Monday, September 20, 2021

Khoảnh khắc thứ ba

Khoảnh khắc thứ ba


Một người lái xe cắt ngang bạn, bạn cảm thấy cơn giận nổi lên. Một đồng nghiệp được thăng tiến, mà bạn nghĩ rằng mình xứng đáng hơn, một làn sóng ganh tị ập đến. Một chiếc bánh ngọt trong cửa hàng vẫy gọi, bạn cảm thấy mình không cưởng lại được. Sự tức giận. Mất kiên nhẫn. Bất ngờ. Khao khát. Thất vọng. Một ngày của bạn bị dồn dập với đủ mọi thứ cảm xúc.

    Những cảm xúc này thường là tiêu cực — và nếu như hành động theo chúng, bạn sẽ bị sai trật. Bạn cũng biết đó: một email mà đáng lẽ mình đừng nên gửi đi. Những lời cay cú mà phải chi ta đừng nên thốt ra. May mắn thay, sự việc không nhất thiết phải là như vậy. Bạn có thể nhận diện những cảm xúc tiêu cực trong giây phút ấy — và buông xả chúng.

TA CHỌN NGHIỆP QUẢ CỦA MÌNH

Nghiệp trong quá khứ sẽ định hình kinh nghiệm của bạn về cuộc sống. Nó hiện hữu, và ta không thể làm gì khác hơn được. Nhưng ta cũng đang tiếp tục tạo ra những nghiệp mới, và đó là một cơ hội quý báu. Mỗi phản ứng của ta đối với kinh nghiệm của mình trong giờ phút hiện tại, sẽ tạo nên một nghiệp mới và tô màu cho tương lai. Nghiệp quả này sẽ là tích cực hay tiêu cực, chúng hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn. Nếu như bạn biết ý thức được sự vận hành của nó.

    Hãy nghĩ đến sự vận hành của nghiệp cũng giống như một xâu chìa khoá. Nó dường như rắn chắc và đóng kín. Bạn có thể di chuyển những chiếc chìa khoá liền mạch với nhau, xung quanh vòng tròn xâu chìa khoá. Nưng sự thật thì vòng tròn rắn chắc ấy, nó có một chỗ khởi đầu và chấm dứt — và một khoảng trống. Nếu bạn nhận ra nơi khoảng trống đó, với chút kỹ năng, bạn có thể lấy được chiếc chìa khoá ra khỏi xâu.

    Cũng tương tự như vậy, nghiệp quả trong quá khứ tạo nên những kinh nghiệm của bạn bây giờ. Phản ứng của bạn, dựa trên những kinh nghiệm ấy, tạo ra nghiệp mới, và gây nên một chu kỳ tạo tác và trải nghiệm mới. Và bạn có thể để cho tiến trình ấy cứ tiếp tục mãi, theo một chuỗi dài bất tận. Hay là bạn có thể nhận ra khoảng trống, học phương cách, và tự tháo gỡ mình ra khỏi vòng lẩn quẩn đó. Và cùng một lúc, bạn phát huy được tình thương và một sự an ổn trong tâm.

    Giáo lý của Phật dạy ta về: lòng từ bi, tránh sự hận thù, ganh tỵ, và có một thái độ thiện lành. Nhưng chúng cũng đòi hỏi sự lãnh hội của ta, và đôi khi là phải biết ứng dụng một lý trí sáng suốt.

    Nhưng trong lúc một cảm xúc mạnh đang nổi lên, thì nhiều khi ta không có cơ hội để sử dụng lý trí của mình nữa. Vì một lý trí trong sáng cần thời gian và một nội tâm tĩnh lặng. Nhưng lúc ấy thì ta không có thời gian để suy luận đúng sai, mà chỉ là để phản ứng. Vì vậy mà bạn cần một phương cách nào ngắn gọn, đơn giản, và có hiệu quả.

    Đó là phương pháp Khoảnh khắc Thứ ba, The Third Moment, một phương tiện cụ thể có thể giúp ta rất nhiều trên con đường tu tập.

HIỂU VỀ BA KHOẢNH KHẮC.

Cuộc sống bao gồm một chuỗi trải nghiệm, và mỗi trải nghiệm này có thể được chia thành ba khoảnh khắc — three moments.

Khoảnh khắc Thứ nhất.

Cảm nhận.

Trong khoảnh khắc đầu tiên, những giác quan của mình — mắt, tai, mũi — tiếp nhận những đối tượng của chúng. Ví dụ, trong khoảnh khắc này một âm thanh đến tai bạn, và bạn nghe được, điều ấy xảy ra tức thì. Ta không cần có một sự dụng công nào hết, hoàn toàn là tự nhiên.

    Trong khoảnh khắc này, nếu như ai đó nói “quả chanh”, bạn nghe thấy âm thanh đó, nhưng bạn chưa nhận ra nó có nghĩa là gì.

Khoảnh khắc Thứ hai

Sinh khởi

Trong khoảnh khắc thứ hai, bạn nhận ra âm thanh — hoặc một cảm giác nào đó — và trong tiềm thức bạn có một phản ứng tức thì, phân loại nó là tốt, xấu hoặc trung tính. Sự kiện này cũng hoàn toàn tự động, dựa trên những kinh nghiệm của quá khứ: ký ức và hiểu biết của mình, qua niềm tin văn hóa, niềm tin tôn giáo và nhận thức của bạn.

    Điều này xảy ra rất nhanh, khiến ta có thể tưởng rằng đó là một phần của Khoảnh khắc Thứ nhất. Những tư tưởng này chúng biểu hiện ra ngay trên thân, khi cơ thể ta phản ứng trước sự tiếp nhận những dữ kiện tích cực, tiêu cực, hoặc trung tính. Thật ra thì phản ứng trung tính cũng có một khuynh hướng hơi nghiêng về phía tích cực hoặc tiêu cực.

    Ví dụ, khi ai đó diễn tả về một trái chanh nhiều nước mà họ vừa cắt ra. Bạn liên kết âm thanh “quả chanh” với một ý tưởng trong ký ức. Nó gợi lên một hình dạng, màu sắc, mùi vị. Ký ức ấy  làm sinh khởi một phản ứng cảm xúc. Nếu như ta thích thì nó làm ta chảy nước bọt, còn ngược lại ta thấy chua và nhăn mặt.

Khoảnh khắc Thứ ba.

Phản ứng.

Trong Khoảnh khắc Thứ ba bạn có sự lựa chọn, có chấp nhận và hành xử theo cảm xúc trong ký ức của mình hay không.

    Phản ứng của ta có thể là tâm lý, lời nói, hoặc là hành động. Nếu như ta cho một điều gì là tốt, ta sẽ bị lôi cuốn vào đó, mặc dù có thể nó không có một lợi ích nào. Nếu như ta cho một điều gì là xấu, ta sẽ đẩy nó ra, đôi khi với những nỗ lực quá đáng, không cần thiết. Trong cả hai trường hợp, ta có thể tạo nên những thiệt hại, đổ vỡ mà sau nầy ta lại phải cố gắng hàn gắn lại.

    Khoảnh khắc Thứ ba giúp cho ta có một không gian, khoảng trống để quyết định sự đáp ứng của mình.

    Bạn có một sự chọn lựa về lối sống của mình sẽ như thế nào. Bạn có thể để cho hoàn cảnh quyết định và làm chủ sự trải nghiệm của mình. Trong trường hợp này, thì trừ khi bạn có thể giải quyết hết những vấn đề của tất cả mọi người mà bạn gặp, bạn sẽ luôn đối diện với phiền não. Hoặc là bạn tự quyết định những trải nghiệm của chính mình trong cuộc sống. Đối với tôi, thì cách thứ hai này là một con đường tốt đẹp hơn.

THỰC TẬP KHOẢNH KHẮC THỨ BA

Và phương pháp Khoảnh khắc Thứ ba giúp bạn đi theo con đường hay đẹp này. Bạn sử dụng Khoảnh khắc Thứ ba không phải để phản ứng mà để quan sát — một cách cụ thể.

    Ngay khi có một cảm xúc phát khởi lên, bạn hãy dừng lại. Ghi nhận cảm xúc mà bạn đang trải nghiệm. Bạn hãy ghi nhận và ý thức trước khi cảm xúc ấy kết nối với một ý tưởng và trở nên cứng nhắc. Bạn hãy đơn giản nhìn thấy cảm xúc đó như nó là.

    Bằng cách nới rộng khoảng cách giữa hành động và phản ứng, bạn có thể tạo được một khoảng không gian tách rời trước các phản ứng máy móc, và cũng có cơ hội để thấy rõ cảm xúc của mình hơn.

    Ta thường có khuynh hướng muốn tìm hiểu nguyên do của cảm xúc mình. Điều đó cũng hợp lý, nhưng không phải là trong lúc này. Thay vì tìm hiểu xem ai đã làm gì, hoặc ai đúng, ai sai, ta chỉ cần đơn giản nhìn thẳng vào cảm xúc của mình.

    Nhưng bạn cũng đừng làm như một người đứng ngoài quan sát, với một thái độ nhị nguyên, cách biệt giữa ta và cảm xúc, như nó nằm ở bên ngoài ta. Bạn hãy thật sự cảm nhận những gì có mặt một cách trực tiếp và trọn vẹn.

    Hãy cảm nhận những cảm xúc như là một quả bong bóng bơm căng, lấp đầy bên trong bạn. Đừng chú ý đến chính quả bóng ấy, mà là bên trong quả bóng ấy. Nó cảm thấy như thế nào? Không phân tách. Không suy luận. Cốt lõi của quả bóng là gì? Chỉ là không gian trống rỗng.

    Nhưng không có nghĩa là ta gọi những cảm xúc của mình là trống không. Điều ấy chỉ đơn giản là ta nhận thức rằng, bản chất của cảm xúc không tồn tại như ta vẫn nghĩ tưởng. Như là một cái gì đó cố định và rắn chắc. Theo thời gian, khi ý thức đó trở nên rõ ràng, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy một sự tự tại, và đôi khi là một tình thương không điều kiện mang đến một niềm vui sâu sắc.

    Lẽ dĩ nhiên, khi đối diện với những cảm xúc lớn, chúng ta dễ bị lôi cuốn theo những phản ứng của mình. Nhưng bạn nên nhớ rằng, những bài học hiệu quả nhất bao giờ cũng vẫn là những trải nghiệm thực trong đời sống của mình.

MANG LẠI NHỮNG KẾT QUẢ LỢI ÍCH.

Bạn hãy nhớ rằng, Khoảnh khắc Thứ ba này trôi qua rất nhanh, và rất dễ không nhận thấy. Nó khởi lên ngay khi bạn đọc một email không dễ thương và vội vàng trả lời, nghe một lời chỉ trích và lập tức trả miếng lại, thấy một miếng bánh ngon và vói tay ra lấy. Đây là những lúc ta cần ứng dụng phương pháp Khoảnh khắc Thứ ba này.

    Rồi bạn sẽ cảm thấy tâm mình được mát mẻ hơn, trong sáng hơn, và ít còn cố chấp hơn. Bạn có mặt trong hiện tại nhiều hơn. Bạn ý thức được rằng, những cảm xúc của mình không phải là thực tại. Và điều đó ảnh hưởng đến cách ta trải nghiệm cuộc sống.

    Bạn sẽ thấy rằng cuộc sống mình được dễ dàng và cởi mở hơn, và nó cũng được bắt đầu từ mối quan hệ rộng mở hơn đối với chính mình. Hãy có ý thức về những cảm xúc của mình.

Trungram Gyalwa Rinpoche

 Duy Nhiên dịch


free hit counter

No comments: