chánh niệm tự nhiên
Trong sự thực tập chánh niệm, ngài Trungpa Rinpoche, một vị đạo sư Tây tạng, dạy học trò của ông rằng điều quan trọng là đừng nên có một lập trình sẵn có nào trong sự thực tập chánh niệm của mình, not to have a program of awareness.
Thay vì là cứ lặp đi lặp lại theo một công thức sẵn có thì ta chỉ cần tiếp xúc trực tiếp ngay với những gì đang xảy ra mà thôi.
Trải nghiệm đâu cần một phương pháp
Ngài Trungpa nói, khi đối diện với một vấn đề khó khăn nào đó, ta không cần phải nghĩ rằng “Tôi phải giữ chánh niệm!” mà chỉ cần cho phép mình cởi mở và cảm nhận trực tiếp với những gì đang xảy ra.
Ông khuyên học trò của mình rằng, ta không cần nghĩ là mình phải cần có một phương cách hay một kỷ thuật nào đó để giữ chánh niệm, ta hãy cứ mở rộng và giữ cho sự trải nghiệm ấy được tự nhiên. Vì nếu như ta thấy rõ được sự việc như-nó-là, bất cứ đó là gì, thì đó cũng chính là chánh niệm.
Và cho dù như ta không chắc sự thực tập của mình có đúng không, việc ấy cũng không sao, miễn là ta ý thức được điều ấy. Những gì xảy ra sẽ chỉ cho ta thấy điều gì mình cần phải tự điều chỉnh lại, nếu như ta thật sự biết cảm nhận và lắng nghe. Và nhiều khi nhờ không có lý trí chen vào mà sự việc lại được sáng tỏ hơn.
Đối tượng bao giờ cũng mới
Bạn biết không, trong cuộc sống muốn làm việc gì thì chắc chắn ta phải cần đến phương pháp và phải có một chương trình rõ ràng. Điều ấy cũng là một việc cần thiết và dĩ nhiên thôi.
Nhưng trên con đường tu học, nếu như ta muốn thấy được thực tại như-nó-là, một cái thấy sâu sắc vượt ra ngoài những khái niệm của lý trí, ta cần phải có một cái nhìn mới.
Cuộc sống trôi chảy tự nhiên với những bất ngờ, vì vậy mà sự tu học của ta khó có thể dựa trên một khuôn mẫu cố định nào được.
Những lập trình sẵn có thường chỉ với mục đích để giúp ta giải quyết một vấn đề nhất định và cần thiết nào đó. Nếu ta biết cảm nhận và quan sát những gì đang xảy ra tự nhiên, chúng sẽ mở rộng ta ra với một thực tại trong sáng và tươi mới.
Giữa những vật vã, khổ đau của cuộc đời, chung quanh ta cũng vẫn có những bóng mát, một đoá hoa nhỏ nở, một bàn tay ấm... Đâu ai biết được! Hôm qua ta có thể đang đối diện với những muộn phiền, khó khăn, nhưng sáng hôm nay tất cả có thể sẽ hoàn toàn đổi mới… Vô thường có nghĩa là sự việc bao giờ cũng sẽ lại là mới tinh khôi.
Tất cả chỉ thiếu sự lắng nghe của ta
Các vị thiền sư thường dạy rằng, trong giờ phút này nếu như ta biết lắng nghe, biết quan sát, biết cảm nhận những cảm giác nơi thân, trạng thái nào đang có mặt trong tâm... tức là ta đang sống trọn vẹn tỉnh thức trong giờ phút hiện tại.
Mà tôi nghĩ, thật ra việc ấy không đòi hỏi một sự dụng công gì nhiều lắm như mình tưởng đâu. Vì khi chú tâm lắng nghe một âm thanh nào đó thì ta cần một sự cố gắng, chứ như lắng nghe hết tất cả thì thật ra ta chỉ cần buông thả cho tâm mình được tự nhiên và rộng mở mà thôi.
Và tôi hiểu rằng, bây giờ và ở đây đang có đầy đủ hết tất cả, và có lẽ nó chỉ thiếu vắng mỗi sự có mặt của chính mình để cảm nhận, để lắng nghe mà thôi...
Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment