Bài kinh Thương Yêu: con đường toàn vẹn
Trong vài năm gần đây, tôi đã chọn sử dụng Kinh Thương Yêu, Metta Sutta, lời Phật dạy về sự tử tế, lòng thương yêu không phân biệt, làm căn bản thực tập. Tôi ưa thích bài Kinh Thương Yêu này vì tôi nghĩ rằng nó biểu hiện trọn vẹn cho con đường mà Đức Phật đã dạy.
Bài kinh mở đầu bằng một câu đầy hy vọng và nhiều cảm hứng như sau,“Đây là những điều nên được thực hành bởi những ai có hạnh tốt lành và thấy rõ con đường đi đến an lạc.” Và tiếp theo, Phật chỉ dẫn cho ta về cách sống tử tế, an tĩnh tâm ý và phát huy tuệ giác.
Một điều tôi rất thích là bài kinh này trình bày hết sức rõ ràng. Biết nuôi dưỡng một tấm lòng tốt lành đến với mọi loài, “không bỏ sót một ai.” Điều này có thể thực hiện được qua sự “hạnh phúc và an toàn”, là một kết quả tất nhiên của một lối sống thiện lành, giúp ta thoát ra những “kiến chấp”, mang lại một sự an vui vững bền.
Cũng chính là Bát Chánh đạo
Khi bàn đến bài Kinh Thương Yêu, tôi thường nói với các học trò của mình rằng, “Đây chính là con đường giải thoát! Đây cũng chính là Bát chánh đạo!”
Trong bài Kinh Thương Yêu, Phật dạy rằng, “Những người ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.” Tôi rất thích câu đó. Nó cung cấp cho ta một điều cơ bản để phát huy một lối sống tốt lành, một con đường chuyển hoá.
Tôi hiểu rằng điều này có nghĩa là một lối sống tốt lành đòi hỏi ta phải có chánh niệm, có mặt trọn vẹn, chánh định, sự an tĩnh, và chánh tinh tấn, một cố gắng đúng mức. Tôi bao giờ cũng tin rằng, bất cứ một chi phần nào của Bát Chánh Đạo cũng phản ảnh hết trọn vẹn tất cả những chi phần kia. Và khi ta thực hành một chi phần là ta cũng đang thực hành hết tất cả.
Chánh nghiệp, hành động đúng tốt, chánh ngữ, lời nói chân chánh, và chánh mạng, lối sống tốt lành, là ba chi phần trong Bát Chánh Đạo. Chúng được biểu hiện qua Năm giới của người cư sĩ, mà tôi vẫn thường khuyên học trò mình nên tìm học, như là một phần của thiền tập.
Chánh niệm và Từ bi là một.
Tinh yếu của Kinh Thương Yêu, Metta Sutta, là tâm ý thiện lành đối với mọi loài, không phân biệt. Thường khi tôi giới thiệu bài kinh này trong lớp cho những thiền sinh mới, sẽ có người đặt câu hỏi, với một giọng ngạc nhiên và quan tâm, “Chắc bà không đề nghị là tôi phải nên tha thứ cho anh A, chị B (người mà họ cho là kẻ xấu ác)?
Ít ai có thể tưởng tượng được rằng với một người mà mình biết rõ là xấu xa và nguy hiểm, nhưng ta vẫn đáp lại bằng một thái độ trong sáng và cương quyết, mà không hề nảy sinh ác ý trong tâm. Ba tôi thường nói, “Ba cần phải ghi nhớ nỗi giận của mình, để nó nuôi dưỡng việc chống bất công xã hội của Ba.” Và tôi trả lời rằng, “Không đâu Ba. Ta chỉ cần ghi nhận nó để thúc đẩy mình hành động, và rồi ta phải biết hành động với một tâm trong sáng.”
Tôi thấy rõ rằng, sự thực tập thương yêu, metta, sống trong hiện tại với một tâm không sân hận, cũng là một phương cách thực tập chánh niệm. Thật ra đó cũng là lãnh vực thứ ba của Tứ Niệm Xứ, thuộc về lãnh vực niệm tâm.
Khi ta thực hành bốn lãnh vực quán niệm, thân, thọ, tâm và pháp, với thái độ là“vị ấy an trú một cách tự do, không bị bất cứ một thứ gì trong cuộc đời làm vướng bận”, ta cũng thấy rõ rằng từ bi và chánh niệm chỉ là một, và không thể nào tách rời ra được.
Con đường cho tất cả mọi người
Tôi tin câu “Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, hay khi nằm.” có nghĩa là ta phải thực hành metta ở mọi lúc và mọi nơi. Ta phải biểu hiện nó ra ngay nơi mọi kinh nghiệm trong cuộc sống của mình, trong mối tương quan với người chung quanh, cũng như trong sự thiền tập cá nhân.
Khi có ai hỏi tôi, "Sự tu tập này đã thay đổi bạn như thế nào?" Tôi trả lời, “Tôi tử tế hơn và hạnh phúc hơn. Và tôi tin chắc rằng đây là một con đường an vui cho tất cả mọi người.”
— Sylvia Boorstein
Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên dịch
1 comment:
Cảm ơn thầy đã chia sẻ 🙏
Post a Comment