Monday, November 9, 2020

Lời chân thật phải tốt lành

 Lời chân thật phải tốt lành


Một tấm bảng trong cửa tiệm bên cạnh nhà tôi ghi:

        Cẩn thận trong việc chọn lời nói của bạn

        Giữ cho chúng ngắn gọn và dễ thương

        Bạn không bao giờ biết rồi sẽ có một ngày

        Những lời nào bạn sẽ phải nhận trả lại.

Chánh ngữ.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc vì sao đức Phật lại dành riêng một chi phần đặc biệt trong Bát chánh đạo cho sự nói năng chân chánh, tức chánh ngữ. Ngài có thể đơn giản hóa bằng cách nhập nó vào chung với chánh nghiệp, tức hành động chân chánh, cũng được vậy! Vì nói năng cũng là một hình thái của hành động.

    Có thời gian tôi nghĩ có lẽ đức Phật để nó riêng ra là vì chúng ta nói nhiều quá. Nhưng rồi sau đó tôi đã đổi ý – vì biết cũng có một số người không nói gì nhiều hết.

    Bây giờ, tôi nghĩ chánh ngữ được tách ra riêng là vì lời nói của ta có một năng lực và ảnh hưởng rất lớn.

Gậy đá cũng chỉ làm gãy xương ta…

Vài năm trước đây, tôi có đọc được một câu trên một trang báo. Nó được in ở cuối trang như một câu châm ngôn chêm vào cho đầy trang, vì bài viết vẫn còn dư một khoảng trống. Tôi không còn nhớ bài viết về đề tài gì, cũng như trên tờ báo nào, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ câu ấy: “Gậy và đá đôi khi có thể làm gãy xương ta, nhưng lời nói thì lúc nào cũng có thể gây thương tích cho ta”.

    Đôi khi trong lớp Thiền tập tôi thường hỏi: “Bạn nào đã từng bị gãy xương giơ tay lên”. Sau khi vài bạn đưa tay lên, tôi nói: “Bạn nào bây giờ vẫn còn đau vì gãy xương thì cứ để tay cho tôi xem”. Thường thì tất cả những bàn tay đều bỏ xuống.

    Sau đó tôi hỏi tiếp: “Đưa tay lên, nếu có bạn nào vẫn còn cảm thấy đau đớn về một điều gì đó, lời nào đó, mà ai đã nói với bạn trong một năm vừa qua”. Rất nhiều bàn tay đưa lên. “Giữ tay ở đó, nếu bạn nào vẫn còn cảm thấy khổ đau vì một lời phê bình của ai về mình trong năm năm qua”. Những bàn tay vẫn còn đưa cao. “Mười năm qua... hai mươi năm qua... ba mươi năm qua...”. Nhiều bàn tay vẫn còn giơ cao.

    Họ quay chung quanh nhìn nhau và mỉm cười, ngượng ngùng, nhưng tôi không nghĩ là có ai vui thú gì. Đó là một giây phút thật dễ thương của sự chia sẻ lòng từ ái, của việc làm chứng nhân cho một gánh nặng mà tất cả chúng ta đang mang trong lòng, một nỗi đau của những lời phê bình gây thương tích cho nhau.

Chân thật cũng có nghĩa là hữu ích.

Có lẽ chúng ta nghĩ nếu mình là người lớn, ta phải bỏ qua được những lời chê trách trẻ con của người khác. Tôi tự hỏi, nếu như ta có bao giờ thật sự quên được chúng không? Tôi nghĩ, tất cả chúng ta đều rất dễ bị tổn thương, như một cái bánh su kem, bên ngoài tuy giòn nhưng bên trong rất là mong manh, và cũng rất là ngọt ngào.

    Vào thập niên sáu mươi, châm ngôn của xã hội thời ấy là: “Hãy biểu lộ ra tất cả!”. Lúc ấy, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ viết một quyển sách có tựa đề “Hãy giữ hết lại bên trong”. Tôi cảm thấy hơi lo, vì thấy mọi người không ý thức được rằng chúng ta có thể dễ bị thương tích đến mức nào.

    Nhưng mấy năm gần đây, tôi đã đổi tựa quyển sách của tôi thành “Hãy giữ lại bên trong, cho đến khi tìm được một cách biểu lộ cho có ích”.

    Tôi tin là chúng ta có bổn phận phải nói sự thật. Nói lên sự thật là một phương cách giúp ta chăm sóc kẻ khác. Đức Phật dạy chúng ta phải hoàn toàn chân thật, nhưng Ngài cũng dạy thêm là bất cứ một lời nói nào của ta cũng phải có hai yếu tố: chân chánh hữu ích.

Kim chỉ nam cho lời nói chân thật

Khi dạy về Chánh ngữ, đức Phật cũng chỉ cho ta một kim chỉ nam trong việc sửa sai người khác. Một sự khiển trách, đức Phật dạy, phải có đủ những yếu tố sau đây: hợp thời, chân thật, nhẹ nhàng, dễ thương hữu ích.

    Khi tôi nói cho người ta nghe về những tiêu chuẩn ấy, họ thường kêu lên: “Nhưng nếu vậy thì sẽ không còn ai có thể khiển trách ai được nữa hết!”.

    Tôi thì nghĩ khác. Tôi nghĩ với chánh ngữ, người ta vẫn có thể phát biểu ý kiến hoặc nhận xét của mình một cách chân thật, mà người kia vẫn có thể lắng nghe và tiếp nhận được, mà họ không hề cảm thấy mình bị thấp kém đi.

Trích trong “Đơn giản hơn ta nghĩ” – Sylvia Boorstein

Duy Nhiên dịch

 

free hit counter

No comments: