Để cho sự vật được tự nhiên cũng không có nghĩa là ta buông xuôi và không làm gì hết, mà là hành động với một tuệ giác, tiếp nhận với một tâm rộng mở. Ngài Ajahn Chah nói,
"Bạn có để ý rằng mỗi sự vật tự nó có một lối phát triển riêng không. Khi ta đã cố hết sức mình rồi thì ta hãy để cho luật tự nhiên, nhân quả vận hành theo luật của nó. Ta bao giờ cũng phải cố gắng, tùy theo sức của mình, nhưng tuệ giác hay niềm vui đến với ta mau hay chậm, điều đó hoàn toàn không tùy thuộc vào mình.
Cũng như khi bạn trồng một cây, ta không thể nào bắt buộc cây mọc mau hay chậm được. Cây có nhịp độ phát triển riêng của nó. Bổn phận riêng của bạn là đào đất, tưới nước, bón phân, chăm sóc nó. Và bạn cũng chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi. Còn sự phát triển là tùy thuộc vào cây. Nhưng nếu bạn cứ làm như thế, bạn đừng lo, cây bạn trồng sẽ xanh tươi, sẽ phát triển.
Trọn vẹn với việc ta làm
Nhưng bạn phải biết phân biệt giữa công việc của mình làm và công việc của cây. Việc của cây hãy để yên cho nó, còn bạn hãy quan tâm đến bổn phận của chính mình. Nếu bạn không thấy rõ được điều ấy, bạn sẽ đi bắt cây phải mọc nhanh lên, rồi đâm hoa, nở nhụy, kết trái theo ý muốn của bạn. Đó là một cái nhìn, quan niệm sai lầm, dẫn ta qua biết bao nhiêu phiền não, khổ đau. Làm gì cũng vậy, nhất là trên đường tu tập, hãy thực hành cho đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp, luật nhân quả phân xử.
Hiểu được như vậy, cho dù con đường của bạn đi có dài bao nhiêu, dầu ở bất cứ nơi đâu, bạn lúc nào cũng sẽ được an vui.”
Ngày xưa có một vị lương y trong quân đội. Vào thời có chiến tranh ông phải tháp tùng quân lính ra trận và có nhiệm vụ săn sóc, cứu thương cho binh sĩ. Năm này sang năm nọ, ông nhìn thấy những người lính mà ông mới vừa cứu sống, lại leo lên ngựa xông ra chiến trận, rồi lại bị thương hoặc đôi khi là tử trận.
Vị lương y đâm ra chán nản, không biết những việc mình làm thật sự có mang lại ích lợi gì chăng. Ông tự hỏi: “Nếu số phận của họ là phải chết thì ta cứu sống họ làm gì? Nếu nghề thầy thuốc của ta là cần thiết và hữu ích thì tại sao ta không cứu được họ?” Một ngày nọ, ông một mình bỏ đi lên núi theo học đạo với một vị thiền sư, mong tìm một câu trả lời. Sau nhiều năm tu tập, ông xuống núi và trở lại tiếp tục làm lương y cho quân đội. Ông tiếp tục săn sóc, chữa lành cho những binh sĩ bị thương, để rồi lại nhìn họ ra trận, bị thương hoặc tử trận. Nhưng ông vẫn cứ vui vẻ với việc làm của mình. Nếu có ai thắc mắc hỏi ông, ông chỉ giản dị trả lời: “Vì tôi là một lương y!” Thế thôi. Đâu còn một câu trả lời nào chân thật hơn, phải không bạn?
Trong Kinh Tương Ưng Bộ có kể câu truyện về hai thầy trò một nhà kia làm nghề hát xiệc. Người thầy là một người đàn ông góa vợ và người học trò là một cô gái nhỏ tên là Kathullika. Hai thầy trò đi đây đó trình diễn để kiếm ăn. Màn trình diễn của họ là ông thầy đặt một thanh tre cao trên đỉnh đầu mình, trong khi bé gái leo dần lên đầu cây rồi dừng lại trên đó, để người thầy tiếp tục di chuyển trên mặt đất. Cả hai thầy trò đều phải vận dụng sự tập trung tâm ý đến một mức độ khá
cao, để giữ thăng bằng và để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra.
