Wednesday, July 13, 2022

Sách Mới: Chỉ là nắm lá trong tay


 Lời mở

Giáo pháp của Phật thường được diễn tả có những đặc tính như là một bàn tay rộng mở, rõ ràng và cụ thể, bất cứ ai cũng đều có thể trải nghiệm được, vượt thời gian, ngay bây giờ và ở đây. Trải qua các thời đại và không gian khác nhau, những đặc tính ấy của giáo pháp vẫn không hề bị mất đi.

    Giáo pháp của Phật vẫn đang được các vị thầy ngày nay, tu sĩ và cư sĩ, học và trải nghiệm. Và họ cũng tiếp tục có những đóng góp, chia sẻ cụ thể và linh động, với những tư duy và hoàn cảnh mới của thời đại chúng ta. Như một dòng suối trong mát chảy liên tục, giáo lý ấy vẫn giữ được tính chất giải thoát của giọt nước ban đầu, mang lại cho ta một lối sống tốt lành, tự do và tuệ giác.

    Trong quyển sách này, chúng tôi ghi lại những chia sẻ, bài hướng dẫn thực tập của các vị thầy trong thời đại chúng ta, tuy từ những truyền thống, tuổi tác, tông phái và văn hóa khác nhau, nhưng cũng có cùng một tính chất chung là buông xả.

Giọt sương

rơi từ lá

nó chẳng niệm

chẳng tu

mà tự nhiên buông xả

là định luật

thiên thu

    Sư Giới Đức

Phần đầu của quyển sách gồm những chia sẻ về một cái thấy trong sáng của thực tại. Những gì cần thiết để trải nghiệm trên con đường khám phá sự thật đều đang có mặt trong ta và chung quanh ta. Chúng có thể là những khó khăn, phiền não hoặc niềm vui, hạnh phúc. Ta không cần tìm kiếm đâu xa, hãy đưa tay chạm đất. (Phần I)

    Với một cái thấy trong sáng, không tìm kiếm hay mong cầu, ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về thiền tập. Thiền tập không chỉ giới hạn trên toạ cụ hay trong thiền đường, mà là một lối sống thấy, biết, đơn giản, tự nhiên. Nó giúp ta hiểu rằng, thiền tập không phải là một nỗ lực để đạt đến một điều gì cao xa, hoặc theo một công thức cố định nào, mà chỉ là trải nghiệm rõ được những gì đang có mặt, và nó sẽ giúp ta tự điều chỉnh lại một cách tự nhiên. (Phần II)

    Và buông xả là điều kiện cần thiết cho một cái thấy như thực, cho bất cứ một phương pháp thiền tập nào. Buông xả không có nghĩa là ta buông cái này để được cái kia, bỏ khổ đau để đi đến hạnh phúc, mà là ôm trọn vẹn và bao dung hết tất cả. Buông xả cũng không có nghĩa là một thái độ dửng dưng hay buông xuôi, mà là không bị vướng mắc vào kết quả, mong cầu của một cái tôi nhỏ hẹp. Cũng như ông Joseph Goldstein nói, Phật chỉ dạy có một pháp thực tập là buông xả, không nắm bắt. (Phần III)

    Kế đến, có thể ta đã hiểu được giáo pháp và thực hành, nhưng cuộc sống sẽ vẫn không bao giờ là dễ dàng. Chúng có thể là những khó khăn về thể chất, do tập quán xưa, hay là vì điều kiện xã hội, văn hóa. Tuy những phiền não mặc dù vẫn có mặt, nhưng chúng không nhất thiết là chướng ngại cho ta trên con đường giải thoát. Hãy tha thứ và bao dung với chính mình. (Phần IV)

    Và khi biết bao dung với chính mình, thì ta cũng sẽ mở rộng con tim ra với cuộc đời chung quanh. Biết chấp nhận và thương yêu những gì đang có mặt hơn. Một tâm không động, không sầu khi tiếp xúc với cuộc sống là hạnh phúc và phước lành cao thượng nhất. (Phần V)

    Phần cuối của cuốn sách là những chia sẻ về giáo lý căn bản của Đức Phật, qua những nhận xét và trải nghiệm của các vị thầy đương thời, như là vô ngã, tánh không, chánh niệm, nghiệp quả… Và như Ngài Buddhadasa nói, tất cả những giáo pháp của Phật mà ta cần biết, cần học, chúng chỉ đơn giản là đầy một nắm lá trong tay. Không có gì nhiều. Không cần gì nhiều. Chỉ cần sự trải nghiệm của ta cho được sáng tỏ mà thôi.  (Phần VI)

--- oOo ---

Trong quyển sách này, bạn sẽ tìm thấy những lời chia sẻ và hướng dẫn hữu ích cho một lối sống tốt lành, một con đường thiền tập với một thái độ buông xả, chánh niệm và tỉnh giác, từ những vị thầy đương thời với nhiều trải nghiệm tu tập.

    Bạn hãy đọc thong thả, không cần phải theo một thứ tự nhất định nào. Tất cả chỉ là những lời nhắc nhở. Những tiếng chuông tỉnh thức. Hãy để cho những lời chia sẻ này soi sáng lại ngay chính thân và tâm của bạn. Bạn hãy tự mình trải nghiệm chúng, để sự chuyển hóa dần dà biểu hiện ra ngay trong cuộc sống của mình, một cách rộng mở và tự nhiên.

    Trang kinh buông xả lời kinh. Trong trang kinh xưa, những lời kinh được hiển bày qua trải nghiệm buông xả của ta. Một con đường thiền tập đơn giản. Tất cả chỉ là một nắm lá trong tay.

Minh Tánh Nguyn Duy Nhiên


free hit counter

No comments: