Bất hại
Một người bạn của tôi, sau mấy năm sống ở Nepal và Ấn Ðộ, trở về vào năm
1973, đã chia sẻ như sau: "Nếu tôi không thể làm gì hữu ích cho cuộc đời,
thì ít ra tôi cũng sẽ cố gắng bớt gây tổn hại chừng nào tốt chừng ấy".
Tôi đã bị truyền lây bởi ý niệm về bất hại,
ahimsa, ngay lúc ấy tại nơi phòng khách của tôi. Và tôi không bao giờ
quên được giây phút đó. Mặc dù tôi cũng đã từng được nghe nói về thuyết bất
bạo động trước đó rồi.
Thái độ bất hại này là trái tim của pháp môn yoga, và
cũng là lời tuyên thệ của các sinh viên y khoa trước khi họ trở thành bác sĩ
thực thụ (hippocratic oath). Nó cũng là nguyên tắc nền tảng cho hành
động của thánh Gandhi và sự tu tập của cá nhân ông. Nhưng hình như vì sự
chân thành trong lời nói của người bạn tôi, cùng với một cái gì đó không phù
hợp từ một con người mà tôi nghĩ là tôi biết về anh, đã gây cho tôi một ấn
tượng rất mạnh.
Tôi chợt thấy rằng đó là một lối sống rất đẹp đối với
thế giới chung quanh, cũng như cho chính bản thân tôi. Tại sao ta không thử
cố sống sao để ít gây tổn thương cũng như khổ đau được chừng nào tốt chừng
ấy? Nếu chúng ta có thể sống theo nguyên tắc đó, thì có lẽ mức độ bạo động
và điên rồ trong tư tưởng, cũng như trong cuộc sống, đâu có đến nỗi tệ hại
như ngày hôm nay. Và chúng ta cũng sẽ biết thương yêu chính mình hơn, trên
tọa cụ cũng như giữa cuộc đời.
Cũng như mọi quan niệm khác, bất bạo động và bất hại có
thể là một nguyên tắc rất tuyệt vời, nhưng chính việc sống đúng theo nó mới
thật sự có giá trị. Bạn có thể thực tập sự từ ái của nguyên tắc bất bạo động
đối với chính bạn và đối với những người chung quanh bất cứ lúc nào.
Có bao giờ bạn cảm thấy mình khó khăn với chính mình và
khinh thường mình quá không? Hãy nhớ đến ahimsa trong giây phút ấy.
Ghi nhận những cảm xúc ấy rồi buông xả chúng đi.
Bạn có bao giờ nói về một người nào đó sau lưng họ
không? Ahimsa.
Bạn có cảm thấy rằng ta tự thúc đẩy mình quá mức, chẳng chú
ý gì đến sức khỏe cũng như hạnh phúc của mình không? Ahimsa.
Bạn có làm cho một người nào đó khổ đau không?
Ahimsa.
Ðem áp dụng lý thuyết bất bạo động với những người không có gì là nguy hại
đối với ta, thì bao giờ cũng dễ. Nhưng khi đối diện với những người, hoặc
hoàn cảnh nào có vẻ đe dọa, ta sẽ phản ứng ra sao, đó mới thật sự là bài thử
nghiệm.
Ý muốn làm khổ hoặc làm hại kẻ khác được phát sinh từ
một nỗi sợ trong ta. Muốn thực hành sự bất hại, ahimsa, ta cần phải
nhìn thấy rõ được nỗi sợ của mình, để hiểu và làm chủ nó. Làm chủ nó có
nghĩa là ta dám nhận lãnh trách nhiệm. Nhận lãnh trách nhiệm có nghĩa là ta
không để cho nỗi sợ hoàn toàn sai xử hành động và quan điểm của mình. Chỉ có
chánh niệm về sự dính mắc và ghét bỏ của chính ta, và ý muốn đối diện với
những trạng thái này trong tâm, dù có đau đớn đến đâu, mới có thể giải thoát
ta ra khỏi vòng khổ đau này.
Nếu ta không thấy ra được những điều ấy trong cuộc sống
hằng ngày, những ý tưởng dù tốt lành đến đâu cũng sẽ rất là mong manh, chúng
rồi cũng sẽ bị lòng tư lợi, ích kỷ của ta đè bẹp mất.
Jon Kabat-Zinn
Duy Nhiên dịch
No comments:
Post a Comment