Một hôm vị thầy nói với người học trò: "Này Kathulika, con hãy giữ gìn cho ta và ta sẽ giữ gìn cho con, chúng ta hãy giữ gìn cho nhau, để tránh được tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn." Đứa bé gái trả lời rằng: "Thưa thầy, có lẽ ta nên làm thế này đúng hơn: Trong hai thầy trò ta mỗi người nên tự gìn giữ lấy mình, giữ
gìn lấy mình tức là gìn giữ cho nhau tránh được tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn cơm”.
Đức Phật khen rằng lời khuyên của đứa bé gái là đúng. Chúng ta mỗi người hãy tự giữ gìn cho chính mình trước. Ta giữ mình được thăng bằng với những gì đang xảy ra, không nắm bắt, nghiêng về bên này, hay ghét bỏ, ngả về bên kia. Có mặt trọn vẹn và thấy rõ được những cảm xúc khởi lên, để ta có được sự tự do trong những phản ứng của mình. Cuộc sống này cũng như thanh tre mà chúng ta đang đi. Hễ không ngả về bên này thì cũng nghiêng về phía kia. Việc ấy cũng không thể tránh được, nhưng việc ta cần làm là đơn giản tiếp tục điều chỉnh lại lời nói, hành động và cảm nhận của mình
thôi.
Và ta cũng chỉ có thể làm việc ấy cho chính mình. Đó không phải là một hành động ích kỷ, mà vì khả năng giúp đở người khác của ta hoàn toàn tùy thuộc vào sự vững vàng và quân bình của chính mình. Đó mới thật là một thái độ rộng mở.
Khi ta hộ trì cho chính ta là ta đang hộ trì cho người khác
Khi ta đang hộ trì cho người khác là ta đang hộ trì cho chính ta
Này các thầy, thế nào là trong khi hộ trì cho mình ta hộ trì người khác?
Bằng cách thực tập chánh niệm và làm cho nó được tăng trưởng
Và thế nào là trong khi hộ trì cho người khác là ta hộ trì cho mình?
Bằng cách nhẫn nhịn,bất hại và tình thương.
Kinh Tương Ưng Bộ
Ta hãy tự hộ trì cho mình bằng một sự cảm nhận trọn vẹn để thấy rõ những gì đang xảy ra, và ta hãy hộ trì cho người khác bằng tình thương và không làm điều gì gây hại cho ai. Trong cuôc sống này chúng ta rất cần sự nương tựa vào nhau, nhưng sự vững vàng ấy bắt đầu bằng một thái độ biết tự gìn giữ cho chính mình.
Nguyễn Duy Nhiên
1 comment:
Xin chào các bạn muốn sống đời ẩn sĩ, muốn sống nơi rừng núi bạt ngàn tĩnh lặng.
Mình đang tìm bạn đồng tu vào rừng hành thiền (nam giới). Kế hoạch bước đầu: chuẩn bị đầy đủ mọi thứ (lều, thức ăn, dụng cụ sinh tồn…), đi đến một nơi rừng núi vắng vẻ (nơi mọi người đi trekking), gần suối, ít bóng người, yên tĩnh, dựng lều, ở lại đó khoảng 7 ngày hoặc lâu hơn, hành thiền và trải nghiệm. Liên hệ: nam giới, 30t, ở sài gòn, đt: 036 395 2547, email: bananaalam@gmail.com.vn, papayaalam@gmail.com
“Ðẹp sắc, mây xanh biếc,
Nước mát lạnh, chảy trong,
Kẻ chăn bò Inda,
Che kín cả ngôi rừng,
Những ngôi núi đá ấy,
Làm hân hoan tâm ta”
Xin phép anh Nguyễn Duy Nhiên cho mình được đăng thông tin này. Xin cảm ơn.
Post a Comment