả rễ cây, có những tàng cây rậm rạp phủ chấm mặt nước, cành lá đóng đầy bùn khô. Thỉnh thoảng, bên bờ có một mái nhà bằng lá che trên mặt nước, làm chỗ cho ghe đậu. Trên sông có những đám lục bình xanh tươi trôi chạm chạp, hiền hòa. Buổi trưa có những đứa trẻ cở tuổi chúng tôi đùa giỡn, ngồi trên cây nhảy ùm xuống nước, rồi lặn mất hút, trên con sông nhỏ đầy phù sa.
    Những hình ảnh đó của thời còn nhỏ về quê, tôi không bao giờ quên được. Con đường về quê Nội tôi, đi ngang biết bao nhiêu sông lạch. Có những chiếc cầu làm bằng ván, bắt ngang những con sông nhỏ, kêu lên xầm xập mỗi khi có xe đi qua. Muốn đến Sóc Trăng người ta phải đi qua hai bến phà, hay còn gọi là bến bắc. Bến phà là một đặc điểm của miền Tây. Đi từ sáng sớm, đến gần trưa thì đến bắc Mỹ Thuận. Bến bắc là một thành phố nhỏ, hai bên đường là những căn nhà san sát lợp tôn, nhộn nhịp như một khu chợ. Nơi đây người ta tấp nập tới lui, ăn uống, mua bán bánh trái, xe cộ chen lấn nhau lên phà. Gặp những chiếc phà lớn, anh em chúng tôi thường rủ nhau xuống xe, leo lên từng trên cao, có những hàng ghế ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, xem nước sông mênh mông đục màu phù sa với những đám lục bình thật lớn trôi lềnh bềnh, nhìn con phà rẽ nước hai bên, tạo thành những con sóng nhỏ làm nhấp nhô vài chiếc ghe nhỏ trên sông.
    Chúng tôi đến thành phố Khánh Hưng của Sóc Trăng vào khi trời xế chiều. Khánh Hưng là một thị xã lớn của Ba Xuyên, Sóc Trăng. Nhà Nội tôi nằm trên con đường Lý Thường Kiệt chạy dọc theo bờ sông. Những buổi trưa trốn ngủ, anh em chúng tôi thường ra trước hiên nhà xem những chiếc ghe lớn đậu lại, cất dở hàng hóa đến từ nơi xa. Thành phố này chỉ có vài con đường lớn, mà người ta “đi dăm phút đã về chốn cũ”; có ba rạp chiếu bóng, hát xuất, mà mỗi ghi gần đến giờ, bất kể trưa chiều, chúng đều rung chuông báo hiệu rất lâu, vang khắp thành phố.
   Thị xã Khánh Hưng có hồ Tịnh Tâm hay hồ Nước Ngọt, mà người lớn thường chở chúng tôi đến chơi vào những buổi chiều trời mát. Hồ Tịnh Tâm có nuôi bầy cá vàng và trồng nhiều sen. Giữa hồ là một nhà nghỉ mát lớn, chung quanh có trồng nhiều cây và những hòn non bộ làm bằng đá thật lớn. Chúng tôi thường chạy chơi với nhau trên chiếc cầu hình vòng cung bắt ngang qua giữa hồ, hay nhặt những viên đá sỏi thả qua những kẽ hở của thanh cầu xuống dưới mặt hồ.
    Thành phố ấy nhỏ, có những buổi trưa nắng, đường xá im lặng, vắng tênh; có những vĩa hè làm bằng các miếng gạch nung màu đỏ đất sét, vuông vức; có một chiếc cây “cầu quay” màu trắng bằng máy củ kỹ, đã bạc màu mưa nắng, dầu vậy vẫn còn tận tụy, chậm chạp quay ngang dọc trên sông mỗi khi có ghe lớn đi qua. Cạnh đó có ba chân cầu nối nhau hình tam giác bỏ không từ bao giờ, đứng trơ vơ giữa dòng sông nhìn con nước đậm màu phù sa muôn đời suôi chảy.
    Đã lâu, lâu lắm rồi tôi chưa về lại quê nội, mấy mươi năm trời mưa nắng, thành phố ấy bây giờ ra sao, mất còn những gì! Tôi biết tất cả bây giờ cũng đã thay đổi nhiều lắm. Nhưng chắc có lẽ con sông trước nhà nước vẫn hiền hòa chảy, mang theo những đám lục bình trôi dạt vô tư như những ngày còn nhỏ. Những ngày mưa, bến sông có lẽ sẽ vắng người ghé qua. Hồ Tịnh Tâm chắc vẫn còn đứng đấy bất chấp mọi biến đổi, thăng trầm của cuộc đời. Chiếc cầu vòng cung ngày nào, những miếng ván đen màu chắc cũng ghi nhớ đủ tháng ngày nắng mưa. Thành phố ấy, chắc vẫn còn những buổi trưa nắng đường xá vắng tênh, cho anh em chúng tôi thường trốn ngủ rủ nhau đi bắt dế.
    Những hình ảnh ấy gom góp lại làm nên quê Nội tôi trong ký ức, có con sông dài trước nhà chở đầy ấp phù sa. Đã xa lắm, lâu lắm rồi chúng tôi chưa có dịp về. Anh em chúng tôi bây giờ đã già lớn hơn xưa. Thỉnh thoảng chúng tôi hay ngồi với nhau, nghe nhắc lại một vài kỷ niệm vui trong những lần về thăm quê Nội. Tất cả trong chúng ta, ai mà chẳng có một quê Nội, quê Ngoại của tuổi thơ ấu, để mà tưởng đến, mà mơ về.
    Đa số chúng ta đã có may mắn được dịp sống giữa ruộng lúa quê nhà, được ra vào nơi cầu ao xóm cũ. Những kỷ niệm thuở nhỏ ấy thật xa xôi, mà đôi khi cứ tưởng như mới gần đây. Mỗi lần nghe bài hát, tôi vẫn còn có thể thấy được rõ ràng những hình ảnh hiền hòa đã ghi lại trong ấy. Từ một con sông đào xinh xắn, nước tuôn chảy trên một đồng ruộng lúa vắng, cho đến những bóng đa ôm đàn em bé, nắng trưa ngủ im lìm trong lá và những con trâu nằm mơ mộng cạnh bụi tre già, nghe tiếng sáo thổi vi vu trong gió… 
    Mấy ai có thể dễ dàng quên được quê Nội hay Ngoại của mình! Vì dầu sao đi nữa thì chúng cũng đã được gói ghém rất kỹ trong từng tế bào cơ thể của chúng ta rồi, từ một thuở thơ ấu xa xưa nào ấy….
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

free hit counter

No comments: