chuyển hoá những bất an
Trong cuộc sống, lo âu, sợ hãi, bất an là những điều không ai có thể tránh được. Và phần lớn chúng ta lại còn xem đó như là những chướng ngại cho con đường chuyển hoá và an vui của mình.
Theo ông Bruce Tift, một bác sĩ phân tâm học và cũng từng dạy tại đại học Phật giáo Naropa, thì những chướng ngại đó, thật ra chỉ là những "xáo động" (disturbance) trong cuộc sống mà thôi, chứ không phải thật sự là vấn đề (problem). Và thật ra, những "xáo động" này lại còn là những điều rất cần thiết cho sự tu tập và giải thoát của chúng ta nữa.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Bruce Tift, về phương cách giúp chúng ta có thể trải nghiệm những bất an, lo âu của mình, để sống tự tại và thấy ra được chân lý của sự sống.
Sự sống là một tiến trình khám phá
Phương cách trị liệu của Tây phương là phân tách, tìm hiểu những bất an của mình, và dựa vào chính nỗi lo âu và sợ hãi đó làm một khởi điểm. Cái gì đã làm cho ta lo âu? Ta cần làm gì để xử lý nó? Làm thế nào ta có thể diệt trừ chúng?
Nhưng thật ra, phương cách đó cũng không hiệu quả lắm. Vì chúng ta không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề cuộc sống của mình. Cuộc sống không phải là một cái gì mà ai có thể làm hư vỡ đi rồi sửa lại, hàn gắn lại. Sự sống là một quá trình, và ta không thể nào giải quyết, xử lý một tiến trình. Ta chỉ có thể tham dự vào tiến trình ấy, một cách có ý thức hay là vô ý thức, mà thôi.
Trong cuộc đời, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm được một công thức hoàn hảo nào đó, để rồi nương theo đó mà sống. Ta sẽ không bao giờ tránh né được những cái đau (pain), mặc dù ta có thể làm giảm bớt đi những nỗi khổ (suffering) không cần thiết, rất nhiều.
Tiếp nhận những bất an bằng sự bao dung
Môn tâm lý học Tây phương thường đặt nền tảng cơ bản về sự sống lên trên một cái Tôi nào đó. Nhưng càng trải nghiệm, ta lại càng thấy mình không thể nào nắm bắt được cái Tôi ấy, hay hiểu được nó.
Đối với cái nhìn của đạo Phật, thì một sự sống tự nhiên, và tâm thức mình, lúc nào cũng rộng mở. Không có một cái gì làm nền tảng cho ta nương tựa hết. Chúng ta có thể tham dự vào với sự rộng mở này, nhưng ta không thể nào hoàn toàn hiểu được nó.
Khi ý thức được điều ấy ta sẽ thấy rằng, những lo âu, bất an thật ra lại chính là một phần tự nhiên, và cần thiết cho con đường giải thoát. Vì khi ta phát huy sự bao dung với một ý thức rộng mở, thì chắc chắn thế nào ta cũng sẽ trải nghiệm những nỗi sợ hãi và lo âu.
Rồi sẽ đến một thời điểm nào đó, ta sẽ nhận thấy rõ rằng, muốn có được một tâm thức rộng mở, ta phải dám tiếp xúc với những kinh nghiệm bất an và sợ hãi của mình. Và đó là một điều rất quan trọng.
Đừng biến những xáo động (disturbance) thành vấn đề (problem)
Khi tôi nói “dám tiếp xúc với những bất an của mình,” là tôi muốn nói ta dám làm một điều rất khó khăn! Khó khăn là vì nó đi ngược lại với bản năng sinh tồn và tập quán văn hoá của mình.
Ta không tránh né những cảm giác khó chịu, lo âu. Ta dám vui vẻ đón nhận nó, cảm nhận nó, và tự mình khám phá ra xem chúng có thật sự là một vấn đề lớn lao như ta nghĩ chăng?
Và nếu như, sự lo âu, bất an, không phải là một vấn đề, và nếu như ta thấy rõ rằng nó lại là một phần thiết yếu cho con đường giải thoát, thì có lẽ ta nên tập cho mình có một thái độ rộng mở hơn.
Một điều chắc chắn trong cuộc sống là chúng ta sẽ gặp những khó khăn, xáo động (disturbance). Sở dĩ chúng khó khăn và phiền phức là vì chúng không giống như những gì mình mong cầu, được theo ý mình muốn. Và trong ta sẽ có những cảm giác khó chịu, bất an khởi lên. Nhưng khi ta tiếp tục tránh né và không muốn đối diện, cảm nhận những cảm xúc ấy, thì theo thời gian những khó khăn, xáo động (disturbance) này của cuộc sống sẽ trở thành vấn đề (problem).
Ví dụ, có một người bạn thân bỏ đi ra khi ta đang nói chuyện với người ấy, trong ta sẽ cảm thấy có một cảm giác tổn thương, bị bỏ rơi, và tức giận. Nếu như ta không trực tiếp cảm nhận những cảm xúc ấy, chúng đến và đi theo điều kiện, và lại tránh né hay đè nén chúng, thì vô tình ta biến những cảm xúc tự nhiên đó trở thành vấn đề.
Ngược lại, nếu như ta có một thái độ rộng mở, và trải nghiệm những cảm xúc ấy, ta sẽ thấy rõ và hiểu được về chính mình hơn. Những cảm xúc ấy, chúng đến và đi theo luật duyên khởi tự nhiên, nhưng nếu ta tránh né, chúng sẽ trở thành một vấn đề cứng nhắc trong ý tưởng của mình. Và những gì ta tưởng có thể là sai lầm.
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment