đừng nắm giữ khổ đau
Chắc bạn còn nhớ câu chuyện về người mẹ trẻ mất một đứa con nhỏ. Cô tìm gặp
đức Phật và cầu xin Ngài làm cho đứa con yêu dấu được sống lại. Đức Phật bảo
cô hãy đi xin một hạt cải từ bất kỳ căn nhà nào mà trong gia đình chưa từng
có người qua đời. Cô đi từ sáng đến chiều, gõ cửa hỏi thăm khắp nơi nhưng
nhà nào cũng đều đã có người chết. Rồi đến một lúc cô tự nhiên chợt thấy ra!
Điều cô mong muốn không hiện hữu trên cuộc đời này. Trong cuộc đời có những
khổ đau rất chung, và nó không chỉ xảy ra cho riêng một ai hết!
Thấy ra nguyên nhân của khổ đau
Bạn nghĩ gì về lời khuyên của Phật dành cho người mẹ trẻ ấy! Đức Phật không thuyết giảng cho cô nghe về lý vô thường, về khổ đau, về những mất mát trong cuộc đời. Ngài chỉ khuyên cô hãy nhìn lại và lắng nghe, rồi sẽ tự thấy ra. Nhờ vậy cô thôi không còn ôm ấp một khổ đau chung, và nhận đó chỉ là của riêng mình. Có những khổ đau to tát quá, câu hỏi bao la quá, mà ngôn ngữ không thể nào diễn đạt được. Nhiều khi sự giải thích chỉ làm người ta vướng mắc thêm.
Đôi khi đối diện với một khổ đau lớn, chúng ta thường có cảm tưởng rằng
cuộc đời này chỉ toàn khổ đau, mất mát và đổ vỡ. Nhưng ta quên rằng, mình
không phải chỉ là nỗi đau đó, mà thật sự chúng ta rộng lớn hơn nó. Những
người đang chìm đắm trong một mất mát, khổ đau nào đó, khi tiếp xúc và biết
rằng cũng có những người đau khổ như mình, họ cũng cảm thấy được an ủi và
bớt cô đơn hơn.
Hạnh phúc đâu phải là sự vắng mặt của khổ đau! Trong Kinh có viết rằng, đức
Phật đã giúp cho nhiều người được giải thoát ngay trong những hoàn cảnh rất
khó khăn, ngay cả trong tình trạng mù lòa, tàn tật hay bệnh hoạn liên
miên... Hiểu như vậy để ta thấy được rằng giải thoát không cần
phải loại trừ khổ đau, mà chỉ cần thấy ra nguyên nhân của nó.
Năng lượng của buông xả và thấy biết, sẽ giúp chúng ta thấy rằng cái gì hư
ảo tự nó hủy diệt, và cái gì chân thật sẽ tự hiển bày mà không cần phải dùng
nhiều nỗ lực của ý chí hoặc sự mong cầu tránh né nào.
Tâm lý con người cũng rất phức tạp. Chúng ta nghĩ đâu có ai mà muốn nắm giữ nỗi khổ đau, buồn giận của mình làm gì, nhưng thật ra là hễ cái gì là của ta là ta muốn ôm giữ, vậy thôi! Hạnh phúc hay khổ đau gì cũng vậy, ta ôm giữ vì nó là “ của ta”!
Có một người bạn đang rất đau khổ vì gặp phải một mất mát lớn! Chị đến gặp
một vị thầy và ông đã lắng nghe khổ đau của chị. Vị thầy khuyên chị hãy tập
buông xả. Chị kể lại rằng đã nói với ông rằng, “Thầy dạy con làm gì cũng
được, nhưng đừng bắt con phải buông xả những mất mát ấy!”
Chúng ta bị chi phối bởi những ham muốn, buồn giận, những nội kết rất vi tế
trong tâm. Và cũng vì không thấy ra được mà ta lại đi nhận đó là mình, và
bảo vệ chúng!
Không buông bỏ khổ đau, làm sao ta có hạnh phúc? Như ta đang nắm chặt một viên sỏi, không mở bàn tay ra làm sao ta có thể nhặt lên được một chiếc lá mùa thu! Ta khổ đau vì chỉ muốn nắm giữ mùa xuân trong cuộc đời mà thôi. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được những hạnh phúc kỳ diệu khác của mùa hè, mùa thu và mùa đông… Và chúng bao giờ cũng đang có mặt quanh ta.
Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment