Thursday, July 21, 2022

ngồi yên xem ai ghé thăm

Ngồi yên, xem ai ghé thăm


Ken McLeod là một tác giả và dịch giả Phật học. Các tác phẩm của ông phần lớn là về đạo Phật thực hành. Ông chia sẻ về một phương pháp thiền tập là “Không làm gì”, "Do nothing", mà ông đã có dịp khám phá trong một khoá tu của mình. Và nó đã mang lại cho ông những kết quả rất kỳ diệu và bất ngờ.

Không làm gì hết.

Nếu như ta không làm gì hết thì nó sẽ như thế nào? Ý tôi là, mình thật sự không làm gì cả, hoàn toàn không! Không nhớ lại những gì đã xảy ra, không tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra, không phản ánh những gì đang xảy ra, cũng không phân tích, giải thích hoặc kiểm soát những gì mình đang trải nghiệm.
Không làm gì hết!

    Nhiều năm trước tôi có tham dự một khoá thiền tập ở Colorado. Tôi cũng đã từng tham dự nhiều khoá thiền tập, có lần ở Pháp bảy năm, trong suốt thời gian ấy tôi không hề giao tiếp với cuộc sống bên ngoài.

    Một ngày bắt đầu bằng thời ngồi thiền trước khi mặt trời mọc, và kết thúc vào buổi ngồi thiền cuối buổi tối. Thiền sinh phải tham gia vào những nghi lễ hằng ngày, vào các công việc sửa soạn và dọn dẹp. Chúng tôi thực tập theo các phương pháp hành thiền khác nhau, có thời gian để học hỏi và pháp đàm với nhau.

    Nhưng khoá thiền tập lần này thì khác hẳn. Lời hướng dẫn duy nhất trong khoá tu là “Không làm gì cả.” Do nothing! Tôi tự hỏi, “Chỉ có vậy thôi sao? Không lẽ tôi đến đây để không làm gì hết trong suốt ba tuần?”

    Chúng tôi gặp nhau trong các bữa ăn, có một buổi dạy vào ban sáng, và một buổi thực tập nhóm vào mỗi tối. Chúng tôi có một buổi tham vấn vài ngày một lần. Thời gian còn lại là của riêng mình. Email, điện thoại, tin nhắn, tất cả các phương tiện liên lạc thông thường đều bị cắt đứt.

Không dễ dàng như ta nghĩ

Nơi đây không có một phương pháp nào để thực tập, không có giáo lý nào để tìm học, không có nghi lễ nào để sửa soạn. Chúng tôi hoàn toàn không có gì để làm, ngoại trừ ngồi, nằm, hoặc đi dạo.

    Căn phòng nhỏ của tôi nằm trên một sườn đồi, nhìn ra ngoài kia một quang cảnh tuyệt đẹp của những ngọn đồi nhiều cây, với một dãy những ngọn núi xa xa phía cuối chân trời. Sự thinh lặng được làm nổi bật hơn bởi tiếng chim hót, tiếng gió ngang qua cành lá, âm thanh của những ngày mưa và trời giông bão.

    Và trong đêm tối là những tiếng kêu, xô xát hoặc gọi nhau của những con thú. Mỗi ngày mặt trời bình minh mọc, đi ngang qua bầu trời và chìm xuống hoàng hôn, rồi mặt trăng và các vì sao hiện ra, lấp lánh trong trời đêm.

    “Thật là thoải mái,” tôi nghĩ, “mình sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thực tập.” Nhưng tôi sớm nhận ra rằng, không làm gì cả hoàn toàn không dễ dàng như mình tưởng.

Ngồi yên, xem những ai ghé thăm

Thiền sư Ajahn Chah, có đưa ra một lời hướng dẫn thực hành như sau:

Đặt một chiếc ghế ở giữa phòng.

Ngồi vào ghế.

Và xem coi ai đến thăm.

    Tôi thì không hề thiếu vắng khách đến viếng thăm. Nhẹ khoẻ, an vui, bình yên ghé qua thăm tôi. “Tốt quá!” tôi nghĩ, “sự tĩnh lặng này sẽ được sâu sắc thêm, và rồi tuệ giác sẽ đến với mình nữa.” Vì tôi cũng đã được đọc trong kinh sách là khi tâm mình được nghỉ ngơi, thì tất cả sẽ tự nhiên trở nên trong sáng.

    Nhưng thay vì vậy, những người khách lại tiếp tục ghé qua, nhưng với một thái độ khác biệt. Càng thư giản bao nhiêu, tôi lại càng nhận ra những thứ đang nằm sâu kín bên trong mình.

    Chúng là những đồ lỉnh kỉnh, được cất giữ trong những chiếc hộp rỉ sét, để dưới hầm nhà. Những ký ức xưa cũ, vui vẻ và khó chịu. Những câu chuyện của đời mình, những ước muốn ngày xưa, những buồn chán và cảm giác vô nghĩa. Và tôi muốn xua đuổi những người khách này đi, phân tách về họ, cố gắng tìm hiểu họ, để tôi có thể thoát ra khỏi chúng.

    Tôi bị quay trở lại với thái độ kháng cự của mình, cố gắng kiểm soát những gì đang xảy ra. Và những người khách này lại trở nên bạo động hơn, càng đòi hỏi sự chú ý của tôi nhiều hơn. Có người mang lòng thù hận và muốn được trả thù. Có người than khóc vì có những ước mơ không thành. Cũng có người muốn tôi quên hết đi, cứ sống trong mê mờ. Không còn biết tiếp xúc với những vẽ đẹp và bình yên thật sự đang có mặt chung quanh mình.

    Đa số chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái khi mình không phải làm gì trong đôi ba phút, có thể là đôi ba giờ, hoặc dài lắm là trong một hai ngày. Nhưng nếu như ta không làm gì, không sản xuất được gì, không đạt được gì trong vòng một tháng, một năm, sáu năm hay lâu hơn nữa, thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác hẳn.

Hai phương cách đối xử.

Chúng ta có một sự lựa chọn giữa hai phương cách để đáp ứng với những gì phát khởi lên trong giờ phút này.

    Phương cách thứ nhất là nương tựa vào sự giải thích của mình. Nhưng có điều là, những giải thích của ta hoàn toàn dựa trên những thành kiến và giả định có sẳn của mình. Ta có thể không ý thức được điều này, nhưng đó là sự thật.

    Ngay cả khi ta quan sát, khám phá những trải nghiệm của mình, ta cũng chỉ tìm kiếm những gì hỗ trợ và xác nhận chúng thêm mà thôi. Chúng ta không bao giờ đặt câu hỏi về những giả định của mình. Ta xem chúng như đó là một sự thật cơ bản.

    Và với một niềm tin bị khép kín ấy, ta không còn có một không gian rộng mở để tiếp nhận những bí ẩn của cuộc sống, những ý tưởng mới, những cái thấy rộng lớn, những đường lối nào khác.

    Phương cách thứ hai là ta rộng mở ra và sẳn sàng tiếp nhận, không kiểm soát, đối với bất cứ những gì phát khởi lên. Không những ta cho phép chúng có mặt, mà còn ôm trọn hết những cảm xúc, tình cảm, và ý nghĩ - tất cả những gì mình đang trải nghiệm.

    Ở đây, không có gì là chân lý tuyệt đối hoặc vĩnh cửu hết, ta không cần giải thích mà chỉ bằng sự trải nghiệm của chính mình mà thôi. Đó là một thái độ sẵn sàng và mở lòng ra, đón nhận bất cứ điều gì đang có mặt lên trong ta, và chung quanh ta.

Mở rộng ra, trải nghiệm, và không làm gì hết

Lúc bắt đầu khoá tu, mỗi khi có những khó khăn nào khởi lên, tôi phân tách chúng, cố tìm hiểu điều gì đã xảy ra và lý do tại sao. Tôi nghĩ điều này sẽ giúp tôi giải quyết được chúng, và rồi nó sẽ không còn xảy ra nữa. Có lúc, những cảm xúc khởi lên quá mạnh, khiến tôi hoàn toàn bị chế ngự trong vài phút, đôi khi là vài giờ. Rất thường khi, tôi không thể đối diện với những gì khởi lên. Tôi đè nén nó, hoặc bước ra ngoài đi dạo.

    Tóm lại, nếu những gì khởi lên mà không hợp với điều mình nghĩ, mình muốn hoặc cần, thì tôi sẽ lảng tránh nó và đi làm việc khác.

    Dần dần, tôi học được cách mở rộng ra và tiếp xúc với không gian chung quanh, trong mọi chiều hướng. Bầu trời, sự thinh lặng, thời gian hay là chiều sâu vô tận trong chính thân mình. Tôi ý thức rằng, cách duy nhất để mình có thể không làm gì là không làm gì cả. Tôi phải biết tiếp nhận những gì khởi lên, trải nghiệm nó trọn vẹn, và không cần làm bất cứ điều gì với nó hết.

    Tôi cũng nương tựa vào một niềm tin để có thể trải nghiệm những cảm giác mãnh liệt, của sự cô đơn, cảm giác vô giá trị, tuyệt vọng hoặc xấu hổ của mình.

Là đơn giản không làm gì hết.

Và nếu như chúng ta muốn thoát khỏi khổ đau, vượt qua những tranh đấu vất vả, ta hãy nhìn vào những kinh nghiệm của chính mình để thấy ra rằng “Không có gì là kẻ thù”, và buông bỏ những đối kháng của mình. 

    Điều ấy có khó khăn và thử thách cho ta quá không? Có chứ! Nhưng ta có thể làm được. Và phương cách để ta làm được điều đó chỉ đơn giản là không làm gì cả.

    “Thật là kỳ diệu!” Tôi nghĩ, khi khoá tu sắp sửa chấm dứt, “Đâu ai nghĩ rằng ta có thể tìm thấy được con đường giải thoát bằng cách đơn giản là không làm gì hết?"

— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

Trích trong "Chỉ là nắm lá trong tay"

free hit counter

No comments: