Wednesday, September 5, 2012

o Sách: Còn nương tựa còn dao động


      Tựa:  Còn nương tựa thì còn dao động
      Tác giả:  Nguyễn Duy Nhiên
      Nhà Xuất Bản:  Phương Đông.





Có một vị thiền sư nói rằng, trong đạo Phật sự tu tập không phải là một sự rèn luyện để ta được trở thành một cái gì đó, cho dù đó là tốt đẹp hơn, mà tu tập là một sự buông bỏ để ta không trở thành một cái gì hết.  Vì hể còn trở thành một cái gì là nó vẫn còn cần có sự nương tựa, ‎"Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động.  Cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động.  Không có dao động thì có khinh an.  Có khinh an thì không có thiên về.  Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa.  Ðây là sự đoạn tận khổ đau." (Kinh Phật Tự Thuyết - Udàna)."
Con đường tu học là một con đường hạnh phúc.  Và trong đạo Phật thì hạnh phúc ấy chỉ thật sự có mặt khi ta biết buông bỏ và bớt dính mắc hơn.  Nhưng nếu như ta chưa thấy rõ và thành thật với chính mình thì làm sao ta có thể buông bỏ được phải không bạn?
         Trong một cuộc sống mà phần lớn những hạnh phúc của ta vẫn còn nương tựa và dao động, tôi thấy chút an ổn khi được đi thiền hành trên con đường nhỏ nhiều lá, hay những buổi sáng ban mai ngồi yên trên thiền đường, khi vạn vật ngoài kia còn lờ mờ tối.  Bao quanh chúng tôi là một không gian rộng lớn. 
Buổi sáng này, sau giờ ngồi thiền, mở mắt ra tôi thấy nắng ấm phủ núi đồi ngoài kia.  Vạn vật lại mới tinh mơ.  Bốn mùa chuyển đổi, nhưng bầu trời sáng nay vẫn xanh và trong, vì bản chất của nó bao giờ cũng vậy.  Hôm qua và ngày mai, trong cuộc đời của chúng ta có thể sẽ có những ngày mưa, nhưng rồi cũng qua.  Và những cơn mưa đôi khi lại làm bầu trời sáng nay trong hơn.
Tôi đoán buổi chiều sẽ trở lạnh.  Sáng mai tôi sẽ dậy thật sớm, mặc thêm một chiếc áo khoác cho ấm, xuống thiền đường ngồi nghe tiếng chim hót và nhìn mặt trời hồng.  Buổi sáng nơi này mặt trời mùa thu thật đẹp.  Dãy núi xa, những đóa hoa dại bên đường, con suối giữa rừng, và con đường nhỏ phủ đầy lá trải dài ngoài kia cũng đang có mặt trong tôi, đang ngồi yên đây.
Bạn biết không, một trong những đặc tính của giáo pháp đức Phật là ehipasiko, cũng có nghĩa trở về để thấy.  Tôi nghĩ, ngồi lại cho yên, bước những bước thảnh thơi cũng là một cách quay trở về, nó giúp cho cái thấy của mình được chút sáng tỏ hơn, và hạnh phúc của ta cũng bớt chút gì dao động hơn.  Ðặt nhẹ dùi vào chuông, tôi nguyện tiếng chuông này thỉnh lên sáng nay sẽ làm những bình minh trong cuộc đời thêm ấm áp.
Nguyễn Duy Nhiên




No comments: