Monday, December 29, 2014

Giới thiệu sách mới - Nói với người bạn tu học

Giới thiệu sách mới
“Nói với người bạn tu học”

Trong quyển “Nói với người bạn tu học”, anh Nguyễn Duy Nhiên chia sẻ những kinh nghiệm và cảm nghĩ về con đường tu học. Tác giả trình bày những nhận xét của mình về những vấn đề, thắc mắc, khó khăn chung mà một người tu học thường gặp phải.

Monday, September 15, 2014

Đừng nên giữ lại

Đừng nên giữ lại

Nếu bạn là một nhà văn, nhà thơ, hay một người thích sáng tác, tôi xin tặng bạn lời khuyên sau đây của bà Annie Dillard.  Bà Dillard là một tác giả nổi tiếng, từng được trúng giải thưởng Pulitzer Prize về văn chương.
"Tôi cũng có biết một chút ít về vấn đề viết văn, và chúng là như vầy: hãy chia sẻ hết tất cả, cho hết, sử dụng hết, tất cả, ngay tức thì, cho hết tất cả ngay bây giờ.  Đừng để dành những gì ta thấy là hay đẹp cho một đoạn khác về sau trong sách, hay dành lại cho một quyển sách khác, hãy chia sẻ nó đi, chia sẻ tất cả, chia sẻ ngay bây giờ. 

Monday, September 1, 2014

Cafe Pháp buổi sáng

Nhờ những sách ấy, mà mình có được nhiều buổi sáng cafe nơi góc đường yên tĩnh - mà với tôi, tôi gọi nó là cafe Pháp (dharma coffee)... - Huỳnh Trọng Khánh





free hit counter

Wednesday, July 2, 2014

nỗi đau

nỗi đau

Con người ta sinh ra trên trái đất này là để trải nghiệm tất cả những bài học được mất, sướng, khổ, buồn vui; trải nghiệm những điều bất hạnh nhất trên đời, cũng như những giây phút thăng hoa của cuộc sống. Nếu ai đó nói người đó chưa bao giờ bị đau đớn, thì chỉ là người… ngoài hành tinh thôi!
Nỗi đau không bao giờ giống nhau, nhưng có chung một điểm, đó là: nó làm cho tâm thức ta như bị ‘trúng đạn’. Nhưng cũng nhờ đó, ta như người mê, tỉnh ra, và biết rõ ta đang đau đớn đến nhường nào. Tính biết trong ta nhờ thế, dẫn ta trở lại giây phút hiện tại. Ta trở nên bình tĩnh và suy xét chính xác hơn về nỗi đau của chính mình.

Thursday, June 5, 2014

chiếc bình bát của ta

chiếc bình bát của ta

Ngày xưa vào thời đức Phật, mỗi sáng các thầy ôm bình bát của mình đi vào làng để khất thực.  Khất thực có nghĩa là xin vật thực của người để nuôi thân.  Các thầy thong thả đi từ nhà này sang nhà khác, không chọn lựa, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước cửa.  Và họ tiếp nhận hết bất cứ những vật thực nấu sẵn nào được người dân bỏ vào bình bát của mình, không khen chê, vui buồn, và cũng không phân biệt.  Với một tâm bình đẳng.
    Tôi thích hình ảnh ấy. Tôi nghĩ trên con đường thực tập chúng ta cũng như những vị tu sĩ đi khất thực.  Mỗi sáng thức dậy, chúng ta bước vào cuộc sống với chiếc bình bát của mình.  Và chúng ta đâu biết trước hôm nay cuộc đời sẽ trao tặng hay thảy bỏ những gì vào chiếc bình bát của mình?  Những niềm vui hay những lo âu nào?  Nhưng như các vị ấy, chúng ta hãy thực tập theo lời Phật dạy, hãy giữ cho bình bát mình được trống không, và tập tiếp nhận những gì cuộc đời trao cho ta hôm nay, với một tâm bình đẳng không phân biệt. 
    Tất cả dẫu có là khó khăn, nhưng đều cũng có thể là những chất liệu để làm tăng trưởng và nuôi dưỡng, giúp ta quay về để thấy được thực tại của mình.  Và thật ra, ta chỉ có thể chuyển hóa những khó khăn của mình ngay trong chính thực tại ấy mà thôi.
Có mặt trong mọi hoàn cảnh
Sáng hôm nay trời trong xanh và có gió mát, tiếng suối chảy réo rắt vang lại từ bên kia bờ rừng.  Mùa hè về núi rừng xanh cỏ lá.  Bạn biết không, tôi nghĩ nghệ thuật để có hạnh phúc trong cuộc sống là làm sao chúng ta có thể tiếp nhận những gì đang có mặt.  Không nắm bắt và cũng không xua đuổi những gì xảy ra.  Tôi chợt nhớ câu chuyện này của ông Joseph Goldstein kể.
“Thời gian tu tập ở Ấn độ, tôi sống trong một chiếc cốc nhỏ, chiều ngang chừng 6 bộ (feet) và chiều dài 7 bộ.  Cánh cửa ra vào ngôi cốc của tôi chỉ là một tấm màn che mỏng.  Mỗi ngày trong khi tôi ngồi thiền trên giường, có một con mèo không biết ở đâu lang thang đi vào, và rồi nó leo lên nằm gọn trong lòng của tôi.  Tôi phải đứng dậy ẳm con mèo ấy và thả nó ra ngoài.  Nhưng chỉ chừng vài phút sau, nó cũng đi vào trở lại và leo lên lòng của tôi.  Tôi với con mèo, dường như là cả hai đang cùng múa với nhau theo một vũ điệu nào đó vậy.  Tôi mang thả nó ra ngoài, và rồi nó leo trở lại vào trong lòng tôi.  Và sự việc cứ tiếp tục lặp đi lặp lại như vậy mãi.  Tôi đem nó bỏ ra ngoài là vì tôi đang ngồi thiền, tôi đang cố gắng công phu để được giác ngộ. Nhưng con mèo ấy cứ tiếp tục quay trở lại phá rối sự thực tập của tôi.
Và càng lúc tôi lại càng cảm thấy bực mình và rất khó chịu vì sự lì lợm của con mèo này.  Cuối cùng, sau hơn một giờ rưỡi đồng hồ mang nó trở ra và nó lại quay trở vào, tôi phải đầu hàng! Tôi chấp nhận! Không còn biết cách nào khác để làm nữa hết.  Cánh cửa ra vào chỉ  là một tấm màn, tôi không thể nào đóng lại được.  Tôi ngồi xuống thiền, và một chút sau con mèo lại thong thả đi vào và leo vào lòng của tôi.  Nhưng tôi không thèm làm gì hết. Buông bỏ hết! Tôi chấp nhận nó như một phần của buổi ngồi thiền, một phần công phu của mình.  Chỉ chừng vài phút sau, con mèo từ từ đứng dậy và nó bỏ đi ra ngoài.  Và lúc ấy tôi chợt ý thức rằng, những vị thầy của ta đang có mặt trong tất cả mọi hoàn cảnh!”
    Trong cuộc đời đôi khi cũng sẽ có những khó khăn và muộn phiền mà chúng cứ quay trở lại với mình mãi, dầu ta có cố gắng để buông bỏ.  Có lẽ cũng như ông Joseph, ta phải để yên cho nó thôi.  Ta để yên cho nó bằng cách buông xả tự nhiên, thôi đối kháng.  Mà khi ta được yên rồi thì nó cũng sẽ được yên thôi.  Bạn biết không, đôi khi không làm gì hết mà mình vẫn có thể chuyển hóa được những khó khăn.  Ta hãy tập tiếp nhận tất cả bằng chiếc bình bát trống không của mình.
Khất pháp
Chiều hôm qua tôi lên núi một mình.  Con đường lên núi có những khoảng cỏ mọc thật cao, và phủ đầy lá vàng của mùa thu năm ngoái. Tôi đi lại bờ núi, ngồi nhìn sang bên kia thung lũng là một dãy rừng núi kéo dài xa xăm.  Trên cao bầu trời mùa hè trong xanh.  Ngồi nơi đây thì ta dễ cảm thấy yên.  Nhưng tôi nghĩ sự thực tập của chúng ta không thể nào tách rời với sự sống.  Sự sống và những sinh hoạt hằng ngày vẫn có thể là một môi trường tốt để cho ta thực tập, và thực tập một cách sâu sắc. Nếu ta có một không gian yên tĩnh để cho mình ngồi xuống trên tọa cụ thì không còn gì bằng.  Nhưng cuộc đời ít khi cho chúng ta có được cơ hội ấy!
    Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày ta nên có những lúc dừng lại để ý thức được những gì đang có mặt trong thân tâm mình. Buông xả những đối kháng không cần thiết.  Thái độ ấy sẽ mang ta trở về với chính mình cho dù ta đang trong một hoàn cảnh nào, hay làm bất cứ một việc gì.  Và khi ta có chánh niệm và tỉnh giác thì nó sẽ mang lại cho ta một sự an tĩnh, một niềm vui.  Tôi không nghĩ rằng mục đích của thiền tập chỉ là để đi tìm một sự an lạc.  Nhưng sự tĩnh lặng, an vui là kết quả của thiền tập.  Tôi nhớ có một câu thơ nào đó viết rằng, ta hãy đào một ao nước trong đi, thì không cần mời mọc, vầng trăng kia cũng vẫn sẽ đến chiếu sáng nơi đây.  Khi ta có được một sự vững vàng, một thái độ buông xả rồi, thì an lạc và tĩnh lặng là điều tự nhiên thôi.  Chứ thật ra ta không cần phải nhọc công chế tác ra sự an lạc ấy.
Bạn biết không, các vị tu sĩ ngày xưa còn được gọi là khất sĩ, mendicant. Khất sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp. Khất pháp có nghĩa là xin pháp, dharma, để thực tập, để chuyển hóa khổ đau.  Trên con đường tu học thì có lẽ mỗi người chúng ta cũng là một khất sĩ bạn nhỉ?  Mỗi buổi sáng thức dậy ta mang bình bát trống không của mình bước vào cuộc đời, và ta tập tiếp nhận với một tâm bình thản và buông xả.  Hoàn cảnh nào cũng có thể là một vị thầy.  Dẫu biết rằng con đường dài và khó đi, nhưng tất cả cũng phải được bắt đầu bằng một bước chân nhỏ.  Cho dù có là chập chững nhưng ta vẫn bước tới.  Và nếu như có vấp ngã, Pháp sẽ nâng đở cho ta.
    Nắng chiều chầm chậm trôi về vướng ngang trên đỉnh núi cao.  Ở miền này có rất nhiều những cây tùng, trên đường xuống núi tôi nhặt một hạt acorn nhỏ trong lòng bàn tay. Hạt tuy nhỏ bé nhưng nó cũng có tàng chứa trong ấy một cây Tùng thật lớn.  Tôi chợt nghĩ, hạnh phúc của mình cũng là một hạt acorn nhỏ bé.  Chỉ cần đất thơm, cần nước mát, cần sự buông xả, tỉnh giác và một tình thương lớn, một ngày chắc chắn rồi nó cũng sẽ trở thành một cây tùng cao xanh và rộng tàng bóng mát.
nguyễn duy nhiên

free hit counter

Tuesday, May 6, 2014

như hoa cúc giữa đồng

như hoa cúc giữa đồng

Bà Zenkei Blanche Hartman là một giáo thọ trụ trì thiền viện San Francisco Zen Center, thuộc dòng thiền Tào Động của thiền sư Shunryu Suzuki (tác giả quyển Thiền tâm, Sơ Tâm).  Bà Hartman thường phụ trách phần trả lời cho các câu hỏi của độc giả trên một báo Phật học.  Có một độc giả viết thư hỏi bà,

Friday, April 25, 2014

xoay xở khéo léo

xoay xở khéo léo

Cuộc sống của chúng ta bao giờ cũng sẽ có những khó khăn và gặp những vấn đề không vừa ý.  Nhưng hạnh phúc là do ở thái độ của mình.  Nếu như ta biết trở về với một tâm trong sáng, không mong cầu, và biết xử lý những gì xảy ra với cùng một thái độ ấy, thì dù cuộc sống có những khó khăn cũng vẫn có thể là hạnh phúc, vì ta không còn tạo tác thêm những khổ đau mới nữa.  Và tôi nghĩ, đó là một sự xoay xở khéo léo nhất.
    Xin gửi bạn những chia sẻ của bà Sylvia Boorstein trong quyển Dễ hơn là bạn tưởng.”

Sunday, April 6, 2014

Là ở nơi này

là ở nơi này

Văn hào Leo Tolstoy có kể một câu truyện về hai người bạn già.  Efim là một người giàu có và có một đời sống rất gương mẫu, ông không uống rượu, không bao giờ nói dối và được mọi người trong làng kính trọng.  Và ngược lại, bạn của ông, Elisha thì có một cuộc sống tạm đủ, thỉnh thoảng ông uống rượu, và hay ưa thích ca hát, vui chơi với bạn bè.
Một ngày nọ, hai người bạn rủ nhau cùng đi hành hương về nơi Thánh địa.  Trên đường đi, Elisha mệt và khát nước nên bảo người bạn của mình hãy cứ đi trước, ông muốn ghé vào ngôi làng gần đó để xin nước uống, rồi sẽ bắt kịp theo sau.

Monday, March 3, 2014

5 điều tu học căn bản

5 điều tu học căn bản

Trong sự tu tập, ta hãy thực tập với những gì đang xảy ra với chính ta ngay trong giây phút này, với tư tưởng, cảm xúc của mình, với ngay cả những bất an của mình.  Nó có nghĩa là ta hãy thực tập bằng con người thật của chính mình, ngay nơi đây, trong giây phút này.  Và đó mới thật sự là một công phu chân thật.
Và năm điều sau đây có thể giúp chúng ta thực hiện được việc ấy:

Sunday, February 16, 2014

dội trong sương mù

dội trong sương mù

Trong những ngày tháng sống một mình ở hồ Walden, ông Thoreau kể rằng ông có thể nghe được tiếng những cây bắp đang dần lớn lên trong đêm, nghe được âm thanh của bốn mùa tiếp nối nhau đi ngang qua…  Tôi nghĩ, nếu như chúng ta biết trở về với sự rỗng lặng trong sáng của mình, ta cũng có thể lắng nghe được tiếng sỏi dưới mỗi bước chân ta đi, âm vang của những hạnh phúc lẫn muộn phiền, hay tiếng của những bông tuyết bồng bềnh rơi trên áo. Giữa một thực tại thinh lặng tự nhiên của sự sống.